Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần sớm có quyết định về chế độ phụ cấp thâm niên
Thứ bảy: 00:36 ngày 15/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng thông tin việc Sở Tài chính đề nghị Sở Nội vụ có ý kiến về việc xem xét chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên theo tinh thần của Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020).

Giáo viên hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 29.7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Theo thuyết minh của Sở, Luật Giáo dục năm 2019 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương Đảng, ghi rõ việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên và xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm.

Để thực hiện chế độ tiền lương mới đối với giáo viên, phải có một số điều kiện. Trước hết, phải có bảng lương mới theo vị trí việc làm, không còn sử dụng lương cơ sở và hệ số lương quy định tại Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ.

Tiếp theo, phải xây dựng được chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại, bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như sắp xếp lại các chế độ phụ cấp mới chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến của ban, ngành có liên quan.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2020. Cùng với đó, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng chưa thực hiện được, vì phải ưu tiên nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế.

Từ nội dung nêu trên, trên cơ sở tham khảo ý kiến của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở xin ý kiến của UBND tỉnh “xem xét cho chủ trương tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ”.

Kể từ ngày 1.7, khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực đến nay, việc có tiếp tục hay ngừng chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên đang khiến nhiều cơ quan quản lý, các tỉnh, thành phố và cả bộ, ngành ở Trung ương cũng lúng túng.

Sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, nhiều tỉnh, thành đã ngừng chi trả chế độ phụ cấp thâm niên. Tại Tây Ninh, đến nay, nhiều trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… cũng đã ngừng chi trả chế độ này. Do thiếu sự thống nhất trong cách thực hiện, triển khai, hiện nay giáo viên rất băn khoăn hai điều.

Một, có tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho đến khi có chế độ lương mới hay không? Hai, nếu ngừng thì tại sao nơi ngừng nơi không? Trên báo chí, mạng xã hội, các diễn đàn của giáo viên cũng đang bàn tán xôn xao về chế độ phụ cấp này.

Những địa phương đã ngừng chi trả phụ cấp thâm niên lập luận rằng, họ làm theo đúng quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Nếu vẫn tiếp tục chi trả chế độ phụ cấp thâm niên thì sau này sẽ  khó khăn trong việc truy thu.

Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, “vẫn có thể tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên đối với giáo viên” vì từ tháng 9.2018, Văn phòng Chính phủ có ban hành một văn bản về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng.

Văn bản có đoạn: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Căn cứ nội dung vừa trích dẫn, Bộ GD&ĐT bày tỏ ý kiến rằng vẫn tiếp tục chi trả chế độ phụ cấp thâm niên. Nhưng mặt khác, Bộ cũng có văn bản tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính về chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Bộ Tài chính “hiến kế” cho Bộ GD&ĐT bằng cách tham mưu Chính phủ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét chưa áp dụng Điều 76, 77 trong Luật Giáo dục năm 2019. 

Nếu tạm dừng áp dụng hai điều luật kể trên, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa thấy thông tin nào mới liên quan đến việc có tạm thời chưa áp dụng hai điều 76, 77 trong Luật Giáo dục năm 2019 hay không.

Cũng cần lưu ý rằng, văn bản của Văn phòng Chính phủ triển khai Nghị quyết 27 ra đời từ năm 2018, thời điểm này Luật Giáo dục năm 2019 chưa có hiệu lực. Do đó, về mặt pháp lý cũng như  logic, văn bản của Văn phòng Chính phủ không thể thay thế được Luật Giáo dục năm 2019.

Cũng cần nói thêm, để triển khai áp dụng Luật Giáo dục năm 2019, ngày 17.7.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật này. Tuy nhiên, Nghị định 84 chỉ quy định một số nội dung, nguyên văn như sau: “Thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên”. Như vậy, Nghị định 84 không đề cập đến các nội dung khác liên quan chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh.

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được thực hiện theo Nghị định 54 năm 2011. Điều 3 của Nghị định 54 ghi: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”. Cần lưu ý, cho đến thời điểm này, Nghị định 54 vẫn còn hiệu lực.

Từ tình hình thực tế nêu trên, các bộ, ban, ngành có liên quan ở Trung ương và địa phương cần sớm có quyết định về việc có tiếp tục duy trì hay ngừng thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên theo Luật Giáo dục năm 2019  để giáo viên được biết.

Tại thời điểm này, giáo viên ở một số địa phương chưa có lương tháng 8 (thông thường có từ đầu tháng) bởi vì cơ quan quản lý đang phân vân, bối rối không biết có nên chi trả khoản phụ cấp thâm niên đối với giáo viên hay không.

Việt Đông

Tin liên quan