Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Thứ hai: 22:05 ngày 12/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án, đến thẩm định, triển khai thực hiện và kết quả. Ở mỗi khâu đều phải rõ trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: KT)

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Chưa rõ nét trách nhiệm người đứng đầu

Thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, trước thực trạng nhiều công trình dở dang kéo dài hơn 10 năm tại các tỉnh, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) bày tỏ “thực sự xót lắm”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, cần nhìn lại chất lượng ban hành văn bản pháp luật thời gian qua vì Luật Đầu tư công mới có hiệu lực được 3 năm nhưng đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi.

Đại biểu cũng cho rằng sửa đổi Luật lần này phải đảm bảo tính lâu bền của dự án, tính ổn định bền vững và khả thi của từng quy định để tránh được việc vừa ban hành đã phải sửa đổi.

Tuy vậy, đại biểu nhận xét, quy định về chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong dự thảo chưa đậm nét. Đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án, đến thẩm định, triển khai thực hiện và kết quả. “Ở mỗi khâu đều phải rõ trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư” – đại biểu Mai nói.

Về quy trình thủ tục đầu tư, theo đại biểu, qua giám sát, địa phương phản ánh quy trình của luật đầu tư đối với đầu tư công là vật cản, kéo dài thời gian, chi phí, nguồn lực nên trong lần sửa đổi này cần rà soát và loại bỏ những quy trình, thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai các dự án.

Thảo luận về dự Luật này, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) bày tỏ nhiều trăn trở. Trước hết, đại biểu chia sẻ thực tế, đã được đi nhiều tỉnh và thấy nhiều công trình dở dang, hay theo dõi báo đài cũng thấy đưa tin nhiều công trình dở dang kéo dài hơn 10 năm. Trước thực trạng này, đại biểu bày tỏ “thực sự xót lắm”.

Để xử lý cắt giảm, đại biểu đề nghị giao cho địa phương để xem xét những công trình dàn trải có xã hội hóa được không, để địa phương tính toán nguồn. “Nên xã hội hóa hay như thế nào thì cần có tổng kết, đánh giá” – đại biểu nói thêm.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị phải có dự án mới cấp vốn, chứ không phải cứ ghi vốn rồi mới triển khai. “Xảy ra tình trạng đội vốn có một phần là do cấp trước, công trình cứ áng chừng rồi báo cáo với Chính phủ” – đại biểu phát biểu.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại thời điểm phân nguồn vốn cho đúng thời điểm. “Nếu phân bổ cho các tỉnh miền Trung vào đúng đợt mưa lũ thì địa phương cũng không làm được. Hay thực tế là cứ thời điểm cuối năm Kho bạc lúc nào cũng đông, thậm chí 12 giờ đêm cũng vẫn phải ngồi chờ nguồn vốn” – đại biểu ví dụ.

Cũng cho ý kiến về dự luật này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) quan tâm tới thời gian giải ngân. Đại biểu nêu quan điểm, đây là một trong những nguyên nhân làm dự án phải kéo dài. Bởi lẽ, “do không có chốt thời gian nên kéo dài liên tục, chậm chả làm sao, không ai chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng rất lớn”. Đại biểu đề nghị đưa ngay vào luật, quy định không quá 1 năm.

Bàn về chế tài với các địa phương để kéo dài, đại biểu đánh giá, giải pháp cho dừng dự án là không khả thi, không hiệu quả dẫn đến càng lãng phí. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chủ đầu tư, thậm chí là lãnh đạo bộ, ngành; không bố trí vốn để khởi công những công trình sau...

Thói quen mua hàng không lấy hóa đơn tiếp tay cho hành vi trốn thuế

Thảo luận ở tổ, các đại biểu đều nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nêu thực trạng, việc mua hàng không lấy hóa đơn diễn ra phổ biến trong giao dịch mua bán. Việc này vô tình tiếp tay cho việc một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng quy định của luật thuế.

“Việc mua hàng không lấy hóa đơn theo thói quen của người tiêu dùng sẽ dẫn đến cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn khống cho khách hàng khác dù giao dịch kinh doanh không xảy ra. Hơn nữa, việc ghi sai nội dung hóa đơn tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp mua hóa đơn đưa vào chi phí cho doanh nghiệp, từ đó tăng chi, giảm lợi nhuận, giúp doanh nghiệp giảm số tiền thuế phải đóng” – đại biểu phân tích.

Đồng tình việc dự thảo Luật quy định nghiêm cấm bán hàng không xuất hóa đơn, song đại biểu đề nghị cần bổ sung ghi đúng, không ghi sai nhằm trốn thuế.

Đại biểu cũng nhắc tới tình trạng hiện nay việc sở hữu tài khoản ngân hàng là phổ biến để thanh toán, chuyển khoản, đặc biệt là ví điện tử ngày càng phát triển giúp thanh toán, chuyển khoản dễ dàng, nhanh hơn. Thế nhưng, đại biểu cho rằng, việc này cũng giúp các doanh nghiệp, hộ cá nhân dễ dàng sử dụng tài khoản khác với tài khoản đăng ký với cơ quan thuế, đặc biệt là những chủ thể đang hoạt động online.

Để tránh tình trạng người nộp thuế sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch nhưng khi kê khai nộp thuế chỉ kê khai một tài khoản, đại biểu đề nghị cần quy định rõ người nộp thuế phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ, số hiệu và nội dung giao dịch của tất cả các tài khoản ở các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác của người nộp thuế.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) quan tâm tới thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đại biểu không đồng tình với quy định tại dự Luật. Cụ thể, dự Luật quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 05 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.

Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 01 tỷ đồng”.

Đại biểu nhận định quy định như trên là không hợp lý. Bởi lẽ, nếu đã giao cho Bộ trưởng thì giao hết cho Bộ trưởng, không nên có quy định trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó, nếu quy định rõ cho Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan thì trường hợp Bộ Tài chính cơ cấu lại tổ chức sẽ phải sửa Luật. “Quốc hội sẽ không bao giờ giao chi tiết đến cấp cục, như vậy là không hợp lý. Tôi đề nghị giao hết cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính theo phân cấp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội” – đại biểu đề nghị./.

Nguồn dangcongsanvn

Tin liên quan