Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần sớm ban hành quy định bảo vệ các tuyến kênh có phục vụ dân sinh
Thứ hai: 08:54 ngày 30/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo phản ánh của người dân, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, sông suối, đường xe có sẵn diễn ra khá nhiều, chính quyền địa phương không kiểm tra ngăn chặn kịp thời.

Đường bờ kênh phục vụ dân sinh có nhiều phương tiện lưu thông nên việc ban hành quy định quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ là rất cần thiết.

Gần đây, người dân tiếp tục có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng nông thôn mới đúng đắn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác bảo vệ sông rạch, suối có dòng chảy thuận lợi hiện có. Các đường dân cư xóm ấp, các đường xuống đồng ruộng đã có sẵn từ trước, không để bị lấn chiếm và tiến hành tu sửa để người dân đi lại và vận chuyển nông sản dễ dàng.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, sông suối, đường xe có sẵn diễn ra khá nhiều, chính quyền địa phương không kiểm tra ngăn chặn kịp thời. Do đó, người dân kiến nghị cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an toàn giao thông.

 Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) cho biết, ngày 6.4.2023, Sở này đã mời các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trao đổi và thống nhất tham mưu UBND tỉnh trả lời các nội dung có liên quan mà người dân phản ánh. Trong đó, có các nội dung như công tác quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi, quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo trì công trình đường bộ.

Hiện nay, công tác quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi (đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thuỷ lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thuỷ lợi) được thực hiện theo các quy định của Luật Thuỷ lợi năm 2017, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 14.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 15.7.2019 quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 15.7.2019 của UBND tỉnh quy định rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

 Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định này hướng dẫn, thực hiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đúng theo quy định.

 Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh theo thẩm quyền quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thuỷ lợi theo quy định.

Riêng đối với các tuyến kênh (bờ kênh) có kết hợp phục vụ dân sinh, Sở NN&PTNT chủ trì rà soát và phối hợp Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh phân cấp quản lý, bảo vệ các công trình này.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo trì công trình đường bộ, thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tại Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND ngày 22.11.2019 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trách nhiệm vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, các quy định cụ thể trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ.

 UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

 UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm giải toả các công trình ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và không ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và hoạt động giao thông vận tải. Tổ chức thực hiện cưỡng chế để giải toả vi phạm, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tái lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND ngày 22.11.2019 của UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm từng cấp trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trách nhiệm vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi; quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo trì công trình đường bộ đã được Chính phủ, các bộ chuyên ngành và UBND tỉnh quy định cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện.

Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1264/UBND-KT, ngày 27.4.2023 về việc nâng cao công tác quản lý nhà nước về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình giao thông và công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Quyết định 1264/UBND-KT của UBND cũng nêu rõ, hiện nay do tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, nhất là các khu vực đô thị, các khu vực gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp… phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước, các công trình giao thông, thuỷ lợi bị lấn chiếm, sử dụng không phù hợp với các quy định trong phạm vi này, ảnh hưởng đến an toàn công trình, an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Quyết định này đã giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GTVT thống kê, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh việc quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ các tuyến kênh (bờ kênh) có phục vụ dân sinh.

Cũng vào tháng 4.2023, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát, đề xuất các tuyến đường giao thông trên bờ kênh theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13080-2014- đường giao thông nông thôn - yêu cầu thiết kế.

 Sở NN&PTNT đã có Công văn số: 3892/SNN-CCTL ngày 17.10.2021, số 4418/SNN-CCTL ngày 17.11.2022 về việc rà soát, đề xuất các tuyến đường giao thông trên bờ kênh, theo đó: đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất danh mục các tuyến đường giao thông trên bờ kênh theo nhu cầu của địa phương để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông. Đến ngày 27.3.2023, Sở NN&PTNT nhận được báo cáo của 9/10 cơ quan, đơn vị có liên quan và 9 cơ quan, đơn vị đề xuất 208 tuyến kênh kết hợp giao thông trên bờ kênh.

Sau khi tổng hợp, rà soát chiều rộng của 208 tuyến kênh kết hợp giao thông trên bờ kênh với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10380-2014 - đường giao thông nông thôn - yêu cầu thiết kế, Sở NN&PTNT đã xác định được cấp đường của 165/208 tuyến kênh (đường cấp kỹ thuật A, B, C, D); 45/208 tuyến chưa xác định được cấp đường các tuyến đường, gồm 17 tuyến kênh chưa có thông tin về chiều dài, chiều rộng quy hoạch; 28 tuyến kênh chưa phù hợp quy định cấp kỹ thuật tuyến đường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10380-2014).

Trước việc đô thị phát triển với tốc độ nhanh, người dân lại tiếp tục kiến nghị, việc ban hành quy định quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ các tuyến kênh (bờ kênh) có phục vụ dân sinh để bảo đảm an toàn là rất cần thiết. Thực tế đường bờ kênh chỉ có tải trọng 6 tấn, 3 tấn nhưng xe tải lớn lưu thông nhiều dẫn đến đường hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn giao thông.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục