Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phòng, chống dịch Covid-19 ở bệnh viện:
Cần sự chia sẻ, đồng lòng từ người thân bệnh nhân
Thứ sáu: 23:37 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Có một số người nghĩ đã hết dịch nên không chấp hành quy định, 3 đến 4 người cùng vô thăm một bệnh nhân. Khi bị nhân viên yêu cầu ra ngoài thì có người quay sang to tiếng, hăm doạ, đập bàn, đập ghế”.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào bệnh viện.

Sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, một số người dân không nắm rõ thông tin, quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của bệnh viện nên còn chưa chấp hành đúng quy định. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian qua đã ghi nhận một số trường hợp người nhà bệnh nhân phản ứng thái quá, cự cãi to tiếng, hăm doạ nhân viên khi bị yêu cầu ra ngoài theo quy định.

Một bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Có một số người nghĩ đã hết dịch nên không chấp hành quy định, 3 đến 4 người cùng vô thăm một bệnh nhân. Khi bị nhân viên yêu cầu ra ngoài thì có người quay sang to tiếng, hăm doạ, đập bàn, đập ghế”.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện thời điểm này tăng so với thời gian thực hiện cách ly xã hội. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Số bệnh nhân đăng ký điều trị nội trú cũng tăng lên, đạt 550 giường/ngày. Tính cả số lượng bệnh nhân, người nhà nuôi bệnh và nhân viên y tế, trung bình mỗi ngày ở bệnh viện có 2.500 người.

Song song việc tổ chức khám, chữa bệnh, bệnh viện tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bởi vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu và Việt Nam chưa công bố hết dịch. Quy trình kiểm soát người ra vào bệnh viện được thực hiện rất chặt chẽ từ các cổng, cửa phòng trong bệnh viện. Hệ thống loa truyền thanh của bệnh viện liên tục phát thông báo nội quy để người dân biết và thực hiện.

Nội quy của Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi rõ: tất cả người dân khi đến bệnh viện phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay và mang khẩu trang; dừng việc thăm người bệnh, mỗi người bệnh chỉ có một người chăm nuôi.

Bệnh viện cũng khuyến cáo người dân không trò chuyện, tiếp xúc, ăn uống đông người, không đi lại giữa các khoa, ra vào bệnh viện nhiều lần và chỉ đến bệnh viện để khám, chữa bệnh hoặc có công tác cần thiết; hạn chế người trên 60 tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai. Các trường hợp không có phiếu sàng lọc y tế, giấy nuôi bệnh hoặc không có mục đích cụ thể sẽ được mời ra khỏi bệnh viện.

Bác sĩ Liêu Chí Hùng- Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Chúng tôi rất mong bà con hiểu, thông cảm cho bệnh viện. Bà con nên thăm bệnh trong thời điểm, điều kiện thuận lợi hơn. Việc ra vào bệnh viện - môi trường tập trung đông người, tiềm ẩn mầm bệnh, khoảng cách giao tiếp nhiều khi không bảo đảm được như quy định phòng, chống dịch, sẽ không an toàn cho bà con.

Trong khi đó, từ thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy các biện pháp sàng lọc, giãn cách xã hội, khai báo y tế rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh, khoanh vùng, dập dịch. Nếu lơi lỏng trong giai đoạn này là rất nguy hiểm”.

Việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đúng với tinh thần Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Tuy nhiên, ghi nhận ở chiều ngược lại, một số người dân cũng phản ánh về thái độ của nhân viên y tế trực làm nhiệm vụ sàng lọc, khai báo y tế ở cổng bệnh viện có lúc chưa ân cần, gây khó chịu cho họ, vẫn còn tình trạng ưu tiên cho người thân quen.

Dẫu biết rằng áp lực công việc của nhân viên bệnh viện rất lớn, nhưng mỗi nhân viên có thái độ phục vụ ân cần, kiên trì giải thích sẽ giúp người dân hiểu, chấp hành tốt hơn chủ trương chung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục