Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thường trực HĐND tỉnh:
Cần rà soát, đánh giá thực tế từng công trình cấp nước sạch nông thôn
Thứ tư: 20:51 ngày 14/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 14.11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đơn vị giải trình là Sở NN&PTNT cùng một số đơn vị có liên quan.

Quang cảnh phiên họp.

Tham dự có Ban thường trực UB.MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo HĐND các huyện Trảng Bàng, Tân Biên, Tân Châu, TP. Tây Ninh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT, đối với chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, nhà đầu tư đã triển khai xây dựng công trình cấp nước ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu. Công trình này có công suất 1.000m3/ngày.đêm, cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc các ấp Long Hòa, Long Phi (xã Long Thuận), ấp Xóm Lò (xã Tiên Thuận). Tiến độ thực hiện đến nay đạt 50% khối lượng thiết kế, dự kiến hoàn thành và cung cấp nước cho người dân vào quý I/2019. Ngoài ra, còn một số công trình khác nhà đầu tư đang tiếp cận, nghiên cứu.

Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình các nội dung.

Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, theo kế hoạch năm 2018, kinh phí thực hiện là 14 tỷ đồng/2.722 hộ. UBND tỉnh tạm ứng 7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn. Đến tháng 10.2018, đã lắp đặt hệ thống xử lý nước cho 464 hộ tại 5 huyện: Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Hòa Thành, Tân Châu.

Bà Huỳnh Thị Thu Hà- thành viên Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT thông tin thêm, về việc khảo sát nhu cầu của người dân như thế nào? Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn cho địa phương thực hiện không chặt chẽ, dẫn đến việc ở địa phương nhìn nhận không rõ ràng. Bà Hà đề nghị trong quá trình triển khai tiếp theo, các sở, ngành cần tăng cường việc phối hợp, hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm việc đồng bộ hơn.

Ông Phạm Văn Đặng- Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, việc quản lý, đầu tư khai thác các công trình cấp nước hiện nay còn nhiều bất cập, đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT nói rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan, kể cả của chính quyền địa phương trong việc đề xuất, khảo sát, lập dự án đầu tư, quản lý khai thác các trạm này; phương án xử lý các trạm cấp nước đầu tư không hiệu quả, đã ngưng hoạt động.

Bà Kim Thị Hạnh – Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu.

Bà Kim Thị Hạnh- Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị đơn vị chủ quản triển khai chính sách này thông tin thêm về công tác tuyên truyền, cũng như việc người dân có thật sự hiểu về hiệu quả của chính sách này chưa. Bà cũng đề nghị khi đã triển khai chính sách, đơn vị nên thực hiện việc đánh giá, xem lại hiệu quả của việc tổ chức triển khai.

 Giám đốc Sở NN&PTNT, lãnh đạo các cơ quan có liên quan như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách trong thời gian qua, đồng thời các đơn vị cũng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của đại biểu.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm của các đại biểu tham gia phiên họp. Qua phần giải trình của Giám đốc Sở NN&PTNT, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực tích cực của ngành Nông nghiệp thời gian qua trong công tác quản lý hoạt động cấp nước và sự chủ động đề xuất ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý các công trình cấp nước hiện có và tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn còn hạn chế, bất cập.

Phần lớn công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư từ khá lâu, kinh phí lớn, công nghệ xử lý lạc hậu, có công trình hoạt động vượt quá công suất, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân trong vùng; có công trình hoạt động dưới công suất thiết kế, ít hộ dân tham gia, dẫn đến thu không đủ chi.

Công tác vận hành, vệ sinh và bảo dưỡng, duy tu các công trình cấp nước nông thôn ở một số nơi chưa thực hiện tốt nên bị xuống cấp, giảm công suất, chất lượng nước không bảo đảm.

Phần lớn công trình cấp nước tập trung trong tỉnh được đầu tư từ khá lâu, công nghệ xử lý lạc hậu. Ảnh minh hoạ

Công tác phổ biến, tổ chức hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình đến cơ sở có nơi chậm, chưa chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng và thống nhất về đối tượng thụ hưởng, phương thức hỗ trợ…

Để việc triển khai thực hiện chính sách về hỗ trợ cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cần rà soát, khảo sát thực tế từng công trình, có giải pháp nâng cấp các công trình đã xuống cấp, xây mới các công trình hoạt động vượt công suất và được đánh giá hiệu quả hoạt động bền vững; xem xét thanh lý đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả.

Đối với chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, lãnh đạo Sở có chỉ đạo khảo sát, thống kê kết quả triển khai đợt đầu tại các địa phương để nắm hết tình hình, những khó khăn, bất cập ở cơ sở; sớm tổ chức hướng dẫn cụ thể từng nội dung để việc triển khai chính sách một cách thống nhất, đồng bộ, mang lại hiệu quả…

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục