Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 2 ngày (20-21.7) đã xảy ra mưa lớn làm ngập úng khoảng 600 ha lúa và mì mới trồng của người dân tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu gây thiệt hại ước tính 600 triệu đồng. Mưa lớn gây ngập úng cục bộ là chuyện thường xuyên tại các cánh đồng nhưng với việc bị ngập úng có quy mô diện tích lớn đến hơn 600 ha là một vấn đề mà các ngành chức năng cần quan tâm để có giải pháp xử lý, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nông dân.
Cánh đồng khoảng 600 ha lúa, mì mới trồng bị ngập úng nặng tại ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu khi mưa lớn kéo dài liên tục 2 ngày 20 và 21.7.
KHI KÊNH TIÊU BỊ BỒI LẮNG
Mưa lớn ngày 21.7 vừa qua gây ngập úng hơn 600 ha lúa và mì tại ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Một nông dân sống lâu năm tại khu vực này cho biết, với lượng nước nhiều như thế có thể gần 1 tuần sau nước mới rút hết. Lúa, mì mới gieo trồng coi như mất trắng.
Khoảng 15 ngày sau, khi trở lại cánh đồng ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, nước đã rút và người nông dân cũng đã tranh thủ gieo sạ lại cho kịp thời vụ. UBND xã Phước Ninh lập đoàn khảo sát, thống kê thiệt hại của từng hộ dân trong đợt ngập vừa qua để báo cáo lên cấp trên.
Anh Nguyễn Tấn Khang (sinh năm 1987, ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh) một nông dân bị thiệt hại trong đợt ngập vừa qua chia sẻ: "Mưa lớn kéo dài 2 ngày liên tục nên nông dân canh tác lúa, mì trên cánh đồng ấp Phước Lễ đều đứng ngồi không yên. Nước không thoát kịp kéo dài coi như cả cánh đồng đều bị thiệt hại, lúa mới sạ bị trôi theo nước; mì mới trồng bị thối".
Anh Khang sạ 4 ha lúa, trồng 1 ha mì, đợt ngập vừa qua ước thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Một héc-ta lúa công cày xới, lúa giống khoảng 10 triệu đồng; 1 ha mì giống kháng bệnh khảm lá khoảng 20 triệu đồng.
"Thật ra cánh đồng 600 ha này có hệ thống kênh tiêu đầy đủ nhưng do lâu ngày không được cải tạo bị cỏ mọc, bồi lấp; cùng với đó hệ thống mương kiến không đồng bộ nên dẫn đến hệ thống kênh tiêu cho cánh đồng không phát huy tác dụng.
Khi mưa lớn xảy ra ngập úng là điều khó tránh khỏi. Do đó, anh Khang kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm cải tạo hoặc đầu tư thêm hệ thống kênh tiêu để nông dân canh tác trên cánh đồng ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh an tâm sản xuất.
Dù đã tranh thủ nước rút, người dân ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh gieo sạ lúa lại nhưng do ngập nước kéo dài nên vụ đợt gieo sạ mới lúa cũng mọc không đều.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KÊNH TIÊU
Ông Đỗ Tuấn Kiệt- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, cánh đồng ấp Phước Lễ từ trước đến nay dù mưa lớn có ngập nhưng sau đó nước thoát nhanh không gây thiệt hại cho người dân như đợt ngập trong 2 ngày 20 và 21.7 vừa qua.
Hơn 600 ha bị ngập nằm ngoài vùng dự án kênh tiêu mà tỉnh đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong cơn mưa lớn vừa qua, khu vực kênh tiêu do tỉnh đầu tư đã tiêu thoát tốt không hề xảy ra ngập úng, nông dân rất phấn khởi. Trong khi đó, chỉ cách dự án kênh tiêu do tỉnh đầu tư khoảng 400m là cánh đồng hơn 600 ha bị ngập nặng, điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống kênh tiêu trong canh tác nông nghiệp.
Riêng cánh đồng hơn 600 ha bị ngập tại ấp Phước Lễ dù có hệ thống kênh tiêu nhưng do lâu ngày không được cải tạo, cỏ mọc, bị bồi lắng nên khi có mưa lớn kéo dài như đợt mưa vừa qua đã bị ngập úng cục bộ kéo dài gây thiệt hại nặng nề.
Với trách nhiệm là lãnh đạo địa phương, ông Đỗ Tuấn Kiệt cũng nhận thấy hệ thống kênh tiêu tại cánh đồng hơn 600 ha bị ngập vừa qua cần được huyện, cơ quan chức năng có giải pháp như nạo vét hoặc đầu tư thêm kênh tiêu để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trong thời gian tới.
Theo ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, việc ngập khoảng 600 ha lúa, mì tại xã Phước Ninh có nguyên nhân mưa lớn kéo dài bất thường dẫn đến cánh đồng bị ngập. Huyện Dương Minh Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp khảo sát để có giải pháp đề xuất huyện xử lý.
Ông Đặng Thủ Thừa cũng xác nhận tình trạng ngập úng vừa qua là do hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ, nhiều công trình bị bồi lấp chưa được nâng cấp.
Tấn Hưng