Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xử lý tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn:
Cần giải pháp triệt để hơn
Thứ bảy: 06:30 ngày 22/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế, học sinh, đại đa số đều chưa đủ tuổi, chạy xe phân khối lớn đến trường vẫn diễn ra nhan nhản, cho dù ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo quy định, người dưới 18 tuổi không được điều khiển xe gắn máy từ 50 phân khối trở lên. Song thực tế, học sinh, đại đa số đều chưa đủ tuổi, chạy xe phân khối lớn đến trường vẫn diễn ra nhan nhản, cho dù ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

CẤM CỨ CẤM, CHẠY CỨ CHẠY

Có mặt tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố và huyện Hoà Thành như Tây Ninh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tây  Ninh) Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt (huyện Hoà Thành)… chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh chạy xe tay ga, phân khối lớn vào trường. Giờ tan học, hàng chục lượt học sinh điều khiển xe máy hiệu Vision, AirBlade, Wave, Dream, Sirius… hoà vào dòng xe trên đường. Thậm chí, nhiều em chạy dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Không chỉ ở cấp THPT, học sinh THCS đi xe phân khối lớn đến trường cũng không hiếm. Khoảng 6 giờ 20 phút sáng, tại một cổng trường THCS, một số em mặc đồng phục, đeo ba lô chạy xe gắn máy rẽ vào con hẻm nhỏ, gửi phương tiện ở quán cà phê và đi bộ vào trường. Em Đ.H.M, học sinh của trường cho biết, do nhà có điều kiện, bạn được cha mẹ trang bị xe gắn máy đi học. Theo quan sát, hầu hết các học sinh đi xe gắn máy đều gửi bên ngoài vì sợ trường phát hiện.

Ông N.V.N, bán đồ ăn vặt trước cổng trường cho biết: “Học sinh đi xe máy đến trường rất nhiều, có đứa có xe xịn lắm! Các em đối phó với nhà trường bằng cách gửi xe bên ngoài. Theo quan sát của chúng tôi, ở các quán cà phê, trà sữa gần trường, xe gắn máy xịn tập trung khá nhiều, từ xe số đến tay ga. Dù tiền gửi xe thường cao hơn trong trường nhưng muốn né tránh thầy cô nên các em vẫn chấp nhận. Trong khi đó, nhà trường không thể can thiệp giải quyết các điểm gửi xe tư nhân này”.

GIAN NAN VIỆC CHẤN CHỈNH

Dù chưa kết thúc học kỳ I năm học 2018 - 2019, theo số liệu thống kê của Phòng CSGT tỉnh, từ đầu năm học đến ngày 5.12, lực lượng đã xử lý gần 1.500 trường hợp điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Trong đó, có 1.399 trường hợp bị lập biên bản, nhắc nhở 60 trường hợp.

Theo nhiều người, nguyên nhân khiến việc nghiêm cấm học sinh sử dụng xe phân khối lớn chưa có hiệu quả cao là do ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, phụ huynh còn thấp. Trao đổi với phụ huynh về vấn đề này, chúng tôi nhận được khá nhiều lý do như: “không có thời gian đưa rước”, “vì con đòi”, “để giống bạn bè”, “thể hiện sự trưởng thành”… Bà N.N.L, ngụ phường Hiệp Ninh có con đang học lớp 9 cho rằng: “Con trai đã biết lái xe, gia đình mua phương tiện để cháu tập quen dần, đi học thuận tiện”.

Đại diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thừa nhận, hầu hết các trường THPT đều có tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn. Trong những năm qua, nhà trường đã đưa Luật Giao thông đường bộ vào các buổi tuyên truyền đầu tuần; phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, xử lý vi phạm. Qua đó, tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn có giảm, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Nguyên nhân do một số phụ huynh có điều kiện mua xe đời mới cho con em. Hoặc có trường hợp gia đình khó khăn, chỉ có một phương tiện đi lại, cha mẹ bận rộn, học sinh phải tự chạy xe đến trường. Nếu xử lý gắt gao, phụ huynh lại doạ cho con nghỉ học vì không có điều kiện mua xe mới.

Đại uý Lê Tuấn Qui - Phó Đội trưởng Đội CSGT Thành phố cho biết, hiện công tác xử lý người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện gặp nhiều khó khăn. Khi thấy lực lượng chức năng, các em thường trốn trong trường hoặc cố tình bỏ chạy. Nhiều em chạy xe dưới 50 phân khối nhưng nâng cấp, độ thành xe 100 phân khối.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

“Việc giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do sức khoẻ, kỹ năng của các em chưa bảo đảm, không thể làm chủ hoàn toàn phương tiện. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, các em chưa biết cách xử lý, phản xạ nhanh, việc va chạm, xảy ra tai nạn là điều không tránh khỏi. Bên cạnh công tác xử lý vi phạm, việc hướng dẫn luật, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cho các em là vô cùng cần thiết, cần nhanh chóng thực hiện”- theo ý kiến một người dân bày tỏ suy nghĩ. Để chấn chỉnh tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, một số hiệu trưởng trường THCS, THPT và cơ quan chức năng thống nhất cho rằng, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, cơ quan chức năng và phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt gia đình phải là nền tảng.

Thầy Nguyễn Tuân - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Hoà Thành) cho biết, hiện có khoảng 800 học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy đến trường. Nhà trường kết hợp với nhà xe thường xuyên tổ chức kiểm tra xe của học sinh, chỉ nhận giữ phương tiện đúng quy định (xe đạp, xe gắn máy dưới 50 phân khối). Trường hợp học sinh điều khiển xe trên 50 phân khối cần phô tô giấy phép lái xe, nhập vào bảng theo dõi để quản lý. Thời gian qua, đa phần học sinh lái xe đúng quy định, không có trường hợp vi phạm an toàn giao thông bị gửi thông báo về trường.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo 100% đơn vị, trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh và 100% Đoàn trường THPT cho học sinh ký cam kết không vi phạm, không sử dụng xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe. Sở còn yêu cầu các trường THPT tăng cường kiểm tra, giám sát số lượng xe máy tại bãi giữ xe.

Nếu phát hiện phương tiện không đúng quy định, nhà trường sẽ mời phụ huynh, yêu cầu ký cam kết không giao xe trên 50 phân khối cho học sinh. Đồng thời, trên cơ sở danh sách học sinh vi phạm (do lực lượng chức năng gửi), trường yêu cầu các em viết cam kết không tái phạm nếu vi phạm lần đầu; nêu tên dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần; giao cho Đoàn trường quản lý và giáo dục; đánh giá, xếp loại rèn luyện đoàn viên.

Để kiểm soát và xử lý vi phạm, vào giờ cao điểm (giờ đi học và tan trường), Công an Thành phố bố trí các tổ CSGT đứng chốt đèn tại các đường 30.4, Lê Lợi, giao lộ CMT8 - Nguyễn Chí Thanh - Lê Lợi, Lê Lợi - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi - Võ Thị Sáu. Bên cạnh đó, Công an Thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh THPT trên địa bàn. Đại diện Đội CSGT Thành phố cho biết, từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, lực lượng đã xử lý 223 trường hợp người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Sắp tới, lực lượng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát trước cổng các trường THPT trong giờ cao điểm, hạn chế tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn.

NGỌC BÍCH - PHƯƠNG THẢO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục