Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thanh toán điện tử:
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng
Thứ sáu: 00:31 ngày 12/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các doanh nghiệp và ngân hàng cần phải có giải pháp hướng dẫn, khuyến khích để mọi người thấy được lợi ích của phương thức thanh toán điện tử khi trả tiền điện, tiền nước qua thẻ ATM.

Phần lớn công nhân, người lao động chỉ dùng thẻ ATM chỉ duy nhất là để rút tiền khi được chuyển lương vào tài khoản (ảnh minh họa).

Ngày 1.1.2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và định hướng đến năm 2021.

Trong đó, đối với việc đẩy mạnh thanh toán tiện tử và cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, theo Nghị quyết 02, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ như: yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12.2019.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng như Công ty Điện lực Tây Ninh, Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh… Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của 2 doanh nghiệp này, số lượng khách hàng tham gia dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian hiện vẫn còn khá thấp.

NGƯỜI DÂN VẪN CHƯA “MẶN” VỚI PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN MỚI

Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, năm 2018, tổng số hoá đơn tiền điện khách hàng thanh toán qua các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian tại Tây Ninh được 432.010/4.598.519 hoá đơn, chiếm tỷ lệ 9,93%.

Còn theo Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh, do mới triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt từ giữa năm 2018 nên công ty cũng chỉ mới liên kết với một vài ngân hàng nên tỷ lệ khách hàng thanh toán hoá đơn tiền sử dụng nước qua hệ thống ngân hàng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Để nâng cao tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng liên kết với nhiều ngân hàng, cũng như tổ chức thanh toán trung gian để tạo điều kiện thuận lợi khách hàng thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Công ty Điện lực Tây Ninh cho rằng, dù thời gian qua công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thông tin đến khách hàng về các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng thanh toán tiền điện được nhanh chóng nhưng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian hiện nay vẫn còn rất thấp.

Nguyên nhân là đa số người dân (đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa) chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện tích thanh toán hiện đại như: Mobile Banking, Internet Banking, ví trực tuyến, thanh toán điện tử… Một nguyên nhân khác là người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với việc thanh toán công nghệ mới, cũng như lo ngại về an ninh khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khá quan trọng là tập quán người dân quen dùng tiền mặt để thanh toán. Bởi phương thức thanh toán bằng tiền mặt nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được đa số người dân chấp nhận. Do đó, việc thay đổi thói quen về phương thức thanh toán của người dân khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, do việc thanh toán bằng tiền mặt tại nhà đã duy trì từ rất lâu nên tâm lý người dân vẫn muốn thanh toán tiền điện bằng tiền điện như nhiều năm qua. Đồng thời do mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị trấn nên việc triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn.

VẬN ĐỘNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC SỬ DỤNG PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN HIỆN ĐẠI

Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết cán bộ công chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều được chi trả lương qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng thẻ ATM để thanh toán các khoản tiền điện, tiền nước… Do đó, các doanh nghiệp và ngân hàng cần phải có giải pháp hướng dẫn, khuyến khích để mọi người thấy được lợi ích của phương thức thanh toán điện tử khi trả tiền điện, tiền nước qua thẻ ATM.  

Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, để tăng số lượng khách hàng không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện trong năm 2019, bảo đảm thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Công ty Điện lực Tây Ninh đã có văn bản kiến nghị đến Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thực hiện thanh toán tiền điện bằng các hình thức thanh toán điện tử, ngân hàng và tổ chức thanh toán trung gian.

THIÊN TÂM

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công.

Theo đó, để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục chú trọng nghiên cứu và tích cực triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoá quy trình xử lý nhằm cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán chất lượng, phù hợp với nhu cầu của các tổ chức, cá nhân với chi phí hợp lý để thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hoá đơn điện, nước, học phí, viện phí...

Nghiên cứu có giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hoá đơn điện, nước, học phí, viện phí... một cách nhanh chóng, thông suốt và an toàn thông qua việc tiết giảm đầu mối kết nối, bảo đảm cung ứng dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý (miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hoàn tiền, quay số, tích điểm thưởng...) để khuyến khích và tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hoá đơn điện, nước, học phí, viện phí...

Chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử, bảo đảm thực hiện các lệnh thanh toán nộp phí, lệ phí, thanh toán hoá đơn điện, nước, học phí, viện phí... của khách hàng một cách chính xác, kịp thời, thông suốt và an toàn theo đúng quy định. Trường hợp có phát sinh sai sót hoặc tra soát, khiếu nại phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để phản hồi, giải thích rõ lý do cho khách hàng biết.

Tin cùng chuyên mục