Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 10:
Cần khắc phục tình trạng vô cảm của một số cán bộ, sức ỳ của một số địa phương
Thứ tư: 15:16 ngày 04/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 3.11, trong phiên thảo luận trực tiếp tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương-Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, thống nhất với báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Theo ông Phương, năm 2020 là năm có nhiều biến động lớn gây nhiều khó khăn và thách thức cho thế giới và trong nước. Ngay từ những tháng đầu năm đại dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh chóng, sức tàn phá lớn, vượt xa dự tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nhất là gần đây, nhiều địa phương miền Trung bị thiệt hại nặng nề về người và của do bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng gây ra. Nhiều hoạt động văn hóa – xã hội bị ngừng hoãn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nặng nề nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, với những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã thành công xuất sắc trong phòng chống đại dịch Covid-19, cả 2 đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh đã được khống chế một cách hiệu quả, được nhân dân trong nước và quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu đóng góp ý kiến về tình hình KT-XH.

Đề xuất một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đề nghị tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân.

Bởi lẽ, đại biểu cho rằng thực tiễn thời gian qua cho thấy, khi sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng, hợp tác chặt chẽ, phân công và trách nhiệm rõ ràng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương được phát huy thì mọi khó khăn sẽ từng bước được đẩy lùi, mọi cơ hội sẽ được tận dụng để thúc đẩy sự phát triển, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ tình trạng thiếu hợp tác, trên nóng dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm, thuận lợi thì làm, khó khăn thì lùi bước; loại bỏ tình trạng lợi ích nhóm, căn bệnh hình thức, cá nhân, cục bộ, tìm cách lách luật, lách chủ trương chính sách... đã và đang cản trở quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Cùng với đó là quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng chung sống với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chất lượng sản phẩm cao.

Ông Phương cho rằng, tuy việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nông nghiệp không giống như công nghiệp và dịch vụ. Song trong hoàn cảnh đất nước có nguy cơ đe dọa và thị trường quốc tế bị thu hẹp, đóng cửa thì sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; điều này không chỉ khẳng định vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, mà càng chứng tỏ nông nghiệp là một trụ đỡ đặc biệt quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội.

Tiếp đó, cần thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đi liền với cải cách thể chế, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế. Theo đại biểu, đây là một trong các yếu tố để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, phải thực hiện đồng bộ cùng với các giải pháp khác. Thực chất đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp cả yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất.

Về hỗ trợ vốn, ông Phương cho rằng hiện nay đã có nhiều chủ trương, tuy nhiên cần phải xác định đúng nhu cầu của thị trường về loại sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp tạo ra để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thích hợp, bảo đảm cho đồng vốn đi đúng chỗ, phát huy hiệu quả. Tránh tình trạng cào bằng, hỗ trợ đầu vào nhưng không tương ứng với đầu ra, gây ra tình trạng nợ xấu.

Về thể chế, đại biểu băn khoăn tình trạng bó hẹp của thể chế đối với sự phát triển, sự bung ra của sản xuất vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song có thể nói chủ yếu là do hạn chế đến từ bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý.

Tình trạng vô cảm của một số cán bộ, sức ỳ của một số địa phương, quả bóng trách nhiệm được đá qua, đá lại lại giữa sân này với sân khác... làm cho tiến trình giải quyết các thủ tục pháp lý diễn ra một cách chậm chạp, làm mất cơ hội trong phát triển…

Kim Chi (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục