Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai được UBND tỉnh và địa phương đặc biệt quan tâm nhằm khai thác tốt các nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Người dân nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận Một cửa UBND thị xã Hoà Thành.
Trong tổng số các vụ việc khiếu nại hành chính, khiếu nại các quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, vẫn còn những vụ khiếu nại phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn tình trạng mất trật tự an ninh nông thôn và nhiều vấn đề xã hội khác. Bên cạnh đó, vẫn còn những quyết định hành chính về lĩnh vực đất đai của cơ quan nhà nước ban hành chưa đúng quy định, buộc phải huỷ quyết định, ảnh hưởng nhất định đến uy tín, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Chiếm tỷ lệ cao trong khiếu nại hành chính
Tại huyện Gò Dầu, từ năm 2016 đến nay, khiếu nại quyết định hành chính (QĐHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số vụ việc khiếu nại hành chính nói chung (23/38 đơn, vụ việc, chiếm 60,52%). Nội dung khiếu nại tập trung chủ yếu là khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi hoặc huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương do từ năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh đầu tư, triển khai nhiều dự án có liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, như: dự án đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu); Khu du lịch núi Bà Đen; Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời (huyện Gò Dầu); dự án nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá đường 30.4 (thành phố Tây Ninh)…
Ngoài ra, còn có các khiếu nại liên quan đến đất nông, lâm trường tại huyện Tân Châu, Tân Biên; đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng và các vụ việc riêng lẻ khác. Nội dung khiếu nại chủ yếu về quyết định cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Nhìn chung, các quyết định hành chính liên quan lĩnh vực đất đai được UBND, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành đúng quy định về thẩm quyền, nội dung bảo đảm quy định chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm giải quyết hoặc một số quyết định hành chính ban hành chưa đúng quy định pháp luật, thậm chí bị huỷ quyết định, như: huyện Gò Dầu có 4/120 quyết định hành chính ban hành chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai bị yêu cầu sửa đổi một phần, thu hồi hoặc huỷ quyết định hành chính; 1 trường hợp giải quyết khiếu nại chưa đúng thẩm quyền bị yêu cầu thu hồi quyết định giải quyết.
Đối với thành phố Tây Ninh, trong số 6 đơn/6 vụ việc khiếu nại quyết định hành chính liên quan đến đất đai đã giải quyết lần 1 hoặc lần 2 nhưng đương sự không đồng ý, đã khởi kiện vụ án hành chính đến Toà án. Kết quả, TAND tỉnh và TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh bác 5 đơn/6 vụ khởi kiện, tỷ lệ bản án đồng ý với quyết định hành chính bị khởi kiện đạt 85,33%; 1 vụ (ông Lê Văn Thắng) bị TAND tỉnh và TAND tối cao huỷ toàn bộ quyết định hành chính của tỉnh và thành phố.
Đối với huyện Tân Biên, vẫn còn 5 đơn khiếu nại mới phát sinh trong năm 2023 giải quyết còn chậm. Hiện tại, tổ xác minh, cơ quan tham mưu đã tổng hợp báo cáo kết quả xác minh, đã dự thảo các quyết định giải quyết khiếu nại, hoàn chỉnh báo cáo và tham mưu UBND huyện quyết định giải quyết.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan
Theo lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu, tỷ lệ đơn khiếu nại quyết định hành chính về đất đai chiếm tỷ lệ cao trong khiếu nại hành chính do quá trình sử dụng đất có sự thay đổi về ranh giới, khi tiến hành đo đạc theo hiện trạng thực tế sử dụng thì có sự sai lệch, dẫn đến một số hộ gia đình, cá nhân không đồng ý kết quả đo đạc nên làm đơn khiếu nại.
Bên cạnh đó, một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ, công chức phụ trách giải quyết nhận dạng trên bản đồ địa chính và chưa đối chiếu với hồ sơ địa chính, dẫn đến cấp trùng, cấp nhầm.
Riêng đối với một số địa phương biên giới như Tân Biên, Tân Châu có những khó khăn đặc thù khiến việc kiểm tra, xác minh ranh giới, điều tra chủ sử dụng đất khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, Tân Biên là vùng đất mới, phát triển từ sau giải phóng và chiến tranh biên giới. Trong quản lý đất đai có nhiều khó khăn do yếu tố lịch sử để lại như tình trạng người dân tự khai phá, bao chiếm; kể cả đất lâm trường, nông trường trước đây cấp cũng chưa có mốc giới rõ ràng.
Đội ngũ cán bộ tham mưu cho UBND xã, huyện về công tác địa chính, quản lý đất đai thời điểm đó còn hạn chế về chuyên môn, dẫn đến cấp lộn thửa, lộn chủ, sai diện tích, sai vị trí khá nhiều. Việc áp dụng nhiều hệ thống bản đồ trước đây có độ chính xác không cao, không thống nhất giữa các hệ thống bản đồ gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý đất đai.
Đối với công tác đo đạc chính quy, ông Nguyễn Ngọc Trỗi cho biết, Tân Biên là địa phương cuối cùng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đo đạc chính quy và lại rơi vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sau khi nghiệm thu bàn giao cho địa phương vào tháng 12.2021, huyện Tân Biên đã chỉ đạo việc tổ chức cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ chính quy mới và nhiệm vụ này được đẩy mạnh trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023.
Vấn đề lưu trữ hồ sơ đất đai khó khăn là do Văn phòng Đăng ký đất đai có thời điểm là đơn vị trực thuộc huyện, có thời điểm chuyển giao về tỉnh, có thời điểm hồ sơ đất đai được lưu trữ ở xã, khiến việc bàn giao, lưu trữ hồ sơ đất đai không chặt chẽ và khoa học.
Nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai được UBND tỉnh và địa phương đặc biệt quan tâm nhằm khai thác tốt các nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhìn chung, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại thông qua các cuộc họp định kỳ của cơ quan, đơn vị. Qua tuyên truyền, phổ biến đã từng bước nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn huyện trong việc chấp hành pháp luật về đất đai và khiếu nại.
Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đơn nói chung và đơn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai nói riêng được quan tâm giải quyết. Hầu hết các vụ việc, đơn thư khiếu nại quyết định hành chính liên quan lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền đều được các địa phương và UBND tỉnh xử lý đạt tỷ lệ cao, nhiều địa phương đạt tỷ lệ xử lý 100%.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại quyết định hành chính liên quan lĩnh vực đất đai, qua đợt giám sát của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, lãnh đạo các địa phương được giám sát đều thể hiện quyết tâm khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Nguyễn Ngọc Trỗi, sau đo đạc chính quy, hệ thống bản đồ cơ bản khai thác, đáp ứng tốt quản lý đất đai cũng như cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những khó khăn phát sinh được cán bộ, công chức khắc phục để khai thác sử dụng góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý đất đai giai đoạn hiện nay. Huyện cũng đang tập trung khắc phục vấn đề cấp lộn chủ, lộn thửa, sai diện tích, sai ranh giới.
Riêng đối với 13 quyết định thu hồi đất thực hiện Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua trung tâm thị trấn Tân Biên bị công dân khởi kiện ra toà (trước đó, người dân đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công), huyện theo sát, phối hợp tốt với TAND tỉnh để giải quyết.
Tính đến nay, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử được 8/13 vụ; kết quả bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của 8 hộ (2 trường hợp kháng cáo lên TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh). Các vụ còn lại có nội dung tương tự, TAND Tây Ninh đang chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm theo quy định.
Tại Gò Dầu, ông Nguyễn Văn Nhu- Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường củng cố các tổ hoà giải cơ sở; Ban Chỉ đạo tiếp công dân thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thực hiện theo lịch tiếp công dân và tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại kéo dài để ổn định tình hình tại địa phương; quan tâm làm tốt công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ đất đai. Từ nay đến cuối năm 2023, huyện tổ chức tập huấn kỹ năng tiếp công dân cho cán bộ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức.
Sắp tới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức đợt giám sát chuyên đề “việc ban hành các quyết định hành chính dẫn đến khiếu nại của công dân liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay” đối với UBND tỉnh.
Qua giám sát nhằm phát hiện những quy định pháp luật hiện hành còn bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sửa đổi.
Phương Thuý