Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh
Thứ tư: 00:40 ngày 14/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cha mẹ luôn phải sẵn sàng tâm thế đón nhận những vấn đề của con mình, bình tĩnh phối hợp với thầy cô, nhà trường và các lực lượng khác tìm kiếm các phương án tối ưu hỗ trợ trẻ.

Học sinh, giáo viên Trường THCS thị trấn Châu Thành trong lớp học (ảnh Ð.V.T)

Chỉ chưa đầy một tháng, các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều vụ học sinh tự tử. Ngày 2.3, nữ sinh lớp 6 một trường THCS ở Thành phố Hồ Chí Minh đu ra ngoài ban công, may được bảo vệ phát hiện và kịp giải cứu.

Ngày 29.3, một nam sinh lớp 10 chuyên Toán ở Trường THPT chuyên Bắc Kạn tự tử ở ký túc xá. Sáng 1.4, mở facebook đọc được dòng tâm trạng của một cậu học trò cũ: “Chỉ muốn đi đâu đó thật xa. Vì lúc này lòng mình thấy chênh vênh đến lạ!”…

Tất cả những sự việc vừa nêu ở trên đều là biểu hiện của sức khoẻ tinh thần có vấn đề. Chúng khác nhau ở chỗ, hai trường hợp đầu tìm lối thoát một cách tiêu cực, còn trường hợp sau biết giãi bày, chia sẻ để mong nhận được những “tư vấn” theo hướng tích cực. Có lẽ từ trước đến nay, chúng ta mới chú ý đến sức khoẻ thể chất mà bỏ quên sức khoẻ tinh thần của con em mình.

Sức khoẻ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng điều đáng tiếc là dường như chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng để con phát triển tốt về thể chất, rèn cho con học giỏi mà chưa quan tâm đúng mức đến cảm xúc, sức khoẻ tinh thần của trẻ.

Vấn đề sức khoẻ tinh thần có thể có ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là lứa tuổi học sinh trung học (THCS, THPT). Ðây là giai đoạn thay đổi về mặt thể chất, tâm lý tinh thần, sinh lý (nhiều người thường gọi là tuổi “ẩm ương”).

Những dấu hiệu rối loạn sức khoẻ tinh thần phổ biến thường gặp như sa sút về giấc ngủ, thể chất, lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, hay đổ mồ hôi, mắt có thể nhìn kém hơn, tay cầm bút run rẩy, lóng ngóng, cảm thấy rối loạn trong cư xử, cảm thấy vô dụng, học hành không như mong đợi của gia đình, không phấn đấu bằng bạn bè, từ đó oán trách bản thân, thậm chí có suy nghĩ, hành vi tiêu cực như huỷ hoại bản thân, tự tử…

Lực lượng để hỗ trợ các em vượt qua các vấn đề về sức khoẻ tâm thần là gia đình, thầy cô giáo và bạn bè. Rất nhiều phụ huynh thường quan tâm đến sức khoẻ thể chất, coi nhẹ những dấu hiệu rối loạn sức khoẻ tinh thần ở con cái.

Nhiều người nhầm lẫn và cho rằng đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì! Ở độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè... Ðiều đáng lo ngại là việc định vị “cái hơn”, “cái tôi” của các em còn nằm ở các giá trị bề ngoài và coi những điều đó là thước đo khẳng định giá trị bản thân chứ không phải ở chiều sâu thực chất.

Khi các em cảm thấy mình không bằng bạn bè thì cảm giác vô dụng xuất hiện. Sự gắn kết giữa các em và gia đình không chặt chẽ, luôn thấy cha mẹ không hiểu mình cho nên ít chia sẻ những vấn đề bản thân, đó là chưa nói đến rất nhiều gia đình cha mẹ có xung đột, dẫn đến ly hôn khiến các em chán chường, thất vọng.

Lứa tuổi này, nhiều khi các em “thổi phồng” nỗi buồn của mình, gia đình mình. Các rối loạn sức khoẻ tinh thần còn đến từ áp lực về thành tích, kết quả học tập không như sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô; những rung động, lúng túng khi nảy sinh cảm xúc đầu đời…

Ảnh minh hoạ

Các vấn đề sức khoẻ tinh thần cần được quan tâm, chia sẻ để không trở thành bệnh lý. Trước hết, gia đình phải quan tâm con cái, trang bị cho trẻ các kỹ năng trong cuộc sống; giúp trẻ hình thành các cảm xúc tích cực. Cha mẹ cần dành thời gian để chơi với con, tâm sự, chia sẻ những vấn đề trong gia đình, ở nhà trường và trong cuộc sống với con.

Bên cạnh đó, nhà trường và thầy cô giáo cần quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tinh thần của các em. Giáo viên chủ nhiệm phải thật sự sâu sát, hiểu hoàn cảnh của học sinh, chú ý nhiều hơn đến những em có gia cảnh khó khăn, không may mắn…

Nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái là một “sự nghiệp anh hùng thầm lặng”. Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình khoẻ mạnh, trưởng thành. Bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ thể chất, cần quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ tinh thần của con.

Cha mẹ luôn phải sẵn sàng tâm thế đón nhận những vấn đề của con mình, bình tĩnh phối hợp với thầy cô, nhà trường và các lực lượng khác tìm kiếm các phương án tối ưu hỗ trợ trẻ. Một lời chào, một bữa ăn, một cuộc trò chuyện… đều trở thành “sợi dây neo” khi con cái gặp những vấn đề tâm lý, để chúng tin tưởng, mạnh dạn chia sẻ cùng cha mẹ.

Dù những sự việc tương tự trên hiếm khi xảy ra tại Tây Ninh, nhưng thiết nghĩ, đó là hồi chuông cảnh báo cho gia đình, nhà trường và xã hội, cần có sự quan tâm đúng mức đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là vấn đề sức khoẻ tinh thần, tạo động lực cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

D.M

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh