Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Lữ Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố thừa nhận, thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động thu mua phế liệu trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức.
Cảnh nhếch nhác tại một vựa phế liệu ở phường Ninh Sơn.
Trước đây, Báo Tây Ninh có bài viết “Bất an chuyện mua, bán phế liệu ở vùng biên” phản ánh tình trạng các điểm thu mua phế liệu ở khu vực biên giới không bảo đảm về môi trường, trong đó có việc thu mua cả phế liệu nguy hại. Trong nội địa, hoạt động thu mua phế liệu cũng không bảo đảm đúng quy định.
Hoạt động thu mua phế liệu (thường gọi là ve chai) vừa tạo việc làm cho nhiều người, vừa giúp xã hội thanh lý nhiều vật dụng phế thải. Tuy nhiên, những người đi thu mua phế liệu thường không được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải.
Chị Minh, một người thu mua phế liệu ở phường Hiệp Ninh cho biết, chị đã mua ve chai hàng chục năm qua, nhưng không biết loại phế liệu nào độc hại cần phải được xử lý theo quy trình riêng. Do vậy, mọi thứ phế liệu được chị thu mua đều để chung một chỗ đưa về vựa.
Theo một chủ vựa phế liệu tại khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, cơ sở kinh doanh phế liệu của ông hoạt động đã lâu nhưng chỉ đăng ký kinh doanh, còn các giấy tờ khác liên quan đến bảo vệ môi trường ông không có. Bên trong cơ sở này, các bao tải lớn chứa phế liệu được vứt lăn lóc trên đất. Các phế liệu như vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, vỏ máy ti vi, lõi động cơ máy quạt... khá nhiều. Chủ vựa phế liệu cho biết, những loại phế liệu này được các thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh thu mua hết.
Tại một vựa phế liệu nằm trên đường 784, thuộc ấp Bình Linh (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu), chủ vựa phế liệu còn mang nhiều bóng đèn màn hình ti vi cũ để ven đường, dù đây là rác thải điện tử rất nguy hại cho môi trường. Tại xã Bàu Năng, một vựa thu mua để phế liệu đổ ra đường, gây cản trở giao thông.
Một cán bộ UBND phường Ninh Thạnh cho biết, trên địa bàn phường hiện có 4 điểm thu mua phế liệu. Thời gian qua, phường chỉ đến kiểm tra và nhắc nhở các điểm thu mua phế liệu chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy. Việc kiểm tra các cơ sở có bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường, có được cấp giấy phép về bảo vệ môi trường hay không, địa phương chưa áp dụng.
Một cán bộ UBND xã Bàu Năng cho hay, xã cũng thường xuyên nhắc nhở các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn chấp hành tốt công tác phòng cháy chữa cháy, không để phế liệu gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu thì địa phương chưa làm.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dương Minh Châu, các vựa phế liệu nằm trong khu dân cư Phòng không tham mưu cho huyện cấp giấy phép về môi trường. Trước những sự việc phóng viên phản ánh, Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.
Ông Lữ Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố thừa nhận, thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động thu mua phế liệu trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện chỉ có một số cơ sở có giấy phép bảo vệ môi trường. Do đó trong năm 2018, Phòng sẽ tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn Thành phố.
THIÊN TÂM