Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần hiểu đúng về bệnh, dịch tả heo châu Phi
Thứ sáu: 07:14 ngày 09/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ngành Nông nghiệp, dịch tả heo châu Phi đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm thực hiện các yêu cầu về an toàn sinh học để phòng, chống dịch. Mặt khác, cơ quan Y tế khẳng định, dịch bệnh này không gây hại cho người.

Xe vận chuyển gia cầm qua các chốt được phun thuốc sát trùng.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 6.7, sau khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, đến nay, sau đúng 1 tháng (ngày 7.8), dịch lây lan nhanh với 131 ổ dịch, được phát hiện tại 31 xã, thị trấn của 6 huyện. Đã có hơn 2.320 con heo bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh tả heo châu Phi với tổng trọng lượng 138.326,5kg.

Trong hai ngày gần đây (ngày 6 và 7.8), ngành Chăn nuôi và Thú y, chính quyền các địa phương liên tục phát hiện 26 ổ dịch mới tại 6 huyện, số heo bị tiêu huỷ lên đến 427 con. Trong đó, Châu Thành là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 70 ổ dịch xuất hiện tại 12/15 xã, thị trấn; 781 con bị tiêu huỷ.

Điều đáng quan tâm là, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hầu hết dịch bệnh xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này cho thấy, việc phòng, chống dịch bệnh ở một bộ phận người chăn nuôi nông hộ chưa tốt, chưa chú trọng thực hiện các yêu cầu về an toàn vệ sinh sinh học trong chăn nuôi.

Là một trong 3 huyện chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi, nhưng huyện Dương Minh Châu không lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Với hơn 1.500 con heo thịt nuôi gia công cho một công ty chăn nuôi tại Bình Dương, trang trại chăn nuôi Trần Đình Lân (khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu) luôn thực hiện các quy định về vệ sinh tiêu độc khử trùng vô cùng nghiêm ngặt. Anh Trần Đình Long - con trai ông Lân cho biết, trước khi có thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, trang trại thực hiện khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng 2 lần/tuần.

Khi có thông tin dịch lây lan nhanh tại các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai và sau đó là Tây Ninh, công tác vệ sinh chuồng trại, sát trùng tiêu độc được thực hiện thường xuyên hơn. Trang trại đã cho rắc vôi bột từ đầu đường 781 dọc theo đường dẫn vào trại chăn nuôi (khoảng 100m). Đồng thời, việc phun thuốc sát trùng được trang trại thực hiện mỗi ngày 2 lần.

Trang trại cũng tuyệt đối không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi, công nhân làm việc tại đây phải qua các bước tiêu độc khử trùng từ lúc bước vào trang trại mới được vào bên trong làm việc. Theo anh Long, với việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như vậy, anh hy vọng có thể bảo đảm an toàn cho đàn heo cho đến lúc xuất chuồng.

Là nông dân có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề chăn nuôi heo nên ông Vũ Văn Tiến (ngụ khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu) không dám khinh suất trước dịch tả heo châu Phi. Ông Tiến cho biết, ông tự mua thuốc về điều trị được hầu hết các loại bệnh trên đàn heo hơn 150 con. Đồng thời, tiêm vắc-xin ngừa một số loại bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi là loại bệnh mới, chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị nên ông rất lo lắng.

Theo khuyến cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, ông làm đúng các bước vệ sinh chuồng trại bảo đảm an toàn sinh học như xây hàng rào quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi nhằm tránh người lạ và các động vật có thể mang mầm bệnh xâm nhập, đồng thời ông thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng nuôi và lối đi, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi của gia đình.

Ông Đinh Quốc Hoàng - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện là hơn 54.000 con, trong đó hơn 80% là heo được chăn nuôi trong các trang trại lớn. Do đó, các yêu cầu về an toàn sinh học được người chăn nuôi thực hiện rất tốt; và đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp mắc dịch tả heo châu Phi nào. 

Tuy nhiên, để phòng, chống dịch tả heo châu Phi, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tích cực phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện nghiêm công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyển, các lò giết mổ và các điểm kinh doanh thịt heo thực hiện thống kê số lượng đàn heo trên địa bàn để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, Trạm phối hợp với các cơ quan, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân về an toàn sinh học trong chăn nuôi, các bước vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại...

Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện tình hình dịch tả heo châu phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, khó lường và gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi heo. Dự báo trong thời gian tới, do tình hình thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, thích hợp cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển nên ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phải xem nhiệm vụ phòng, chống dịch tả heo châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Nông nghiệp mà là của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. 

Ngành chức năng tiêu huỷ heo nhiễm bệnh tả heo châu Phi.

Hiện tại và sắp tới, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo và các sản phẩm từ heo; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

Theo ông Mấy, do bệnh tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị, virus gây bệnh tả heo châu Phi tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan là rất cao. Vì vậy, thực hiện chủ trương chung của Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò và gia cầm để có nguồn thực phẩm thịt thay thế thịt heo tạm thời trong giai đoạn chưa hết dịch tả heo châu Phi.

Minh Dương

Dịch tả heo châu Phi không lây nhiễm và không gây nguy hiểm cho con người

Bác sĩ Huỳnh Văn Đệ, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tả heo châu Phi là loại bệnh chỉ lây nhiễm và đặc biệt nguy hiểm trên heo (cả heo nhà và heo rừng) vì khi heo mắc bệnh thì tỷ lệ chết rất cao, lên đến 100%. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới thì bệnh tả heo châu Phi không lây nhiễm và cũng không gây bệnh trên người. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt heo được chế biến làm thức ăn. 

Bác sĩ Đệ khuyến cáo người dân, tuy bệnh tả heo châu Phi không gây hại cho sức khoẻ con người nhưng còn rất nhiều bệnh khác có thể tiềm ẩn trong heo, thịt heo. Do vậy, ông khuyên người dân nên tìm mua các sản phẩm thịt heo rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, người dân cần chế biến kỹ, nấu chín thức ăn, không nên ăn tiết canh vì rất dễ nhiễm bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục