Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần quản lý nghiêm việc xây nhà nuôi chim yến
Thứ năm: 10:43 ngày 02/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, thấy rõ lợi nhuận từ yến tổ, nhiều người dân trong tỉnh đã tự đầu tư xây nhà nuôi chim yến. Để thu hút, dẫn dụ chim yến về, các hộ lắp đặt hệ thống âm thanh phát ra tiếng chim yến gọi bầy.

Tuy nhiên, hầu hết nhà nuôi yến đều nằm xen kẽ trong khu dân cư nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày của người dân, chưa kể nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khá cao.

Người dân phàn nàn vì tiếng ồn từ hệ thống loa dẫn dụ chim yến

Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đoàn khảo sát việc nuôi chim yến trong khu dân cư ở một số địa phương trong tỉnh. Tại các điểm khảo sát, đoàn ghi nhận hiện nay, việc nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở Tây Ninh.

Tuy nhiên, các hộ đầu tư nuôi yến hoạt động theo kiểu tự phát, đặc biệt đáng lo ngại, những nhà nuôi chim yến đều xây dựng kiểu nhà tiền chế hoặc xin phép xây dựng nhà ở nhưng lại “biến” thành nhà nuôi chim yến.

Nhà nuôi chim yến trong khu dân cư ở xã Long Thành Nam bị người dân phản ánh.

Cụ thể, trên địa bàn phường 3 (thành phố Tây Ninh) có nhà nuôi yến của bà Nguyễn Thị K. Nhà nuôi yến này được xây dựng năm 2018, gần vườn cao su, chi phí 1,3 tỷ đồng. Căn nhà được cất theo kiểu nhà tiền chế, vật liệu xây dựng gồm khung sắt, lợp tôn, vách tôn. Tầng trệt để nhân công ở và chăm sóc, quản lý nhà yến.

Trong nhà có hệ thống phun sương để làm mát nhà yến. Trên mái nhà gắn hệ thống loa dẫn dụ chim yến về. Tiếng chim yến phát ra từ các loa phóng thanh này mặc dù không lớn lắm, nhưng cứ rỉ rả đều đều từ 7 giờ sáng đến 19 giờ mỗi ngày. Bà K cho biết, nhà yến của bà hiện có khoảng 50 cặp chim yến vào ở, đã làm được khoảng 20 tổ nhưng chưa thu hoạch.

Tại phường 3 còn có nhà nuôi chim yến do bà Y.L. làm chủ. Căn nhà này được xây dựng từ năm 2016, diện tích 42 mét vuông, gồm 2 tầng. Tầng trên là nơi chim yến sinh sản, tầng dưới làm nơi chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến. Xung quanh cơ sở nuôi yến này là san sát nhiều căn nhà khác của người dân.

Khi đoàn công tác Thường trực HĐND tỉnh đến khảo sát thấy nơi đây vẫn mở loa dẫn dụ chim yến. Trên nhà yến, từng đàn chim lượn lờ bay vô bay ra. Bà L. cho biết: “Hằng ngày, buổi sáng mở loa dẫn dụ chim yến từ 7 giờ - 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ - 18 giờ, không cần thiết mở loa với mức độ âm thanh lớn, chỉ mở âm thanh nhỏ vừa đủ cho chim yến nghe. Thời gian qua, chỉ có một người dân, nhà ở kế bên thường hay phàn nàn về tình trạng tiếng ồn”.

Một nhà nuôi chim yến được đầu tư khá quy mô ở phường 1, TP.Tây Ninh.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu thêm thì không chỉ có một mình người dân nói trên phàn nàn mà một số người khác cũng không hài lòng về việc nuôi chim yến trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn S, nhà ở cách cơ sở nuôi yến của bà L. khoảng 150 mét cho hay: “Cơ sở này mở máy dụ chim yến ồn ào. Buổi trưa, chiều không nghỉ ngơi được. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng chủ nhà yến chưa khắc phục. Tôi đề nghị di dời nhà nuôi yến này ra xa khu dân cư”.

Ông Phạm Huy Từ- Trưởng khu phố 6, phường 3 cũng chia sẻ, trong hội nghị tiếp xúc cử tri chưa thấy ai phản ánh và cũng chưa nhận đơn thư khiếu nại của ai về việc nhà nuôi yến gây ồn ào; nhưng gặp nhau ngoài đời thường thì có nhiều người phàn nàn về tiếng ồn từ nhà nuôi chim yến của bà L.

Đặc biệt, tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim yến gây khó chịu đối với những gia đình có người bệnh, cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Ông Từ nhìn nhận, nghề nuôi chim yến góp phần phát triển kinh tế cho người dân, nhưng ông cũng đề nghị nên có quy hoạch khu vực nuôi chim yến cụ thể, phải đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo sức khỏe cho người dân xung quanh.  

Ông Văn Tấn Khánh (sinh năm 1962, ngụ ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành) phản ánh: Đối diện trước nhà ông có cơ sở nuôi chim yến của ông Hồ Văn K., ngụ tỉnh Bình Phước.

Ông Khánh gửi đơn đến một số cơ quan chức năng ở xã, thị xã và tỉnh khiếu nại về việc nhà nuôi chim yến của ông K. gây ô nhiễm môi trường, tiếng loa dụ dẫn chim yến gây ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông và các hộ xung quanh.

Ông Văn Tấn Khánh phản đối việc nuôi chim yến trên địa bàn xã Long Thành Nam với một số thành viên Thường trực HĐND tỉnh.

UBND xã Long Thành Nam đã xác minh và trả lời bằng văn bản nhưng ông Khánh vẫn không đồng ý với nội dung trả lời. Tiếp xúc với đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, ông Khánh tiếp tục phàn nàn về việc tiếng ồn từ hệ thống loa gây nhức đầu. Mặt khác, phân chim, lông chim yến rơi vãi khắp nơi gây mất vệ sinh môi trường và có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vừa qua, tại buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, một cử tri là thành viên Đoàn Luật sư Tây Ninh cũng bày tỏ sự lo ngại về việc ở tỉnh ta ngày càng xuất hiện nhiều nhà nuôi yến theo kiểu tự phát.

Cử tri này dẫn chứng, theo quy định nhà nuôi yến không được xây cất gần khu dân cư, trường học. Các nhà nuôi yến đều cao hai, ba tầng, nếu xây cất không kiên cố có thể gây đổ sập. Ngoài ra, loài chim này có thể mang theo mầm bệnh, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cư dân.

Phải quản lý chặt việc xây dựng nhà nuôi yến

Chiều 30.6, tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Châu Thành cũng cho biết, tính đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 60 căn nhà nuôi yến. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng ráo riết giám sát, nhắc nhỡ không để người dân tiếp tục xây nhà nuôi yên nữa. Nếu phát hiện xây dựng nhà yến phải lập biên bản, ngưng ngày việc xây dựng và chờ xin giấy phép theo quy định.

Nhưng đối với những nhà yến đã xây dựng rồi, huyện gặp khó khăn trong việc xử lý. Hiện nay, huyện đang chờ UBND tỉnh chỉ đạo hướng xử lý chung trong toàn tỉnh, để huyện áp dụng theo.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Tân-Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT khảo sát nhu cầu nuôi yến của người dân và trình UBND tỉnh kế hoạch quy hoạch khu nuôi yến, quản lý nhà nuôi yến.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng nhà yến và khai thác tổ yên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát triển manh.

Hiện nay, có 370 ở nhà yến của 34 hộ dân, phân bổ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Theo quy định, nhà yến phải được cấp giấy phép xây dựng, chăn nuôi theo quy hoạch như những loài động vật khác. Đất xây dựng nhà nuôi yến cũng phải được chuyển đổi mục đích.

Một nhà nuôi chim yến trên địa bàn phường 3 cất theo kiểu nhà tiền chế, dễ gây đổ sập nếu có giông gió.

Liên quan vấn đề nuôi yến, ông Trần Trương Quốc- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, Sở chưa cấp bất kỳ giấy phép xây dựng nhà nuôi chim yến nào trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo quy định của Chính phủ, nhà nuôi chim yến là công trình chăn nuôi, thuộc loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Công trình này có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng nên phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định trước khi đề nghị cấp giấy phép xâv dựng.

Tất cả các công trình nhà nuôi chim yến hiện nay ở tỉnh ta đều xuất phát từ công trình nhà ở gia đình, sau đó các hộ tự cải tạo cho phù hơp với môi trường nuôi chim yến và gắn các thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến về ở. Hành vi tự thay đổi thiết kế, tự cải tạo nhà ở gia đình thành nhà nuôi chim yến là hành vi xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp.

Trong thời gian qua, Thanh tra Sở Xây dựng không nhận được đề nghị xử lý từ các địa phương đối với các công trình xây dựng sai giấy phép được cấp từ nhà ở gia đình đổi công năng thành nhà nuôi chim yến nên chưa xử lý trường hợp nào vi phạm xây dựng nhà yến không đúng với giấy phép xây dựng.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang chờ Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn về việc quản lý các công trình nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Sau khi có hướng dẫn, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra các công trình xây dựng nhà nuôi chim yến trong toàn tỉnh và sẽ có biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh