Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thu hút đầu tư Du lịch Tây Ninh:
Cần làm tổ cho chim đậu
Thứ sáu: 06:05 ngày 11/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng 1.2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết 08 được coi là tiền đề quan trọng để Tây Ninh tập trung phát triển ngành “công nghiệp không khói”- vốn được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng từ lâu nay vẫn chưa được phát huy. Vấn đề đặt ra lúc này là tỉnh cần thu hút và giữ chân cho được những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh.

Vườn nho rừng ở huyện Dương Minh Châu thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan (ảnh Hoàng Kha).

LÀM GÌ ÐỂ CÓ “CON SỐ KHỔNG LỒ”?

“So với tổng sản phẩm của tỉnh, đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế còn rất thấp. Nhưng nếu khai thác được tiềm năng, trong tương lai, ngành du lịch Tây Ninh sẽ đem lại một con số khổng lồ”- Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, một chuyên gia về chính sách công đã phát biểu như vậy tại hội thảo quốc tế về du lịch, tổ chức tại Tây Ninh hôm 31.7 vừa qua.

Ðánh giá về tài nguyên du lịch Tây Ninh, Tiến sĩ Du liệt kê: núi Bà Ðen, Toà thánh Cao Ðài, hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát...

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, những tài nguyên vừa kể không phải quá nổi bật hoặc “độc nhất vô nhị”. Về hạ tầng giao thông, Tây Ninh được đầu tư khá tốt trong thời gian qua nhưng bắt đầu xuống cấp ở nhiều nơi. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hối đoái, thông tin liên lạc, an ninh trật tự cơ bản là tốt.

Tuy vậy, nhiều điểm du lịch ở Tây Ninh vẫn chưa có máy rút tiền ATM, chưa có mạng wifi miễn phí dành cho du khách. Một vấn đề nữa được ông nêu ra là sự phát triển du lịch của Tây Ninh ít nhiều có liên quan đến địa phương khác, trong đó có TP. Hồ Chí Minh mà cụ thể là vấn đề đường giao thông.

“Ði từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Ninh, ra đến ngã tư An Sương nếu chẳng may bị kẹt xe thì mất hứng. Có khi thời gian đi ô tô từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Ninh gần bằng thời gian đi máy bay từ Tân Sơn Nhất sang thủ đô Tokyo của Nhật Bản” - ông Du nói.

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều gợi ý, phân tích về tiềm năng du lịch của Tây Ninh. Theo ông Thọ, du lịch là ngành kinh tế quan trọng tác động đến thương mại, đầu tư và các ngành kinh tế khác.

Vì vậy, phát triển du lịch phải được thực hiện theo chiến lược. Tính chiến lược ấy được cụ thể hoá như sau: thiết kế dịch vụ lữ hành, lưu trú, tuyến, điểm tham quan đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển dịch vụ ẩm thực có nét đặc sắc của địa phương; sáng tạo để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của du khách.

Thực hiện, triển khai những điều vừa nêu ở trên không ngoài mục đích giữ gìn bản sắc văn hoá của cha ông, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại; phát triển du lịch là phục vụ cộng đồng để phát triển con người, đất nước.

Xuất thân là một kỹ sư điện tử, sau đó được đào tạo chuyên ngành quản trị du lịch tại Cộng hoà liên bang Ðức, ông Nguyễn Hữu Thọ là một chuyên gia, nhà quản lý nổi tiếng, có uy tín trong ngành du lịch.

Tại buổi hội thảo hôm 31.7, ông đề xuất 9 giải pháp cho các sản phẩm du lịch Tây Ninh (báo Tây Ninh đã đưa tin). Ngoài hai điểm nhấn là xây dựng TP. Tây Ninh trở thành một thành phố xanh và bảo tồn Toà thánh Cao Ðài, ông Thọ nhấn mạnh 7 sản phẩm du lịch Tây Ninh, mà theo ông, là hoàn toàn khả thi.

Tại hội thảo quốc tế về du lịch tỉnh, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã cam kết, trong khuôn khổ pháp luật, Tây Ninh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

Trước hết, Tây Ninh cần xem xét phát triển vườn dược thảo để phục vụ du khách và xuất khẩu. Khi đã có vườn dược thảo, Tây Ninh có thể tổ chức loại hình dịch vụ spa cũng như hội chợ dược thảo quốc tế. Theo ông, với đặc điểm thổ nhưỡng, một số khu vực ở Tây Ninh như huyện Dương Minh Châu hoặc vùng ngoại vi núi Bà Ðen có thể trồng được nhiều dược liệu quý.

Sản phẩm tiếp theo là hình thành các khu nghỉ dưỡng ở quần thể núi Bà Ðen với các loại hình du lịch như farmstay, homestay và nhất là resort núi. “Tây Ninh không có biển nhưng không phải chỉ có biển mới phát triển được resort, một số quốc gia ở châu Âu có một số vùng không có biển nhưng resort núi rất phát triển.

Thậm chí, resort núi còn hấp dẫn và hiệu quả hơn resort biển, bởi vì du lịch biển hầu như chỉ tập trung cao điểm vào mùa hè, còn resort núi có thể hoạt động quanh năm”- ông Thọ phân tích.

Sản phẩm du lịch thứ ba là loại hình du lịch nông nghiệp cao như Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm. Tiếp theo, do đặc điểm của văn hoá, tôn giáo, Tây Ninh nên phát triển văn hoá ẩm thực đặc sắc của địa phương, trong đó có các món ăn chay.

Ðối với du lịch sinh thái, có thể phát triển các hoạt động thể thao trên mặt nước ở hồ Dầu Tiếng cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí. Du lịch sinh thái đang là một xu thế trên thế giới.

Tuy nhiên, khi khai thác loại hình du lịch này, cần chú ý bảo vệ môi trường, nguồn nước. Khôi phục và phát triển làng nghề cũng là một hướng đi có thể tạo ra sản phẩm du lịch để bán cho du khách.

Sản phẩm cuối là xây dựng TP. Tây Ninh thành một thành phố sáng tạo, cụ thể là đào tạo chuyên viên, lập trình viên gắn với Tập đoàn FPT, công viên phần mềm Quang Trung để từ đó hình thành tuyến tham quan du lịch công nghệ, khoa học, sáng tạo. Ông Thọ cho rằng, nếu đến năm 2020, doanh thu từ du lịch của Tây Ninh đạt bốn nghìn tỷ đồng như kỳ vọng thì chính người dân được hưởng nhiều nhất.

Với góc nhìn chuyên nghiệp, không kém phần tinh tế, bà Corinne Catherine Bourgoin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scazma (Cộng hoà Pháp) cho rằng, tài nguyên du lịch Tây Ninh phong phú.

Theo bà Corinne Catherine Bourgoin, Tây Ninh có phong cảnh đẹp, nhất là vào lúc hoàng hôn, đời sống nông thôn hiện ra chân thực, hiền hoà, đất đai còn nhiều, những khu vực tương đối nguyên sơ có khả năng hình thành các khu phức hợp để thu hút và giữ chân du khách cao cấp.

Ðịa hình Ninh cũng có thể mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Với những gì hiện có, bà Corinne Catherine Bourgoin nhận xét, Tây Ninh sẽ rất đẹp nếu nơi đây trở thành ba trung tâm, gồm trung tâm tôn giáo, trung tâm nông sản và trung tâm bảo tồn nguồn nước.

TÌM CHIM ÐẦU ÐÀN

Cũng như tất cả các lĩnh vực kinh tế khác, để du lịch Tây Ninh phát triển, một trong những điều kiện quan trọng là phải có “con chim đầu đàn”. Con chim đầu đàn ở đây chính là những nhà đầu tư lớn. Ðiều này không có gì lạ, vì nói gì thì nói, muốn phát triển, trước nhất cần có nguồn lực đầu tư tài chính.

Trong nhiều năm qua, với chủ trương tập trung phát triển ngành du lịch, Tây Ninh đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Có vẻ như lần này cơ hội đã xuất hiện. Ðó là việc lãnh đạo Tập đoàn Sun Group đến tìm cơ hội đầu tư vào ngành du lịch Tây Ninh.

Sun Group là một tập đoàn có tiềm lực cực mạnh. Sự phát triển như vũ bão của ngành du lịch thành phố Ðà Nẵng ở miền Trung chính là nhờ phần lớn ở tập đoàn này. Ðây là thông tin mà ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho là hết sức đáng mừng.

Một trong những nguyên nhân không thể dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư vào du lịch, mà hoạt động này phải được những doanh nghiệp thực hiện. Không như đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế đơn thuần, do du lịch gắn liền với văn hoá, là một hoạt động kinh tế có tính chất tổng hợp nên không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng rót vốn vào đây.

Bởi lẽ, để đầu tư phát triển một khu du lịch quy mô (ở đây là khu vực quần thể núi Bà Ðen), doanh nghiệp phải chi ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Bỏ ra số vốn lớn như thế nhưng khi đi vào hoạt động, đơn vị đầu tư có khi phải kiên nhẫn thu của du khách từng đồng bạc lẻ.

Thu hồi vốn là cả một vấn đề. Ðó còn chưa kể, một khi đã đầu tư quy mô lớn, doanh nghiệp không thể không vay ngân hàng, và tất nhiên phải trả tiền lãi. Chia sẻ điều đó tại hội thảo quốc tế về du lịch tỉnh, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã cam kết, trong khuôn khổ pháp luật, Tây Ninh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

Du khách chuẩn bị vào cabin cáp treo để lên núi.

Xác định tầm quan trọng của phát triển du lịch, tháng 1.2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những nội dung chính của Nghị quyết 08 là hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch.

Các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Ðồng thời, coi trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch, xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Ðối với cộng đồng, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Chú trọng xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.

Với những thông tin nêu trên, Tây Ninh hiện giờ không chỉ có tiềm năng mà còn có cả cơ hội, điều kiện, hành lang pháp lý để tạo ra một bước ngoặt thật sự trong ngành du lịch. Ðến thời điểm này, đã thấy có bóng dáng chim đầu đàn xuất hiện. Ðất lành chim đậu. Tây Ninh cần chuẩn bị tổ để chim đầu đàn đậu lại và thu hút cả đàn chim đến cùng sinh sôi nảy nở.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh