Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vấn nạn kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường:
Cần nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương
Thứ năm: 09:40 ngày 05/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, nhất là những tuyến đường gần các chợ truyền thống thường xuyên diễn ra. Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhưng kết quả mang lại vẫn còn hạn chế.

Tại đường Võ Văn Truyện gần chợ thành phố Tây Ninh, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để mua bán cũng xảy ra thường xuyên mỗi khi không có lực lượng chức năng.

Biết sai nhưng vẫn vi phạm

Phần đông những người buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đều là những người có điều kiện khó khăn, thậm chí có cả nhà nông thu hoạch nông sản mang ra  bán. Do đó, bản thân những người này dù biết buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn chấp nhận với tâm trạng “vừa bán, vừa canh”. Khi có lực lượng chức năng kiểm tra, họ dọn hàng đi trốn, khi không có thì mang ra bán tiếp. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh có Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 18.7.2017 ban hành kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương cụ thể. Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục được xác định là trách nhiệm chung của các cơ quan, địa phương phải vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, nhất là nhân dân sinh sống hai bên các tuyến đường, các khu vực thường xuyên bị lấn chiếm.

Các lực lượng chức năng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp chính quyền địa phương tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến công nhân.

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ trì tổ chức thực hiện là UBND cấp huyện, hàng năm địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện trên địa bàn, lực lượng tham gia gồm: Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế - Hạ tầng; Đội  Quản lý trật tự đô thị; Đội Thanh tra giao thông vận tải đóng trên địa bàn các huyện, thị xã,  thành phố; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; UBND các xã,  phường, thị trấn… trong đó các lực lượng địa phương là nòng cốt.

Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chính như kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp phép xây dựng trong đô thị; công tác quản lý lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; căn cứ tình hình thực tế tổ chức, bố trí các khu vực kinh doanh buôn bán, khu vực dừng đỗ xe, bãi đỗ xe, các khu giải trí, dịch vụ thương mại,... một cách hợp lý, không làm phát sinh nguy cơ lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, mất ATGT.

Mở các đợt cao điểm ra quân, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường, vỉa  hè, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh buôn bán, họp chợ, rửa xe, trông  giữ xe, dừng đỗ phương tiện... trái quy định gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức tháo dỡ mái che, biển quảng cáo sai quy định ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị. Bố trí, hướng dẫn việc dừng đỗ xe, nhất là tại các cổng trường học, bệnh viện, trung tâm văn hoá, các chợ, trung tâm thương mại, đảm bảo tránh ùn tắc và gây mất trật tự an toàn giao thông…

Tình trạng các cá nhân mua bán nhỏ lẻ lấn chiếm lòng lề đường xung quanh chợ Long Hoa ( thị xã Hòa Thành) mỗi khi không có mặt lực lượng chức năng đã kéo dài nhiều năm.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền

Những năm qua, công tác giải toả lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh được các ngành và địa phương thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến đường đô thị, các tuyến đường gần các khu công nghiệp, khu du lịch; các vi phạm chủ yếu gồm: dựng biển quảng cáo trái quy định diễn ra khá phổ biến, tổ chức hoạt động mua bán trên vỉa hè, phương tiện dừng, đỗ ngay dưới lòng đường để mua hàng hoá... làm mất vẻ mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.

Thời gian diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhiều nhất là các thời điểm diễn ra lễ, hội, khung giờ sáng và chiều hằng ngày. Nhất là các tuyến đường xung quanh các chợ, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, mua bán hàng hoá, các tuyến đường gần các khu công nghiệp, khu du lịch... 

Nguyên nhân chính có thể thấy, dù pháp luật quy định chặt chẽ về vấn đề này nhưng ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của  người dân còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm hành lang an toàn đường bộ, cố tình vi phạm việc lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, một số người dân suy nghĩ “biến của chung thành của riêng”. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương của một số xã, phường, thị trấn và cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang, hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đến nơi đến chốn, tình trạng tái lấn chiếm còn nhiều.

Đa số các Ban Quản lý chợ trên địa bàn tỉnh chưa phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý tình trạng các hộ tiểu thương tự ý bày bán ra ngoài phạm vi của chợ và các tuyến đường xung quanh khu vực chợ.

Theo một cán bộ ngành GTVT, để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trái quy định trên địa bàn tỉnh hiện nay, cần triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm; đồng thời phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Đó là trách nhiệm của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, trong đó chính quyền địa phương cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền và kiểm tra.

Các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; tuyên truyền hậu quả của việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, nhất là tại các đô thị, thị trấn, các trục đường chính và khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch...

Việc tuyên truyền phải thực chất, tránh hình thức, nhằm góp phần huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay góp sức, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô  thị, đặc biệt không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm hành lang, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Sở GTVT phối hợp Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 18.7.2017 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ và công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Qua đó đánh giá, nhận diện mặt được, mặt chưa được và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương để thực hiện. Duy trì việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ký kết và thực hiện Kế hoạch phối hợp giải toả lòng, lề đường, hè phố và hành lang an toàn đường bộ hằng năm.

T.P

Tin liên quan