Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhân ngày thế giới phòng, chống AIDS 1.12:
Cần lắm sự đồng cảm
Thứ sáu: 06:40 ngày 01/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đa phần những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, đồng tiền làm ra mỗi tháng chỉ đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình, khó có khả năng mua bảo hiểm. Nhiều đối tượng thất nghiệp, sống dựa vào gia đình hoặc sự trợ giúp của xã hội, đối với họ, việc mua thẻ BHYT là vấn đề nan giải.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV.

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 tại Việt Nam tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020” và hướng tới mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Theo đó, hoạt động trong tháng hành động này tập trung chủ yếu vào công tác vận động và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV/AIDS.

Có thể nói, thực hiện các hoạt động trên là việc không dễ dàng đối với ngành Y tế, khi hiện tại, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Tính đến ngày 30.10.2017, toàn tỉnh Tây Ninh có 4.581 người nhiễm HIV, trong đó có 3.559 người chuyển sang AIDS và 1.500 người đã tử vong do AIDS. Nhìn chung, người nhiễm HIV tập trung ở những người nghiện chích ma tuý, phụ nữ bán dâm và nhóm vợ, bạn tình của người nhiễm. Tình hình HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng chưa giảm thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.

Nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm HIV, thời gian qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tích cực phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống lây nhiễm HIV. Những hoạt động như tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV, tăng cường tư vấn, xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dân tránh sự kỳ thị, phân biệt với người nhiễm... luôn được chú trọng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai hình thức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại một số huyện, thành phố; tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện, xây dựng mạng lưới dự phòng, chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Qua đó, ý thức của người dân trong phòng bệnh được nâng lên rõ rệt.

Công tác chăm lo, hỗ trợ đời sống người nhiễm HIV/AIDS được quan tâm với nhiều hoạt động như: tặng quà cho trẻ nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, xây tặng nhà tình thương và hỗ trợ vốn sản xuất cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, trong năm 2017, 1.545 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thẻ BHYT. Qua đó, tạo điều kiện để người nhiễm bệnh được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, hoà nhập với cộng đồng.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, song, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là công tác rà soát, quản lý số người nhiễm HIV/AIDS. Nguyên do, khi đến tư vấn và thực hiện xét nghiệm HIV, các đối tượng thường khai không đúng tên, tuổi và địa chỉ.

Việc tiếp xúc tuyên truyền để người nhiễm HIV điều trị sớm trên địa bàn tỉnh còn gặp trở ngại, một phần do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và sự tự ti của chính bản thân người nhiễm khiến họ không muốn tiếp xúc với người lạ, không muốn công khai bản thân. Một số người nhiễm HIV/AIDS vì nhiều lý do nên không tuân thủ lịch điều trị theo quy định dẫn đến thất bại trong điều trị.

Trong những năm qua, chi phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và kinh phí dành cho chăm sóc, điều trị ARV ở Việt Nam chủ yếu từ nguồn viện trợ quốc tế. Nguồn viện trợ này đang giảm dần và sẽ chấm dứt trong tương lai gần, do đó, việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, thay cho việc cấp thuốc miễn phí như hiện nay.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV còn khá thấp, nguyên nhân chính là do đa số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV là người nghèo, không có khả năng mua BHYT. Đồng thời, một số người không tham gia BHYT vì sợ lộ danh tính, số khác đã quen với việc điều trị miễn phí nên vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một cán bộ tại Phòng khám ngoại trú - Trung tâm Y tế huyện Hoà Thành chia sẻ, mặc dù nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc mua BHYT để thanh toán chi phí chữa trị, nhưng thực tế, cuộc sống của nhiều người quá khó khăn do không đủ sức khoẻ, mất khả năng lao động. Đa phần những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, đồng tiền làm ra mỗi tháng chỉ đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình, khó có khả năng mua bảo hiểm. Nhiều đối tượng thất nghiệp, sống dựa vào gia đình hoặc sự trợ giúp của xã hội, đối với họ, việc mua thẻ BHYT là vấn đề nan giải.

Chị cán bộ này cho biết: “Như một bệnh nhân tôi vừa mới tư vấn, chú ấy vừa nhiễm HIV vừa mắc bệnh lao, tôi có khuyên chú về mua BHYT, nếu không sau này phải tốn ít nhất từ 2-3 triệu đồng mỗi tháng cho việc thuốc thang, chữa trị. Nhưng do chú tuổi đã cao, sức khoẻ lại kém nên không làm ra tiền được, chú bảo tiền ăn còn không có lấy đâu ra mua bảo hiểm. Vì vậy, đối với những đối tượng này, họ rất cần sự hỗ trợ”.

Vẫn còn đó sự kỳ thị

Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nhưng trên thực tế, dư luận xã hội vẫn còn sự phân biệt đối xử đối với những người không may vướng căn bệnh thế kỷ. Vẫn còn không ít trường hợp người nhiễm HIV bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh, khó tìm việc làm và làm việc cũng gặp khó khăn khi thông tin về căn bệnh bị lộ ở nơi làm việc và nơi cư trú. Có thể nói, sự thiếu hiểu biết về bệnh tật, các định kiến và sự thiếu hiểu biết về quyền của những người nhiễm HIV là những nguyên nhân chính gây ra các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Các đối tượng bị nhiễm HIV ở nhiều độ tuổi và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng khi bị nhiễm, tất cả họ đều chung tâm lý tuyệt vọng, sợ hãi sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, xã hội, thậm chí là cả người thân.

Một cán bộ tại Phòng khám ngoại trú - Trung tâm Y tế huyện Hoà Thành cho biết, từ lúc về công tác bên mảng phòng, chống HIV/AIDS, chị đã gặp không ít trường hợp người bệnh bị gia đình xa lánh bởi họ cảm thấy sốc khi con em mình mắc phải HIV. Chính sự xa lánh, không cảm thông của gia đình, người thân khiến tâm lý của những người bệnh trở nên bi quan, tuyệt vọng hơn, từ đó họ rất dễ sa chân, dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập, trộm cắp, sống tha hoá, bất cần.

Trên thực tế, đa phần những người nhiễm HIV phải chấp nhận đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những cán bộ y tế xa lạ để tránh gặp phải người quen. Cũng vì sợ hãi căn bệnh, nhiều người chỉ tìm đến cơ sở điều trị khi sức khoẻ đã yếu và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và đánh mất nhiều lợi ích được điều trị sớm. Thậm chí, có trường hợp người bệnh HIV còn mang cả ý định tự tử, bởi vì họ lo sợ khi những người xung quanh phát hiện mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ sẽ xa lánh.

Trao nhà tình thương cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

Không phải dấu chấm hết

Theo vị cán bộ chuyên trách của chương trình, trước đây, hoạt động truyền thông khá nặng nề trong tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Những hình ảnh người bệnh gầy gò, quả cầu gai, cái chết đau đớn là những điều thường thấy trong các nội dung truyền thông. Những hình ảnh này vô hình trung làm người dân lo sợ, xa lánh những người bệnh, dẫn đến tình trạng phân biệt, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS tăng cao.

Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng đến tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV. Hiện nay, các nội dung truyền thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhằm giúp người bệnh chủ động xét nghiệm và phòng ngừa, đồng thời chuyển tải thông điệp “phát hiện sớm điều trị sớm” để bảo vệ bản thân và gia đình.

Có thể nói, khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về mặt tinh thần và sức khoẻ từ cán bộ y tế cũng như được cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, chống lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, nhiều người nhiễm HIV đã thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức và vượt qua bế tắc.

Một trường hợp điển hình, vốn là một gia đình kiểu mẫu, có thể nói là đáng ngưỡng mộ, nhưng vào đầu năm 2016, chị N.T.T (tên nhân vật đã được thay đổi) ngụ tại TP. Tây Ninh như rơi vào bế tắc khi chị phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng trong lúc sinh đứa con đầu lòng. Từ đó, chị bị trầm cảm, cuộc sống, tình cảm vợ chồng dần nhạt nhoà. Chị chia sẻ, đã có lúc nghĩ quẫn vì cảm thấy lo sợ khi biết mình bị HIV, sợ gia đình và mọi người xung quanh sẽ xa lánh, ruồng bỏ. Ngày nào chị cũng tìm đến cán bộ y tế tại địa phương để được tư vấn, nghe chia sẻ, hiểu thêm về căn bệnh.

Dần dần, khi hiểu rõ về căn bệnh và những phương pháp điều trị, tâm lý chị T thêm vững vàng, không oán trách hay buồn tủi nữa. Sau một thời gian điều trị, đến nay, cuộc sống của gia đình chị T đã khởi sắc, vợ chồng có thể yên tâm sống lạc quan, không còn mang tâm lý nặng nề, tự ti. Điều vợ chồng chị cảm thấy an ủi nhất là đứa con nhỏ hoàn toàn khoẻ mạnh, không mang virus HIV trong người.

Tình cảnh của vợ chồng chị T không phải là cặp đồng nhiễm hiếm gặp tại địa phương. Cán bộ y tế địa phương chia sẻ, việc điều trị cho những cặp vợ chồng đồng nhiễm có phần thuận lợi hơn, vì họ cùng uống thuốc và sinh hoạt với nhau, không mang đến nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng so với những đối tượng khác.

Đối với những đứa trẻ, khi sinh ra đã mang trong người căn bệnh HIV là một nỗi đau nghiệt ngã. Và đó là điều T.H (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 2002, ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành phải gánh chịu với tuổi thơ tràn ngập nỗi sợ hãi, đau khổ khi phải sống chung với căn bệnh. Đau đớn nhất là khi ba mẹ của em đều lần lượt qua đời vì căn bệnh AIDS.

Trong một thời gian dài, em sống thu mình, không tiếp xúc với những người xung quanh. Được sự chia sẻ từ cán bộ y tế địa phương và bằng nghị lực bản thân, em tích cực tìm hiểu về căn bệnh HIV/AIDS. Càng tìm hiểu, em càng tự tin và lạc quan hơn.

Hiện tại, H vẫn tiếp tục đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Ở trường, em là một học sinh chăm ngoan, học giỏi và luôn biết cách tự chăm sóc, bảo vệ mình cũng như bảo vệ bạn bè khi tiếp xúc với mình. Bằng cách sống lạc quan, yêu đời, H dần có được thiện cảm từ những người hàng xóm đã từng xa lánh khi biết em nhiễm HIV.

Cán bộ phụ trách chương trình cho biết thêm, người nhiễm HIV khi được điều trị đúng hoàn toàn có thể sống bình thường, hoà nhập với cộng đồng, thậm chí kết hôn, sinh con khoẻ mạnh; điều trị còn giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

HIV/AIDS không phải dấu chấm hết nếu chúng ta có cái nhìn đúng đắn, đồng cảm và bao dung hơn với những người trót nhiễm.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh