Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
DI DỜI NGHĨA TRANG TRẦN HƯNG ÐẠO:
Cần hết sức cân nhắc
Thứ ba: 10:40 ngày 11/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chủ trương di dời mồ mả khỏi khu dân cư để hướng đến xây dựng một thành phố đẹp đẽ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này chỉ phù hợp với những mồ mả đang chôn trong đất gia tộc, khuôn viên gia đình, còn mồ mả chôn cất trong đất đình, chùa, cộng đồng dân tộc, đặc biệt là trong các nghĩa trang đã ổn định hàng chục năm qua là vấn đề cần hết sức cân nhắc.

Các ngôi mộ trong nghĩa trang Trần Hưng Ðạo.

Nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, mỹ quan, thực hiện nếp sống văn minh đô thị để góp phần đưa thành phố Tây Ninh đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2025, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND phường 1 đã thông báo đến tất cả các hộ gia đình, cá nhân có mộ của người thân chôn cất trên địa bàn phường, di dời mộ đến nghĩa địa Bình Minh (xã Bình Minh, TP Tây Ninh), trong đó di dời toàn bộ số mộ đã chôn cất trong nghĩa trang Trần Hưng Ðạo, toạ lạc trên địa bàn khu phố 5, phường 1.

Ngổn ngang mồ mả…

Ðến nghĩa trang Trần Hưng Ðạo vào những ngày này chắc chắn bất kỳ ai cũng đều thấy ớn. Cổng nghĩa trang gỉ sét, cây hoang, cỏ dại lấn chiếm mất một phần lối vào. Hàng chữ sơn màu đỏ trên cổng: “Nghĩa trang Hội thánh Trần Hưng Ðạo” cũng phai màu, nhợt nhạt, càng làm tăng thêm vẻ điêu tàn, hoang phế. Bước chân vào bên trong cánh cổng, chúng tôi “mục sở thị” hàng trăm ngôi mộ vừa bị đào bới, đập bỏ ngổn ngang. Có một số mộ vừa mới bốc cốt đem đi, để lại hiện trường ván gỗ của hòm rương gần như còn nguyên vẹn.

Một vài huyệt mộ khác, những thứ đồ tẩn liệm như quần áo, chăn màn, gối, vải còn bỏ lại tại chỗ. Hầu như tất cả các huyệt mộ ở đây đều được xây kim tĩnh (tường gạch xung quanh), nên khi bốc cốt đem đi, những lỗ huyệt này trở thành ao tù chứa đựng nước mưa đen ngòm. Những mộ chôn cất vài chục năm trước còn đỡ ô nhiễm môi trường khi bốc cốt, các mộ mới chôn trong thời gian gần đây, sau khi được đào bới đem hài cốt đi, tử khí vẫn còn nồng nặc. Dưới những huyệt mộ này, nước mưa đọng lại đầy ắp, trở thành nơi lý tưởng cho muỗi mòng sinh sôi nảy nở.

Ða số mộ ở nghĩa trang Trần Hưng Ðạo được xây dựng kiên cố. Hầu hết các mộ lát gạch men bóng loáng. Một số ít còn lại xây gạch, tô đá rửa hoặc quét vôi. Có mộ xây nhà mồ, có mái che kiên cố, nóc mái hai tầng đổ bê tông giả ngói, các góc mái che cong vút lên trên theo phong cách kiến trúc đình chùa cổ kính. Bên cạnh những ngôi mộ đã được bốc cốt đem đi, trong nghĩa địa này còn hàng chục mộ nguyên vẹn, thân nhân chưa đến bốc cốt.

Ông Nguyễn Văn Nhã- Hội phó Hội thánh Trần Hưng Ðạo kiêm cai quản nghĩa trang cho hay, nghĩa trang này hình thành cách nay khoảng 40 năm. Tính đến cuối năm 2016, trong nghĩa trang có 297 ngôi mộ. Thực hiện chủ trương của UBND phường 1, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hơn 200 ngôi mộ ở đây được di dời sang nghĩa địa Bình Minh cải táng hoặc đưa đi hoả táng. Họ hàng ông Nhã cũng có ba người thân qua đời được chôn cất trong nghĩa trang này, và ông cũng đã bốc cốt từ 3 ngôi mộ mang đi hoả táng vào dịp lễ thanh minh (tháng 3 âm lịch năm nay).

Ông Nhã chia sẻ, ông đã dán thông báo về việc di dời mồ mả khỏi nghĩa trang trước cổng nghĩa trang và tại đền thờ Trần Hưng Ðạo (phường 3, TP Tây Ninh) cũng như thông báo trên hệ thống loa truyền thanh phường 1, để người dân nắm rõ. Tuy nhiên, vẫn còn gần 100 ngôi mộ do người thân không bốc cốt kịp trong dịp lễ thanh minh năm nay, họ để lại chờ dịp thanh minh năm tới mới tiếp tục di dời. Trong đó, có một số mộ do chôn cất quá lâu, người thân đã qua đời hoặc đi làm ăn xa, nhiều khả năng họ không hay biết chính quyền địa phương có chủ trương di dời, giải toả, địa phương chưa biết phải tính sao.

Mộ xây mái che kiên cố, nhưng đành phải đập bỏ.

Cần giải quyết hài hoà

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Thảo Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, những năm trước, thực hiện đợt 1, người dân đã chấp hành di dời cả ngàn ngôi mộ trong khu dân cư, đất vườn quanh nhà vào nghĩa địa Bình Minh, góp phần làm sạch đẹp khu dân cư. Tháng 12.2016, UBND TP Tây Ninh ban hành kế hoạch di dời đợt 2. Trong đợt này, có đến 1.460 ngôi mộ trên địa bàn Thành phố phải tiếp tục di dời ra khỏi khu dân cư, tạo điều kiện để thành phố Tây Ninh đạt chuẩn đô thị loại II vào những năm tới.

Các ngôi mộ này được chôn cất từ lâu trên đất gia tộc, đất đình, chùa, đất cộng đồng dân tộc Chăm, đất công ích và đất trong khuôn viên gia đình. Hầu hết các ngôi mộ này nằm trên địa bàn các phường 1, 3, IV, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh và Ninh Sơn. Hiện nay, nghĩa trang Trần Hưng Ðạo, phường 1 đã thực hiện di dời được hơn 2/3, nhưng nghĩa địa của cộng đồng dân tộc Chăm đang gặp khó khăn. Bà Hiền bộc bạch: “Vừa rồi tôi đến vận động bà con dân tộc Chăm thực hiện chủ trương di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư, nhưng họ đều từ chối vì những lý do tế nhị, nhạy cảm như văn hoá, tôn giáo v.v…”.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, chủ trương di dời mồ mả khỏi khu dân cư để hướng đến xây dựng một thành phố đẹp đẽ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này chỉ phù hợp với những mồ mả đang chôn trong đất gia tộc, khuôn viên gia đình, còn mồ mả chôn cất trong đất đình, chùa, cộng đồng dân tộc, đặc biệt là trong các nghĩa trang đã ổn định hàng chục năm qua là vấn đề cần hết sức cân nhắc. Vì những lý do sau: chi phí dành cho việc di dời và cải táng mồ mả rất tốn kém. Mỗi ngôi mộ, dù cải táng hay hoả táng đều phải tốn thêm hàng chục triệu đồng. Và điều này không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện một cách gấp rút.

Về mặt tôn giáo, tâm linh còn có nhiều vấn đề khó xử hơn. Hầu hết gia đình, khi có người thân qua đời đều nhờ thầy “coi” giờ tẩn liệm, chôn cất. Nhiều người còn kiêng cử việc động chạm vào mồ mả. Vì thế, việc di dời mổ mả trong chùa chiền, nghĩa địa là một vấn đề hệ trọng. Thiết nghĩ, đối với các nghĩa trang, nghĩa địa đã hình thành và ổn định từ nhiều năm qua, hiện nay nên khoanh vùng, đóng cửa không cho chôn cất nữa, xem như đó là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử.

Cụ thể như nghĩa trang Trần Hưng Ðạo. Nghĩa trang này nằm khuất trong vùng nông thôn hẻo lánh, đã ổn định nhiều năm và đã ngưng, không cho chôn cất thêm từ năm 2016 đến nay. Bây giờ di dời mồ mả khỏi nghĩa trang, vô tình “xới” lên hàng loạt vấn đề khó khăn không cần thiết, như sau khi bốc cốt, phần núm mộ, bia, nhà mát còn ngổn ngang tại hiện trường, ai là người chịu trách nhiệm dọn dẹp và sau khi dọn dẹp xong, phần đất này sẽ dùng để làm gì? Ông Nguyễn Văn Nhã bày tỏ: “Nghĩa trang này có diện tích 6,6 công đất (6.600m2), thuộc quyền sử dụng của Hội thánh Trần Hưng Ðạo. Chấp hành chủ trương của phường, Hội thánh thực hiện việc di dời mồ mả ra khỏi nghĩa trang, nhưng chúng tôi không có kinh phí để thuê mướn phương tiện cơ giới vào san ủi mặt bằng. Sau khi san lấp mặt bằng xong, chúng tôi cũng chẳng có kế hoạch dùng phần đất này vào mục đích gì”.

Ngoài ra, nghĩa trang còn gần 100 ngôi mộ chưa bốc cốt. Trong đó, có một số mộ có thân nhân cho biết sẽ di dời vào dịp thanh minh năm sau và nhiều khả năng, một số mộ không xác định được thân nhân phải để nguyên tại chỗ. Giải quyết những ngôi mộ này như thế nào cho hài hoà giữa chủ trương của chính quyền địa phương với quan niệm của những thân nhân là một bài toán không đơn giản.

Ðại Dương

Nhân dịp này, ông Nhã phản ánh, theo quy định của UBND phường 1, mỗi ngôi mộ khi di dời khỏi nghĩa trang Trần Hưng Ðạo sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí 800 ngàn đồng. Ðến nay, gần 200 ngôi mộ đã di dời đi nơi khác hoặc hoả táng, nhưng chưa ai được nhận tiền hỗ trợ. “Bản thân tôi di dời, hoả táng 3 ngôi mộ của người thân, tốn 12 triệu đồng, nhưng đến nay chưa được nhận đồng nào”, ông Nhã tâm sự.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thảo Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường 1 trả lời: “Từ cuối tháng 6.2017, phường đã chuyển hồ sơ những ngôi mộ đã bốc cốt lên Phòng Tài chính TP Tây Ninh, nhưng đến nay, Phòng Tài chính chưa chuyển kinh phí về phường. Khi nào có kinh phí, phường sẽ thông báo cho người dân đến nhận”.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh