Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải cách hành chính trong giáo dục:
Cần một kế hoạch tổng thể
Thứ tư: 00:18 ngày 10/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định chắc chắn phải thực hiện, song điều này mới quan trọng: xây dựng chính sách cần có tính tổng thể, thống nhất để tránh trường hợp luật chưa kịp đi vào cuộc sống đã phải sửa đổi.

Giáo viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2018 trở đi, cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính trong ngành Giáo dục đạt được nhiều kết quả. Nhiều quy định bất cập đã được điều chỉnh, sửa đổi hoặc bãi bỏ, giáo viên, cán bộ quản lý vì thế cũng “nhẹ đầu” hơn.

Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều là câu chuyện liên quan đến chứng chỉ, chức danh nghề nghiệp, thăng hạng, giữ hạng, xuống hạng của giáo viên. Dù không mới nhưng câu chuyện này vẫn chưa cũ.

Loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Ngày 18.10, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những sửa đổi đáng chú ý nhất của Nghị định 89 là công chức viên chức không còn phải bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ nữa.

Nghị định 101 năm 2017 quy định, chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thời gian thực hiện tối thiểu 6 tuần, tối đa 18 tuần, gồm 4 chương trình gắn với 4 chứng chỉ từ hạng IV đến hạng I.

Nay, Nghị định 89 năm 2021 quy định chỉ còn lại một chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung. Nghị định 89 quy định: “Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng”.

Và: “Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30.6.2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của nghị định này”.

Nghị định 89 cũng sửa đổi nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, nội dung bồi dưỡng gồm lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm...

Như vậy, sau hàng chục năm tồn tại, việc loại bỏ hai chứng chỉ nặng tính hình thức này đã được Chính phủ thông qua. “Nghị định 89 giảm tải được rất nhiều cho giáo viên nói riêng và viên chức nói chung.

Từ 4 chứng chỉ, viên chức chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, kinh phí bồi dưỡng từ nguồn ngân sách, và ai đã có chứng chỉ, đã được bổ nhiệm thì không phải học nữa, rất tiết kiệm và thuận lợi” - một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bình luận về giá trị của Nghị định 89.

Phải sửa đổi chùm thông tư

Nghị định 89 tháo gỡ, tinh giản một số chương trình bồi dưỡng, đào tạo cũng như loại bỏ một số chứng chỉ, song cũng từ đây xuất hiện một vấn đề, đó là chùm Thông tư 01, 02, 03 và 04 do Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm nay, phải xem xét sửa đổi để phù hợp với Nghị định 89.

Chùm thông tư nêu trên đã được bàn luận, đăng tải nhiều lần trên các báo, trong đó có Báo Tây Ninh nên xin không nhắc lại cụ thể. Chỉ xin khái quát, dù không quy định rõ viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng chùm thông tư lại có quy định tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Trong đó, “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Từ quy định này, các địa phương vẫn yêu cầu giáo viên có minh chứng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ. Có nghĩa, để minh chứng được, viên chức, ứng viên dự tuyển phải sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

“Chúng tôi đề xuất bỏ nội dung trên, vì giáo viên, trong thời gian học ở trường sư phạm đã được học đầy đủ, họ bắt buộc phải biết sử dụng tin học và ngoại ngữ, do vậy, không nên và không thể đòi hỏi phải có chứng chỉ để làm minh chứng”- một ý kiến kiến nghị.

Vẫn theo tinh thần của chùm thông tư, cách chuyển xếp lương liên quan đến thăng hạng, xuống hạng, giữ hạng... sau thời gian áp dụng cho thấy có nhiều nội dung cần sửa đổi, vì có dấu hiệu, tính chất của sự cào bằng. Ví dụ, quy định hệ số lương hạng II cũ từ 2,67 - 3,99 sang cùng hệ số lương 4,0 ở hạng II mới. Theo ý kiến của nhiều người trong cuộc, điều này không hợp lý, thiếu khoa học và do đó không công bằng.

“Không thể có việc giáo viên tiểu học, trung học cơ sở ở hạng II cũ có hệ số lương 2,67 đến 3,99 đều được bổ nhiệm qua hạng II mới cùng có hệ số lương 4,0. Có trường hợp giáo viên công tác chưa đến 10 năm chuyển xếp lương cao hơn tổ trưởng thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó quản lý của mình công tác hơn 20 năm.

Trường hợp một tổ trưởng tổ chuyên môn ở hạng II cũ có hệ số lương 3,99 được chuyển sang hệ số lương 4,0, còn một giáo viên trong tổ công tác 6 năm có hệ số lương 2,67 cũng được chuyển sang hệ số lương 4,0 bằng với tổ trưởng của mình” - ý kiến dẫn chứng chứng minh sự bất hợp lý trong chùm thông tư.

Từ thực tế đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng hệ số lương của giáo viên hạng II không phải là từ 4,0 - 6,38 mà có thể từ 2,98 - 6,38. Khi đó, việc chuyển xếp lương theo Thông tư 02/2007/TT-BNV sẽ không còn vướng mắc việc chuyển từ 2,67 - 3,99 cùng qua 4,0. Và chỉ như vậy, việc chuyển xếp lương thăng hạng chức danh nghề nghiệp mới không xảy ra chuyện “bình quân chủ nghĩa”.

Một bất cập nữa, cần được xem xét khi sửa đổi, bổ sung chùm thông tư, đó là việc bổ nhiệm cần làm theo hướng giáo viên có đủ tiêu chuẩn ở hạng nào thì bổ nhiệm vào hạng đó. Theo quy định hiện hành trong chùm thông tư, tiêu chuẩn giáo viên mầm non và phổ thông thì “giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II mới và viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II mới phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới hoặc tương đương từ đủ chín năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.

Nhiều ý kiến phân tích, quy định này không hợp lý, vì thực tế cho thấy, nhiều giáo viên đang ở hạng III cũ đã có bằng đại học 10 năm, nhiều người là tổ trưởng, hiệu trưởng… vẫn chỉ chuyển qua hạng III mới (có hệ số lương 2,34 - 4,98) và phải 9 năm sau họ mới có hy vọng chuyển sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38) trong khi đó họ đã thiệt thòi 10 năm. Quãng thời gian “mười năm chờ đợi” đó họ đủ tiêu chuẩn của giáo viên hạng II- thậm chí hạng I mới.

Liên quan đến chùm Thông tư 01, 02,03, 04 còn nhiều vấn đề, ví dụ quy định xếp hạng đạo đức giáo viên (chúng tôi- người viết bài này) đã hơn một lần chỉ ra rằng, quy định xếp hạng đạo đức nhà giáo là không có cơ sở. Lý do đơn giản, đạo đức là một khái niệm, một phạm trù vừa trừu tượng vừa cảm tính, không thể lượng hoá.

“Quy định xếp hạng nhà giáo ở các hạng khác nhau thì đạo đức khác nhau và nhà giáo phải tìm minh chứng cho việc có đạo đức nhà giáo ở hạng I, II cao hơn ở hạng III khiến nhà giáo bị tổn thương”. Việc đánh đồng phẩm chất đạo đức với việc xếp hạng giáo viên theo chức danh nghề nghiệp là thiếu cơ sở, vì hệ quy chiếu của hai việc này khác nhau.

“Tôi thấy, cải cách hành chính trong giáo dục đạt được nhiều kết quả, điều này là có thật và không ai phủ nhận được. Nhưng tôi cũng cho rằng, vẫn còn nhiều điều cần được xem xét lại. Chỉ xin nói ngắn gọn thế này, có trường hợp giáo viên sau khi được thăng hạng, chuyển từ ngạch này sang ngạch khác, thu nhập lại thấp hơn khi chưa được thăng hạng, chuyển ngạch. Đã gọi là thăng hạng, ít nhất thu nhập bằng hoặc cao hơn mức thu nhập cũ.

Hoặc như trường hợp sau chuyển hạng, có chuyện giáo viên còn trẻ thu nhập cao hơn đồng nghiệp đã công tác trong ngành lâu năm. Tôi cho rằng, cần sửa đổi để khắc phục những bất cập, thậm chí bất công nêu trên”- hiệu trưởng một trường THPT ở Tây Ninh nêu.

Tương tự, một vị hiệu trưởng khác cho rằng, những bất cập, thiếu khoa học trong chùm thông tư cần điều chỉnh càng sớm càng tốt, dù chùm thông tư này ra đời chưa tròn một năm. “Ở Tây Ninh, tôi chưa nghe nhưng ở một số địa phương khác, có trường hợp giáo viên khi đến tuổi nghỉ hưu lại phải xuống hạng vì không đủ điều kiện giữ hạng”- ý kiến nêu.

Từ những thông tin nêu trên, bằng tất cả sự thận trọng cần thiết, có thể nói rằng, việc cải cách hành chính, xây dựng, ban hành chính sách có dấu hiệu thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm tính thống nhất.

Lấy ví dụ, căn cứ Nghị định 89, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng, không còn nghĩa vụ phải minh chứng một số chứng chỉ nhưng chùm thông tư đang có hiệu lực lại yêu cầu phải có. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định chắc chắn phải thực hiện, song điều này mới quan trọng: xây dựng chính sách cần có tính tổng thể, thống nhất để tránh trường hợp luật chưa kịp đi vào cuộc sống đã phải sửa đổi.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh