Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong mấy năm gần đây, ngành Giáo dục Tây Ninh đã có những điều chỉnh kịp thời, đó là chỉ xây trường đáp ứng được nhu cầu của người học, không nhất thiết phải xây trường đạt chuẩn như bộ tiêu chí của Bộ GD-ÐT.
Trong giờ học ở Trường tiểu học thị trấn Dương Minh Châu- một trường đạt chuẩn quốc gia.
Hiện nay, Tây Ninh có 90 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia với các mức độ khác nhau. Trường chuẩn quốc gia đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, chất lượng dạy và học không ngừng được cải thiện.
Song, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học không phải không có những bất cập, thậm chí còn có những vấn đề không hoàn toàn tích cực.
Tại buổi tổng kết 20 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia cấp tiểu học do Sở GD&ÐT tổ chức cách nay vài ngày, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của hiệu trưởng, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học chuẩn quốc gia đã được nêu lên với lãnh đạo Sở GD-ÐT và UBND tỉnh.
Một vị nguyên hiệu trưởng một trường chuẩn quốc gia đề nghị cho phép huy động nguồn lực từ xã hội để trang bị hệ thống máy vi tính mới, vì nhiều dàn máy vi tính ở trường chuẩn được trang bị từ lâu nay đã lạc hậu.
Một ý kiến từ huyện Hoà Thành cho rằng xây dựng trường chuẩn quốc gia là đúng. Tuy nhiên, không chỉ và không nên chỉ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, điều quan trọng phải là chất lượng dạy và học.
Ðó mới là then chốt. Trường chuẩn quốc gia phải tạo ra sự khác biệt tương đối với những trường chưa đạt chuẩn, không thể cứ xây dựng cơ sở vật chất là đạt chuẩn.
Ở trường chuẩn quốc gia, nhất là tại khu vực đô thị còn có một vấn đề khó khăn cần giải quyết. Ðó là tình hình quá tải về sĩ số học sinh. Một hiệu trưởng trường chuẩn quốc gia ở TP. Tây Ninh cho biết, tuyển sinh đầu cấp luôn tạo ra sức ép đối với lãnh đạo nhà trường.
Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở trường chỉ có 6 lớp nhưng có năm lên đến 7 - 8 lớp. Trường phải tận dụng phòng chức năng làm phòng học. Chia sẻ ý kiến này, một hiệu trưởng khác đề nghị bỏ sĩ số 35 học sinh/lớp, đồng thời nâng tiêu chuẩn diện tích phòng học, vì nhiều lớp học không còn lối để đi khi kê bàn.
Một số ý kiến khác đánh giá, tại những xã nông thôn mới, đang có tình trạng lãng phí cơ sở vật chất, vì dân số không tăng, "Ðầu tư trường chuẩn" nhưng học sinh quá ít có nên không.
Một số khác cho rằng, những tiêu chí về trường chuẩn quốc gia được quy định từ năm 2012 đến nay đã có phần lạc hậu, không còn cần thiết, ví dụ tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh lên lớp, tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên.
Theo quy định, ở trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%; tỷ lệ học sinh xếp loại khá đạt ít nhất 30%; xếp loại giỏi đạt ít nhất 5%; có học sinh tham gia các hội thi, giao lưu do các cấp tổ chức.
Những quy định này không còn thật cần thiết, vì nó quá bình thường và hầu như trường nào cũng đạt được, thậm chí vượt xa các con số nêu trên, kể cả những trường chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Tương tự như vậy, đối với giáo viên, Bộ GD-ÐT quy định: những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo được đánh giá theo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học phải đạt từ trung bình trở lên; có ít nhất 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; công tác đào tạo, bồi dưỡng: nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng để tất cả giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; có ít nhất 50% giáo viên được xếp loại khá, giỏi về bồi dưỡng thường xuyên.
Một ý kiến khác chỉ ra sự mâu thuẫn trong các văn bản hiện hành. Ví dụ, Thông tư 59 năm 2012 của Bộ GD-ÐT cho phép trường chuẩn quốc gia “được huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, thiết bị dạy học, khen thưởng học sinh học giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo”.
Tuy nhiên, tại một văn bản đang có hiệu lực lại quy định, cơ sở giáo dục không được huy động tiền của phụ huynh để mua sắm cơ sở vật chất.
Chỉ đạo tại buổi tổng kết, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân yêu cầu Sở GD-ÐT phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các cấp có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục ở những trường chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh (170 trường); rà soát lại toàn bộ trường học, những trường nào đạt chuẩn rồi thì tiếp tục củng số, nâng cao chất lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn những trường đạt chuẩn, không nên thoả mãn với những gì đã đạt được; khảo sát, nghiên cứu lập đề án cải tạo, xây mới nhà vệ sinh trong trường học.
Hiện nay, trường chuẩn quốc gia nào cũng có nhà vệ sinh nhưng vẫn đang thiếu, nhất là nhà vệ sinh cho giáo viên. Ông đề nghị ngành Giáo dục, lãnh đạo từng trường chú trọng xây dựng môi trường sư phạm an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Liên quan đến những kiến nghị sửa đổi, bổ sung tiêu chí trường chuẩn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ÐT nghiên cứu mở một cuộc hội thảo, bàn sâu, để có thể kiến nghị lên Bộ GD-ÐT.
Dẫn chứng điều này, ông chỉ ra thực trạng ở nhiều trường học, số phòng học ít hơn hai lần so với các loại phòng khác. “Tôi không nói vấn đề này đúng hay sai, nhưng cần phải nghiên cứu, thảo luận xem có phù hợp hay không”- Chủ tịch tỉnh đề nghị.
Như đã nói ở trên, trên địa bàn tỉnh hiện có 90 trường chuẩn quốc gia ở các mức độ khác nhau. Ở những trường này, cơ sở vật chất, phòng ốc, thiết bị dạy học đã đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả hay không lại là một vấn đề khác. Tại hội nghị, có ý kiến đã nhắc lại một chuyện không mới, đó là lãng phí trong việc mua sắm trang thiết bị, ví dụ, nhà trường được trang bị đàn nhưng phần lớn giáo viên không sử dụng được, trong đó có những loại đàn, thiết bị âm thanh rất đắt tiền.
Cách nay đã lâu, một quốc gia ở châu Á tài trợ cho ngành giáo dục, trong đó có tỉnh Tây Ninh một loại đàn, được ví là “vua của các loại đàn” nhưng giáo viên không đủ tay nghề để sử dụng.
Học sinh mầm non uống nước trong giờ ra chơi.
Ngoài thiết bị, đồ dùng dạy học, việc xây trường chuẩn quốc gia còn gắn với quá trình xây dựng xã nông thôn mới. Ðể được công nhận xã nông thôn mới, những trường học trên địa bàn các xã này phải đạt chuẩn quốc gia.
Quy định này là một bất cập, xa rời thực tế và mang tính rập khuôn, máy móc. Một xã thường có 3-4 trường tiểu học (có khi còn nhiều hơn, vì mỗi ấp có một trường).
Nếu trường nào cũng xây dựng chuẩn quốc gia, ngân sách không thể chịu đựng được. Song, điều quan trọng hơn là, trường chuẩn quốc gia thường có quy mô lớn, bề thế nhưng số học sinh lại rất ít, có trường có chưa quá 100 học sinh.
Nhận thấy những bất cập đó, trong mấy năm gần đây, ngành Giáo dục Tây Ninh đã có những điều chỉnh kịp thời, đó là chỉ xây trường đáp ứng được nhu cầu của người học, không nhất thiết phải xây trường đạt chuẩn như bộ tiêu chí của Bộ GD-ÐT.
Mặt khác, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, tới đây, mỗi xã chỉ còn một trường tiểu học.
Như vậy, việc “tái cơ cấu” mạng lưới trường lớp là điều phải làm, không thể khác. Khi đó, chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia nói chung, trường tiểu học chuẩn quốc gia nói riêng lại càng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
VIỆT ÐÔNG