Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần làm rõ thông tin một gia đình tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ vô danh
Chủ nhật: 15:32 ngày 04/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tính đến nay, hai vợ chồng tôi đã tìm được 32 bộ hài cốt liệt sĩ. Hiện giờ còn 8 bộ hài cốt đang thờ trong miếu. Hằng năm, vào ngày 27.7, gia đình đều làm đám giỗ tập thể cho các liệt sĩ” - ông Nguyễn Xuân Chính, 70 tuổi, ngụ xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên bắt đầu câu chuyện về việc tìm kiếm, thờ cúng hài cốt liệt sĩ của mình như thế.

Bà Liên và con trai út chuẩn bị cúng giỗ tập thể các anh hùng liệt sĩ.

Nặng tình đồng đội  

Ông Chính kể, quê ông ở tỉnh Bến Tre. Năm 1965, cũng như nhiều thanh niên trong làng, ông hăng hái vào quân đội, được đưa về Tây Ninh, phục vụ trong Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên). Trong những năm công tác ở “R”, ông quen biết và kết hôn với nữ chiến sĩ quân y Phạm Thị Liên, ở cùng đơn vị. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, ông Chính ở lại Tây Ninh công tác và có 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Năm 1991, ông về nghỉ hưu với cấp hàm thiếu tá. Nhiều năm nay, ông là Bí thư Chi bộ ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc. 

Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng ông Chính sang nhượng lại một phần đất đai ở xã Thạnh Bắc để trồng trọt, chăn nuôi. Ông Chính nhớ lại, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi này là khu chiến sự, nên bị bom cày đạn xới rất dữ. Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, người dân địa phương bắt tay vào khai khẩn đất đai để trồng tỉa. Biết vợ chồng ông là cựu chiến binh nên trong quá trình cày cuốc để canh tác, hoặc đào đất cất nhà, hễ phát hiện có hài cốt liệt sĩ là bà con nông dân đều đến báo cho gia đình ông.

Cứ có tin là vợ chồng ông liền đến nơi cất bốc, đem về nhà, xác định danh tính và thông báo cho thân nhân liệt sĩ đến nhận về chôn cất. Trong khi chưa có thân nhân đến nhận, vợ chồng ông dựng một ngôi miếu nhỏ bằng gỗ trước nhà, đưa hài cốt liệt sĩ vào đó thờ cúng. Hơn 10 năm trước, ngôi miếu gỗ bị mục, gia đình ông xây dựng ngôi miếu khác bằng gạch. 

Tính đến nay, hai vợ chồng ông Chính đã tìm được 32 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có 24 bộ đã được thân nhân đến nhận và đưa về quê an táng. Hiện còn 8 bộ đang thờ trong miếu. Theo lời bà Liên- vợ ông Chính thuật lại, 8 bộ hài cốt này được vợ chồng bà quy tập được từ năm 2014 ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Khi tìm thấy, tất cả đều được chôn chung trong một ngôi mộ tập thể. Cạnh đó là một hố bom. Bằng kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong chiến trường và từ những vật dụng thu nhặt được, bà Liên đoán: “Những hài cốt này cùng một đơn vị thông tin. Khi họ đang làm việc thì bị quân địch ném bom, khiến cả tổ hy sinh”. 

đám giỗ tập thể

Sau khi quy tập được 8 bộ hài cốt này, vợ chồng bà Liên đem về lấy vải, bọc nylon gói lại và đặt trong ngôi miếu nhỏ để thờ cúng. Từ đó đến nay đã 6 năm, chưa có thân nhân nào đến nhận về chôn cất. Hằng năm, vào ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, gia đình bà Liên đều làm đám giỗ tập thể cho các liệt sĩ. Trước khi cúng giỗ, bà Liên cẩn thận thay lớp “áo quan” mới bằng cách mở bỏ lớp vải, bọc nylon cũ và mặc vào lớp “áo quan” mới.

Sáng 27.7, chúng tôi đến dự đám giỗ tập thể này, thấy vợ chồng bà Liên quay một con heo rừng khá to, cùng nhiều hoa, quả dâng lên cúng các hương hồn liệt sĩ. Trong ngày giỗ này, gia đình bà còn mời một số đồng đội cũ đến dự.

Trong đó, có cựu chiến binh từ TP. Hồ Chí Minh lặn lội hơn 150km đến họp mặt. Bữa tiệc còn có đại diện Đoàn Thanh niên, Trạm Y tế xã và người dân địa phương. Tại buổi lễ, vợ chồng bà Liên cùng các cựu chiến binh kính cẩn nghiêng mình, thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Liên tâm sự: “Từ năm 1991 đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 là gia đình tôi làm đám giỗ tập thể như thế. Năm nào làm ăn kha khá thì cúng heo quay. Năm nào khó khăn thì cúng một con gà hay một con vịt”. 

Ngôi miếu nhỏ trong vườn cao su của ông Len .

Vợ chồng bà Liên cho biết, ở ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) còn có một nơi nghi là mộ tập thể, nhưng đến nay chưa được khai quật. Hai vợ chồng cựu chiến binh này liền dẫn chúng tôi vượt quãng đường gần 10km, băng qua những khu vườn cao su bạt ngàn để tìm đến nơi nghi là mộ tập thể. Trên đường đi, ông Chính kể, năm 2016, có một người từ tỉnh Phú Thọ về đây tìm hài cốt liệt sĩ.

Người này tên Nguyễn Xuân Thọ, cùng một người khác, xưng là cháu của liệt sĩ Nguyễn Xuân Đôn - sinh năm 1945, quê quán huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nhập ngũ tháng 8.1967, cấp hàm trung sĩ, thuộc Trung đoàn 3 (F9), hy sinh ngày 24.1.1969. Anh Nguyễn Xuân Thọ cho biết, theo một người có khả năng ngoại cảm chỉ dẫn (?), hiện tại, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Xuân Đôn đang được chôn cất chung trong ngôi mộ tập thể 14 người, tại một gò đất, bên cạnh hai hố bom liền lề và một ngôi miếu nhỏ, trong phần đất của ông Nguyễn Văn Len, toạ lạc ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình.

Ông Chính kể tiếp: “Khi anh Nguyễn Xuân Thọ dẫn chúng tôi đến phần đất của ông Len, quả thật, trong vườn cao su của ông Len có một gò đất khá cao, gần đó, có hai hố bom đôi và một ngôi miếu nhỏ, nhưng vì thiếu cơ sở khoa học chứng minh đây là nơi chôn cất tập thể, nên đến nay vẫn chưa biết dưới gò đất này có phải là mộ tập thể hay không”.

Đúng như lời ông Chính miêu tả, trong vườn cao su của ông Len có một gò đất, hai hố bom và một ngôi miếu nhỏ được xây bằng gạch, bên ngoài ốp gạch men trắng tinh. Bên trong ngôi miếu có một tấm đá hoa cương, khắc nội dung: “Bia tưởng niệm hương hồn các anh chị chiến sĩ vô danh hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Ngay trước bia tưởng niệm này là một lọ sành, trên miệng lò được che đậy cẩn thận bởi một lớp vải màu đỏ. Trong miếu còn có bình lư hương, cắm đầy chân nhang.

Ông Len năm nay 73 tuổi, trước đây từng là bộ đội thuộc Đại đội 40 (C40) huyện Châu Thành. Hiện tại, ông bị bệnh, nói năng khó khăn. Vợ ông Len- bà Lê Thị Bế, 67 tuổi, thay mặt chồng kể lại. Hàng chục năm trước, trong quá trình khai khẩn khu đất này để trồng đậu xanh, vợ bà có nhặt được một khúc xương, trông giống như xương đầu gối của người lớn.

Sau đó, vợ chồng bà xây một ngôi miếu nhỏ cạnh gò đất, lấy miếng xương nhặt được để vào lọ sành, đặt trong miếu thờ cúng. Về chuyện có một số người từ tỉnh Phú Thọ vào đất của bà tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, vợ chồng bà không hay biết và cũng không dám khẳng định dưới gò đất kia có phải là mộ tập thể hay không. Mặc dù không rõ thực hư như thế nào, nhưng hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, gia đình bà Bế đều mua lễ vật đem đến cúng trước ngôi miếu nhỏ.

Không rõ những bộ hài cốt mà vợ chồng ông Chính tìm được và đang thờ trong miếu có đúng là hài cốt liệt sĩ hay không? Và câu chuyện nghi ngờ dưới gò đất trong vườn cao su của gia đình ông Len là ngôi mộ tập thể đang chôn cất 14 chiến sĩ có xác thật hay không, rất mong ngành chức năng sớm tìm hiểu để có hướng xử lý phù hợp.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục