Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng:
Cần quan tâm đặc biệt
Thứ bảy: 08:37 ngày 29/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ sở phải trang bị đủ nguồn nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà theo quy định. Khu vực nguồn nước, máy bơm nước chữa cháy, các thiết bị PCCC phải bố trí nơi dễ thấy, dễ lấy, dễ thao tác sử dụng, không bị lửa khói tác động khi có cháy.

Thực tập sử dụng bình cứu hoả.

Thời gian gần đây, nước ta đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các nhà cao tầng, chung cư. Điển hình là vụ cháy chung cư Carina Plaza ngày 23.3.2018 tại TP.Hồ Chí Minh đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khoẻ con người và tài sản. Ở tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, đi cùng với sự phát triển về kinh tế là sự xuất hiện ngày càng nhiều toà nhà cao tầng, chung cư cao tầng. Tuy công tác PCCC ở các toà nhà cao tầng đã được các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan chức năng quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

CÒN MANG TÍNH HÌNH THỨC

Các nhà cao tầng phần lớn tập trung tại khu vực TP. Tây Ninh. Với thiết kế phức tạp, toà nhà cao tầng thường gây khó khăn trong công tác dập tắt đám cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Do đó, công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà cao tầng phải được đặc biệt quan tâm từ khâu thẩm duyệt nghiệm thu thiết kế xây dựng đến bố trí các trang thiết bị PCCC.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH)- Công an tỉnh cho biết, hầu hết các nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC, từ việc trang bị các thiết bị về PCCC đến lực lượng chữa cháy tại chỗ đến tập huấn kiến thức về PCCC, rèn luyện các kỹ năng, thao tác với các thiết bị chữa cháy và tham gia các buổi thực tập phương án chữa cháy ngay tại cơ sở mình.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, nhiều toà nhà cao tầng do các doanh nghiệp quản lý không duy trì được công tác PCCC, hoặc hệ thống PCCC không còn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo các tiêu chuẩn mới được ban hành. Tại các toà nhà này, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều lỗi vi phạm về quy định PCCC như: vẫn còn tình trạng để các vật dụng, hàng hoá… trong buồng thang thoát nạn, trong phòng kỹ thuật điện; dùng các vật dụng như bình cứu hoả, gạch đá chèn cửa buồng thang bộ thoát nạn để lấy sáng, lấy gió hoặc đơn giản để thuận tiện cho việc lau dọn dẫn đến không bảo đảm yêu cầu về buồng thang thoát nạn an toàn.

Không chỉ vậy, việc đầu tư, bảo dưỡng hệ thống PCCC chưa được quan tâm. Một số bình khi kiểm tra đã không còn giá trị sử dụng (kim đồng hồ chỉ về vạch đỏ, theo quy định không còn đủ điều kiện để sử dụng), hoặc đồng hồ quan sát thời hạn sử dụng trên bình đã bị mờ, không hiển thị các thông số kỹ thuật. Thậm chí, một số bình còn bố trí ở những nơi khuất tầm nhìn, không đúng quy định. Một số nơi trong toà nhà chưa trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng người sử dụng toà nhà hoặc người thuê lại toà nhà không thành thạo, thậm chí có người không biết cách sử dụng. Trong tình huống xảy ra sự cố cháy, nổ, việc không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng không biết cách xử lý có thể dẫn tới tình trạng cháy lan, cháy lớn.         

Cá biệt, ở một số nơi còn không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn hoặc đã trang bị nhưng thiết bị hư hỏng và đặt ở vị trí chưa hợp lý. Việc không bảo đảm chiếu sáng và chỉ dẫn trên lối thoát nạn sẽ khiến việc di chuyển thoát nạn khi có sự cố gặp nhiều khó khăn, gây nên tình trạng hỗn loạn. Ngoài ra, công tác tự kiểm tra hệ thống PCCC ở các toà nhà cao tầng vẫn còn mang tính hình thức, không có biên bản sao lưu.

Công tác quản lý gặp không ít khó khăn

Năm 2018, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC hơn 1.600 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, đơn vị đã lập hơn 1.380 biên bản kiểm tra, nhắc nhở và kiến nghị thực hiện 1.758 thiếu sót, vi phạm về PCCC, lập biên bản và ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. Qua số liệu trên cho thấy, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp cháy, nổ xảy ra ở các toà nhà cao tầng, chung cư cao tầng nhưng việc thực hiện công tác bảo đảm PCCC ở các toà nhà này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an tỉnh, nhiều cơ sở vẫn chưa làm đúng theo quy định PCCC. Cái khó hiện nay là nhận thức xã hội về công tác PCCC vẫn chưa cao, đặc biệt là chủ đầu tư và khách hàng sử dụng. Về phía chủ đầu tư, trong quá trình xây dựng, nhiều chung cư chỉ lắp đặt hệ thống PCCC mang tính hình thức.

Trong quá trình quản lý điều hành, trách nhiệm của chủ đầu tư còn kém và số lượng các toà nhà chung cư, trung tâm thương mại thực hiện phương án PCCC hay diễn tập công tác này cho người dân sống và làm việc ở đây rất ít. Về phía khách hàng sử dụng, ý thức PCCC cũng chưa cao. Người dân sống ở chung cư, người lao động làm việc ở các toà nhà cao tầng vẫn còn thiếu kiến thức tối thiểu để xử lý tình huống trong các vụ cháy.

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có quy định: các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra… khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp... Chính vì thời gian kiểm tra định kỳ quá dài, số lần quá ít nên mỗi lần tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC tại các nơi này lại phát hiện lỗi sai phạm. Đồng thời, mức xử phạt vi phạm điều kiện an toàn về PCCC còn thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Mặt khác, các vụ cháy tại chung cư, cao tầng thường rất nguy hiểm, vì đây là nơi tập trung đông người. Khi xảy ra cháy, nổ, đám cháy sẽ lan nhanh chóng từ dưới lên trên, phát triển nhanh theo chiều cao công trình. Việc số tầng của công trình càng cao, công trình có tầng hầm càng nhiều thì tính chất, mức độ nguy hiểm càng phức tạp. Nếu xảy ra cháy gây không ít khó khăn đến công tác cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy.

Cần chủ động PCCC ở các toà nhà cao tầng

Trong năm 2018, để tăng cường công tác PCCC ở các toà nhà cao tầng, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH tới người dân. Cụ thể, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức được 13 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về PCCC, gần 600 cuộc tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH, và hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho đối tượng là giáo viên, học sinh, công nhân, lực lượng PCCC cơ sở.

Phòng cũng phối hợp với Công an huyện, thành phố, BQL chợ, trung tâm thương mại, trường học phát hơn 2.000 tờ rơi, khuyến cáo về an toàn PCCC và vận động, hướng dẫn hơn 700 cơ sở trọng điểm, cửa hàng xăng dầu, trung tâm thương mại, siêu thị… treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác PCCC tại cơ sở, hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH còn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC tại các toà nhà cao tầng, chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc bảo đảm an toàn PCCC.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an tỉnh khuyến cáo, khi xảy ra cháy tại khu chung cư hay nhà cao tầng, người dân cần bình tĩnh xử lý sự cố. Người phát hiện ra cháy cần nhấn chuông báo động được thiết kế ở mỗi tầng nhà để báo cho đơn vị quản lý toà nhà, từ đó báo động toàn bộ các hộ dân biết để thoát hiểm. Nếu đám cháy có khói, người dân nên sử dụng khăn ướt bịt miệng và mũi, tìm cách vượt qua đám khói đến đường thoát hiểm gần nhất.

Học sinh được tập huấn về cách thoát nạn khi xảy ra cháy ở nhà cao tầng (Ảnh minh hoạ).

 Đối với chủ đầu tư, BQL nhà cao tầng cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Trong quá trình hoạt động phải thường xuyên bảo dưỡng các hệ thống PCCC đã trang bị theo quy định. Đặc biệt, cần quan tâm đến hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong nhà, ngoài nhà; hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống tăng áp buồng thang và hút khói các tầng.

Song song đó, các cơ sở cần thành lập đội PCCC có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này. Đồng thời, cơ sở phải trang bị đủ nguồn nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà theo quy định. Khu vực nguồn nước, máy bơm nước chữa cháy, các thiết bị PCCC phải bố trí nơi dễ thấy, dễ lấy, dễ thao tác sử dụng, không bị lửa khói tác động khi có cháy.

Ngọc Bích - Thiên Di

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996, nhà cao tầng là nhà và các công trình công cộng có chiều cao từ 25m đến 100m (tương đương từ 10 tầng đến 30 tầng). Theo đó, thiết kế PCCC cho công trình dân dụng cao tầng phải tuân theo các quy định của tiêu chuẩn TCVN 6160:1996 và các tiêu chuẩn an toàn PCCC khác có liên quan.

Khi thiết kế PCCC cho nhà cao tầng để xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, phải dựa vào quy hoạch của toàn khu, hay cụm và đồng thời kết hợp chặt chẽ với giải pháp thiết kế PCCC của công trình bên cạnh (tổ chức đường giao thông, hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy, thông tin báo cháy...). Thiết kế nhà cao tầng phải được thoả thuận về thiết kế và thiết bị PCCC với cơ quan có thẩm quyền.
Tin cùng chuyên mục