Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN:
Cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Thứ sáu: 12:47 ngày 03/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trong tỉnh nhìn chung đã đi vào khuôn khổ pháp luật nhưng vẫn còn những trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản cố tình vi phạm trong quá trình khai thác. Vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở (cấp xã) trong công tác quản lý khoáng sản ở địa phương. Bởi thời gian qua, đa phần các vụ khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện là do cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh hoặc do báo chí lên tiếng phản ánh. Trong khi chính quyền địa phương lại “không hay biết”.

Hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng ở tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Theo ông Phạm Ðình Lâm - Chủ tịch UBND xã Hoà Hội (huyện Châu Thành), trên địa bàn xã có 4 đơn vị được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Hằng tháng, UBND xã phối hợp với Công an, Ban Quản lý ấp kiểm tra việc thực hiện theo đề án khai thác khoáng sản của các đơn vị. Qua đó, chính quyền địa phương kịp thời nhắc nhở các doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, đối tượng tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cần phải bảo vệ gồm: khoáng sản đã được điều tra, phát hiện; chưa được điều tra, phát hiện; chưa được cấp giấy phép khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của các mỏ đã đóng cửa và các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng chưa đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh.

Khoáng sản là loại tài sản hữu hạn và hầu hết không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong hoạt động khoáng sản. Nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp với các tỉnh, thành… ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đó, hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào nề nếp, hạn chế các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt là cát làm vật liệu xây dựng thông thường) có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách.

Do đó, việc xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực

Tại xã Ninh Ðiền, từ đầu năm đến nay, UBND xã đã phát hiện 2 trường hợp vi phạm, gồm: một trường hợp khai thác sai thiết kế; một trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền cho di dời đất  nhưng đã tự ý vận chuyển đi nơi khác. UBND xã đã phát hiện và báo Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống lập biên bản, đình chỉ hoạt động.

Có thể thấy, nếu chính quyền cấp xã quan tâm đến công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn thì sẽ sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Bởi hơn ai hết, chính quyền cấp xã là cấp có điều kiện thuận lợi trong việc giám sát, quản lý sâu sát, chặt chẽ và nhanh chóng nhất về mọi hoạt động có dấu hiệu bất thường trên địa bàn.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện chủ yếu là đất phún sỏi đỏ, đất sét làm gạch, cát lòng sông và than bùn. Trên địa bàn huyện hiện có 19 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (gồm 24 giấy phép). Trong đó, đất san lấp, sét gạch ngói 19 giấy phép và hiện tại các mỏ có giấy phép  đều đang hoạt động; 2 giấy phép khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông, có công suất khai thác 85.000m3/năm; 3 giấy phép khai thác than bùn với diện tích 117,31 ha.

Nhìn chung, thời gian qua, công tác phối hợp cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện được chấn chỉnh, bảo đảm, đúng quy trình, quy định, hài hoà giữa khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ môi trường. Hoạt động quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện được các cơ quan chức năng quan tâm.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cơ bản chấp hành đúng quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật có liên quan đến khai thác mỏ. Trong khi đó, công tác quản lý, phối hợp của các ngành chức năng có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ nên chậm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; việc quản lý về khối lượng, chất lượng, giá cả, vận chuyển sản phẩm khoáng sản - đặc biệt là cát xây dựng bán ra thị trường trong thời gian qua còn bất cập.

Từ năm 2017 đến nay, công tác phối hợp đề xuất về tỉnh cấp mới giấy phép khai thác được huyện Châu Thành thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần chấn chỉnh tình trạng cấp phép tràn lan không theo quy hoạch khoáng sản như trước đây. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm cả về số lượng và mức độ vi phạm so với trước.

 Tuy nhiên, UBND huyện cũng cho biết, việc cấp phép khai thác trước đây manh mún, nhỏ lẻ nên khó quản lý. Trong khi đó, ý thức chấp hành  quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp chưa cao, còn hoạt động khai thác khoáng sản chưa đúng theo giấy phép như rào chắn chưa bảo đảm, biển báo không đầy đủ, khai thác còn gây sạt lở...

Có ý kiến cho rằng, chính quyền các huyện, thành phố cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã trong việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở địa phương; có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã khi để xảy ra sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Có như thế mới ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian tới.

THẾ NHÂN - TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục