Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện quy định về niêm yết giá:
Cần siết chặt quản lý
Thứ ba: 07:14 ngày 14/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, việc niêm yết giá hàng hoá được thực hiện ở siêu thị, cửa hàng có quy mô lớn, còn tại các chợ, tiệm tạp hoá… chỉ làm theo kiểu “lấy lệ”, thậm chí không niêm yết giá, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi mua sắm.

Một cửa hàng tạp hoá trong tỉnh.

“NẶNG” TÂM LÝ ÐỐI PHÓ

Theo quy định tại khoản 6, Ðiều 4 Luật Giá số 11/2013/QH13, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ bằng đồng Việt Nam.

Cụ thể là bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, giấy, bao bì hàng hoá hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch, nơi chào bán hàng hoá, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, niêm yết giá là quy định bắt buộc đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Ðây không chỉ là nét văn minh thương mại, mà còn là giải pháp nhằm hạn chế trường hợp các tiểu thương tăng giá bán, thu lợi riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện quy định này vẫn còn lỏng lẻo.

“Thông thường, các gian hàng trong chợ hiếm khi niêm yết giá hàng hoá, khiến khách hàng không thể so sánh, lựa chọn mức giá hợp lý. Khi muốn biết giá một sản phẩm nào đó, chỉ còn cách… hỏi. Tình trạng không niêm yết giá, nói thách của chủ kinh doanh khiến người mua khá e ngại khi đi chợ buổi sáng, vì sợ mua hớ. Nếu chẳng may trả giá không vừa ý, gặp phải người bán khó tính sẽ bị cằn nhằn, thậm chí còn xua đuổi!”- chị P.N.T, ngụ phường Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh cho hay.

Chị Nhi, ngụ phường 3, TP.Tây Ninh chia sẻ, chị thường mua hàng ở chợ phường 3, IV. Nơi đây bày bán nhiều mặt hàng, sản phẩm đẹp mắt, vừa túi tiền. Tuy nhiên, chị luôn ưu tiên mua tại các gian hàng “mối”, để tránh lầm giá hay sản phẩm không đạt chất lượng.

Tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, tình trạng không niêm yết giá hàng hoá khá phổ biến. Từ đồ gia dụng, điện tử, quần áo, giày dép cho đến đồ chơi trẻ em, bánh kẹo các loại… hầu như không được niêm yết giá. Một số cửa hàng niêm yết theo kiểu đối phó hoặc đặt bảng niêm yết nơi khuất tầm nhìn, khó nhận biết.

Lý giải cho việc không niêm yết giá sản phẩm, nhiều người bán hàng cho rằng, do cửa hàng có quy mô nhỏ, hàng hoá có giá trị không lớn nên niêm yết giá rất khó bán. Mặt khác, người bán hàng cũng rất e ngại thói quen trả giá của người tiêu dùng… nên chọn cách không niêm yết giá trên sản phẩm hoặc không công khai bảng giá để… dễ bán. 

Chị H- một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên địa bàn Thành phố tâm sự, khách hàng thường có tâm lý muốn “mặc cả”  bớt 1, 2 mức giá so với giá thành người bán đưa ra, nên việc niêm yết giá trên sản phẩm không có tác dụng. Ngoài ra, một vấn đề tế nhị khác khiến chủ cửa hàng thường ngại niêm yết giá là do nguồn hàng, đầu mối giao dịch khác nhau nên giá không thống nhất.

Riêng đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia vị… hầu hết các hộ kinh doanh đều chưa niêm yết giá rõ ràng. Theo một số tiểu thương, giá các mặt hàng này thay đổi từng ngày, từng giờ, không có thời gian ngồi ghi, sửa giá liên tục. Có những mặt hàng tươi ngon, buổi sáng bán giá khác; buổi chiều, chất lượng hàng kém hơn nên giá bán ra cũng thấp hơn, không thể một ngày làm hai, ba bảng giá.  

CẦN THAY ÐỔI NHẬN THỨC

Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay, nhiều tiểu thương vẫn chưa hiểu rõ việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết là quy định của Nhà nước, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bình ổn giá trên thị trường và tạo phương thức kinh doanh văn minh.

Nghị định 49/2016/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn có hiệu lực từ 1.8.2016, đã tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định công khai thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ.

Theo quy định, các hành vi không niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật, hay niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ðối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá, hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

 Nhằm hạn chế tình trạng cố tình nâng giá, gây xáo trộn thị trường, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Ðội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý 7 vụ/ 7 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng với tổng số tiền xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Ðể duy trì tốt công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trong thời gian tới, cần nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật về giá; hướng dẫn các hộ kinh doanh niêm yết giá trực tiếp trên từng sản phẩm, dùng bảng giá ghi rõ những loại hàng hoá không thể ghi trực tiếp…

Ðồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết hàng hoá, dịch vụ, cũng như xử phạt nghiêm đối với những cửa hàng cố tình vi phạm.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Tin cùng chuyên mục