Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam:
Cần một “chiếc áo mới” xứng tầm
Thứ hai: 22:48 ngày 10/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 10 năm, khu di tích quốc gia này đang tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử to lớn. Tuy nhiên, cần có những đầu tư tương xứng để khu di tích trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ mai sau.

Ðoàn các thành viên Khối thi đua các cơ quan Ðảng tỉnh dâng hương, dâng hoa tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, Ban Quản lý đã sưu tầm hình ảnh, hiện vật, kỷ vật tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Theo đó, đã sưu tầm được 509 hình ảnh có nội dung về các hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam và đấu tranh chính trị; các trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 10 bộ hiện vật gốc.

Ngày 10.5.2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Khu di tích quốc gia Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích quốc gia đặc biệt. Sau 10 năm, khu di tích quốc gia này đang tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử to lớn. Tuy nhiên, cần có những đầu tư tương xứng để khu di tích trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ mai sau.

Phát huy các giá trị của khu di tích đặc biệt

Theo Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam (gọi tắt là Ban Quản lý), kể từ khi khu di tích được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt, đơn vị đã bắt tay thực hiện nhiều phần việc để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, như: biên soạn 60 tài liệu thuyết minh về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Dân vận…); biên soạn những mẫu chuyện về quá trình hoạt động, chiến đấu của các vị lãnh đạo Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và những sự kiện có liên quan trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Cùng với đó, Ban Quản lý rất quan tâm đến công tác kiểm kê, gìn giữ, bảo quản hiện vật nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của du khách. Ðến thời điểm hiện nay, tại các di tích Ban Quản lý đã giữ gìn, bảo quản 1.363 hiện vật (trong đó có các hiện vật rất quý như: bàn làm việc của đồng chí Lê Duẩn tại số 29 đường Huỳnh Khương Ninh; chiếc xe đạp, bộ bàn ghế của đồng chí Nguyễn Văn Linh, chiếc xe đạp của đồng chí Võ Văn Kiệt, bộ dụng cụ y tế dùng để khám, chữa bệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Linh...

Theo ông Phan Thanh Nhàn- Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, từ năm 2012 đến năm 2022, Ban Quản lý thực hiện tốt công tác chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; đưa vào hoạt động hệ thống nhà khách, nhà ăn nhằm phục vụ khách tham quan, về nguồn.

Ðặc biệt là sửa chữa nhà tưởng niệm, nâng cấp phần trưng bày, làm mới sa bàn và khánh thành công trình Bức tranh hoành tráng. “Ðây là công trình trọng điểm chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015, như kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chào mừng Ðại hội tỉnh Ðảng bộ lần thứ X và tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII”- ông Nhàn cho biết thêm.

Bên cạnh đó đã nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình nhà trưng bày vũ khí tự tạo nhằm phục vụ khách tham quan; sắp xếp, trưng bày 126 hiện vật trong nhà trưng bày và biên soạn một số tài liệu có liên quan để phục vụ công tác thuyết minh, nghiên cứu lịch sử.

Hằng năm, Ban Quản lý chú trọng và thực hiện công tác phòng, chống cháy đối với khoảng 160 ha rừng tại 3 khu di tích (Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận, Chính phủ); phát tuyến chống cháy khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát 60 ha, khu rừng lịch sử - văn hoá Chàng Riệc với diện tích 30 ha.

Trăn trở trong định hướng phát triển

Sau quyết định công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2013-2020. Cũng trong giai đoạn này, Tỉnh uỷ và Quân khu 7 có chủ trương xin chuyển giao nhiệm vụ quản lý di tích sang Bộ Quốc phòng, Quân khu 7.

Ðến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đồng ý chuyển giao di tích sang Bộ Quốc phòng quản lý, do đó, việc thực hiện quy hoạch tổng thể theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng cho đến nay. Các kế hoạch đầu tư phát triển, chống xuống cấp cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động của di tích. Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để tỉnh Tây Ninh tiếp tục quản lý di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Chính những “lấn cấn” trên đã khiến việc tôn tạo, đầu tư nâng tầm khu di tích chưa được triển khai thực hiện nhiều. Trong khi đó, tỉnh định hướng du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen; hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam sẽ tạo thành chuỗi liên hoàn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là du khách quốc tế. Do đó, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cần được quan tâm đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn, phát huy tối đa giá trị lịch sử to lớn của khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Ông Phan Thanh Nhàn cho biết, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác quảng bá, tuyên truyền giới thiệu các khu di tích cách mạng miền Nam, tỉnh Tây Ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh cho các khu di tích, đặc biệt là di tích Trung ương Cục miền Nam.

Lập kế hoạch sửa chữa, chống xuống cấp các hạng mục, công trình có dấu hiệu hư hỏng hằng năm, đề xuất kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm tính kịp thời, phục vụ tốt khách tham quan.

Từ năm 2012 đến năm 2021, tại 5 khu di tích đón được 8.453 đoàn với 496.960 lượt khách tham quan, trung bình mỗi năm các di tích đón hơn 800 đoàn với hơn 50.000 lượt khách tham quan.

Lãnh đạo Ban Quản lý cũng mong muốn UBND tỉnh sớm cho chủ trương về việc tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, giai đoạn 2013-2020, cũng như đề xuất một số nội dung trình UBND tỉnh nhưng đến nay chưa có ý kiến chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Một bài toán khác cũng không kém phần nan giải của khu di tích hiện nay là con người. Cụ thể, cán bộ quản lý chủ chốt của đơn vị đến tuổi nghỉ hưu không có người thay thế, tuyển dụng viên chức khó khăn vì không có người đăng ký dự tuyển, không tuyển được viên chức thực sự có năng lực.

“Nhiều trường hợp cán bộ, viên chức công tác lâu năm, có kinh nghiệm vì điều kiện khó khăn nên xin chuyển công tác. Nhân viên hợp đồng tiền lương thấp nên xin nghỉ, tìm việc khác, số lượng người làm việc không ổn định”- ông Nhàn chia sẻ thêm.

Ðể thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có khách quốc tế, khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cần có “chiếc áo mới” khang trang, xứng tầm hơn.

Ðức An

Tin cùng chuyên mục