Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, xem xét có tiếp tục yêu cầu giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nữa hay không, nếu có, điều này được thực hiện như thế nào; người trong ngành Giáo dục nói gì về nội dung, ý nghĩa khi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp... là những vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều người cả trong và ngoài ngành Giáo dục. Trong diễn biến liên quan, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ra văn bản yêu cầu tạm dừng các lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ trên địa bàn tỉnh.
Thí sinh thi thử môn tiếng Anh- kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2021 trên máy tính.
BỎ CHỨNG CHỈ TIN HỌC, NGOẠI NGỮ
Sau nhiều năm chờ đợi, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, ngoại ngữ thứ hai và tin học chính thức được loại bỏ. Theo quy định mới nhất về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vừa được Bộ GD&ĐT ban hành (tất cả bốn Thông tư 01, 02, 03, 04 ban hành ngày 2.2) từ ngày 20.3.2021, các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, ngoại ngữ thứ hai sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Ngoài việc lương giáo viên được xếp theo thứ hạng của từng chức danh đối với giáo viên mầm non, phổ thông, quy định mới nhất liên quan đến trình độ đào tạo không còn đề cập đến chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và ngoại ngữ thứ hai.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non chỉ còn yêu cầu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tuỳ theo thứ hạng.
Đối với giáo viên tiểu học, thông tư mới nhất quy định có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tuỳ theo từng thứ hạng chức danh. Giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Tương tự, giáo viên cấp trung học phổ thông có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trường hợp giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Những quy định nêu trên thay thế hoàn toàn các quy định được ban hành trong nhiều giai đoạn trước, gần đây nhất là năm 2015.
Quy định viên chức nói chung, viên chức ngành Giáo dục nói riêng phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên ngoại ngữ) đã từng gây ra nhiều bất cập, tiêu cực. Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chất vấn lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ về loại “giấy phép con” này.
Hai vị Bộ trưởng cũng nhiều lần hứa với cử tri, Quốc hội là sẽ sớm bỏ những quy định, điều kiện nặng tính hình thức, thiếu tính thực chất. Nay, bằng loạt thông tư mới ban hành, viên chức ngành Giáo dục như thoát được cảnh “chạy chứng chỉ”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giữ đúng lời hứa, loại bỏ giấy phép con, trước mắt là chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
KHI NÀO BỎ CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP?
Sau khi ban hành 4 thông tư (đã nêu ở phần đầu bài viết), một trong những vấn đề đang được nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục quan tâm, đó là các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Có nhiều lý do, cơ sở để chính những người trong ngành Giáo dục, kể cả cán bộ quản lý, không riêng gì giáo viên đề nghị bỏ loại chứng chỉ này. Trước hết, cũng như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nặng tính hình thức, ít tác dụng, nói nôm na là, có cũng được, không có cũng không ảnh hưởng gì đến trình độ chuyên môn của giáo viên.
Điều quan trọng hơn, nội dung học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (tuỳ theo thứ hạng của giáo viên) cơ bản không có gì mới. Hầu hết nội dung, tinh thần của lớp học này, giáo viên đều đã được học trong trường sư phạm. Một số nội dung chưa được học trong trường sư phạm như các loại văn bản hành chính, thông tư, nghị định... nếu muốn biết, chỉ cần lên mạng tìm, chỉ cần vài giây đồng hồ, là có.
“Các khối kiến thức được đưa ra trong văn bản của Bộ, riêng phần 1 với nội dung tổ chức bộ máy nhà nước, luật giáo dục... rất cũ kỹ, ai cũng có thể tìm hiểu được chứ không cần phải dạy. Phần 2 cũng chủ yếu là cũ kỹ, các vấn đề tâm lý - xã hội, quyền trẻ em, đạo đức nghề nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm... lẽ nào các giáo viên chưa từng học ở đại học hay cao đẳng và chưa từng làm khi dạy học? Một số vấn đề có vẻ mới của giáo dục hiện đại như dạy học phát triển năng lực thì ai đủ trình độ để viết tài liệu và đứng lớp khi tôi biết chắc đa số giảng viên lâu nay chỉ biết dạy nhồi nhét kiến thức? Phần 3, tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch thì thừa và rất chiếu lệ.
Tìm hiểu thực tế gì nữa khi đây là chương trình bồi dưỡng cho chính giáo viên đang dạy học, lẽ nào họ chưa biết thực tế dạy học là gì? Một chương trình như vậy, liệu có hơn chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm mà giáo viên đã từng học không? Mỗi học phần lên lớp từ 8 đến 12 tiết thì dạy kiểu gì? Nói về thực tế, thì chắc gì giảng viên đại học, cao đẳng có kinh nghiệm thực tế so với giáo viên phổ thông? Một chứng chỉ nhìn chung chẳng nâng cao hơn về nghề nghiệp người ta đã từng được đào tạo thì sao có thể gọi là tương ứng với chức danh nghề nghiệp hạng này hạng kia? Lẽ nào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng lâu nay, kể cả kinh nghiệm dạy học nhiều năm của cá nhân mỗi giáo viên đang nằm ở hạng bét bây giờ cần phải giữ hạng bét hay nâng hạng cao hơn” - đoạn văn vừa trích dẫn là ý kiến của một giảng viên khi người này được phân công dạy bồi dưỡng cho các lớp học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Một vị phó trưởng phòng Giáo dục bày tỏ quan điểm rằng, việc quy định chức danh nghề nghiệp cũng như các loại chứng chỉ khác là cần thiết.
“Theo quy định, trước khi được thăng hạng, giáo viên phải tham gia các lớp học ngắn hạn để lấy chứng chỉ. Tại Tây Ninh, sau khi xét thăng hạng cho giáo viên, nhiều người chưa có các loại chứng chỉ cần thiết, vì khi đó chưa mở được lớp. Trước câu hỏi giáo viên đi học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc lấy các loại chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ… nặng tính hình thức, thiếu thực chất, vị lãnh đạo cho biết: “Vấn đề này giờ không bàn nữa”. Lý do, trước khi ban hành thông tư chính thức, Bộ GD&ĐT đã ban hành bản dự thảo để lấy ý kiến. “Hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp đặt ra những yêu cầu thì giáo viên phải thực hiện”.
Trong khi đó, một vị phó trưởng phòng khác lại cho rằng, việc quy định nâng chuẩn, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên trước yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa, xét tổng thể là đúng. Tuy nhiên, vị phó trưởng phòng thừa nhận, cách làm như hiện nay thiếu tính thực chất. “Tôi được biết, những nội dung được dạy tại các lớp học thăng hạng cho giáo viên không có gì mới, vì họ đã học trong chương trình đào tạo của trường sư phạm rồi”.
“Anh làm giáo viên thì anh phải đạt cái chuẩn nào đó. Nhưng với cách làm như hiện nay, việc mở các lớp học để cho giáo viên đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng không hơn gì chương trình bồi dưỡng thường xuyên trước đây.
Tôi muốn nhấn mạnh, nó thiếu tính thực chất”- vị lãnh đạo “kết luận” về phương diện tổ chức, chuyên môn. Ngoài ý kiến trên, một số giáo viên thông tin, những lớp học để làm điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp “vắng bóng” tính thực tế.
Theo giải thích của người trong cuộc, đối với vấn đề chuyên môn, nội dung học toàn kiến thức cũ. Đối với nội dung về chính sách, pháp luật, đường lối… họ đã “thấm nhuần” qua các lớp học chính trị trong mùa hè. Nhiều người cho biết, chương trình học không có gì hấp dẫn nên nhiều người đóng tiền rồi học qua loa vài bữa cho xong.
Liên quan chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, có một điều hơi tế nhị nhưng phải nói (thật ra đã từng đề cập nhiều lần), đó là học phí. Dù thời gian học thực tế chỉ mấy ngày nhưng đóng đến gần 3 triệu đồng, theo dư luận trong ngành, khoản thu này khó được coi là hợp lý.
Điều 80 của Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hoá nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ”. Theo tinh thần đó, việc thu tiền của giáo viên khi tham gia các lớp học liên quan đến thăng hạng giáo viên cần được nghiêm túc xem xét lại là đúng quy định của pháp luật hay không.
CÓ THỂ PHẢI SỬA LUẬT
Sau khi dư luận trong ngành và báo chí chuyển tải ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, nhiều vị lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, nơi liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp quy định về các loại giấy phép con đã lên tiếng. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã giữ đúng lời hứa trước Quốc hội, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Riêng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, muốn bỏ phải sửa cả luật và nghị định. Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật Viên chức 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Còn điểm b khoản 3 Điều 33 quy định, viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng.
Tháng 9.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề. Do đó, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Trong khi đó, ngày 7.3, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ bình luận, sinh viên sư phạm, sau khi tốt nghiệp, rồi ra trường đi dạy là đã được đào tạo, công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, có thể bỏ yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên.
Vị cựu thứ trưởng cũng cho rằng, cần thiết phải xem xét sửa luật, nghị định để loại bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết đối với công chức, viên chức nói chung chứ không chỉ riêng ngành Giáo dục. Tương tự, một vụ phó (đương nhiệm) của Bộ Nội vụ cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo để ban hành thông tư quy định cụ thể bỏ các loại chứng chỉ nặng tính hình thức.
Theo vị lãnh đạo đương nhiệm, thông tư sẽ sớm được ban hành. Cũng trên tinh thần đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin với báo giới rằng cơ quan này đang xây dựng dự thảo thông tư mới để thay thế một số quy định hiện hành, trong đó không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Từ những thông tin nêu trên, với sự thận trọng cần thiết, có thể khẳng định rằng, những tranh cãi, thắc mắc của giáo viên về các lớp học để thăng hạng, chuyện tài chính (thu tiền) là chính đáng và không phải vô căn cứ. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn, đó là chuyện “giấy phép con” trong ngành Giáo dục.
Việc quy định giáo viên phải có các loại chứng chỉ thực chất gần như là một loại giấy phép con- loại giấy phép chỉ được dùng để cấp cho những doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên nhiều diễn đàn dành cho công chức, viên chức, không riêng gì giáo viên đang đặc biệt quan tâm đến sự chuyển động của các cơ quan quản lý nhà nước, nơi xây dựng, ban hành hàng loạt chính sách.
Gần như tuyệt đại đa số tán thành quan điểm bỏ các loại giấy phép con. Người nào làm việc ở vị trí nào thì phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn của vị trí đó bằng việc làm cụ thể. Còn duy trì chứng chỉ, các loại giấy phép con như lâu nay, không những chỉ dùng để đối phó, làm đẹp hồ sơ, điều nguy hiểm hơn, nó “góp phần” làm hư hỏng, thậm chí tha hoá đội ngũ.
Tạo ra sự chuyển biến (về chính sách) nêu trên, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của các cơ quan dân cử, ở đây là đại biểu Quốc hội. Một số quyết định của Bộ GD&ĐT về cải cách hành chính như giảm bớt các loại hồ sơ sổ sách, chứng chỉ không cần thiết, thủ tục phiền hà... chính là thực hiện lời hứa trong những lần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Không chỉ Bộ GD&ĐT, những chuyển biến về chính sách của các bộ, ngành khác như Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xuất phát từ những bất cập trong thực tế được đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri lên tiếng.
VIỆT ĐÔNG