Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều năm qua, tình trạng người dân tự thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không thông qua các cấp chính quyền địa phương diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Nhiều diện tích đất được “sang tay” nhiều đời chủ, quá trình sử dụng có chia tách, nhập thửa, khó xác định được ranh giới giữa chủ này với chủ kia. Trong khi đó, quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây, do một số yếu tố về chuyên môn nên dẫn đến tình trạng nhiều thửa đất bị cấp nhầm vị trí, chồng lấn ranh giới khiến việc sử dụng giấy CNQSDĐ của người dân phát sinh nhiều bất cập.
Phần đất của ông Trương Văn Nguy được xác định chồng lấn ranh đất với hộ bà Nguyễn Thị Hạnh dù trên thực tế đã cấm trụ ranh giữa hai gia đình.
Sau nhiều năm sinh sống trên mảnh đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ rất lâu, khi thực hiện thủ tục hành chính tại UBND xã, ông Trương Văn Nguy (ngụ ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) bất ngờ khi được cán bộ địa chính xã cho biết, diện tích đất gia đình đang sử dụng có một phần trùng lấp với hộ bà Nguyễn Thị Hạnh (hàng xóm, giáp ranh đất với gia đình). Tuy vậy, ông Nguy không mấy lo lắng vì tình trạng giấy CNQSDĐ chồng lấn ranh đất không chỉ có một mình ông mà tất cả những hộ gần nhà ông đều tương tự.
Theo ông Nguy, mảnh đất này do ông mua lại từ hộ bà Hạnh vào năm 2003, đến năm 2015, ông mới đi đăng ký quyền sử dụng đất tại UBND xã. Khi biết phần đất của mình có ranh đất chồng lấn với hộ bà Hạnh, ông đã trao đổi với hàng xóm để mượn “giấy đỏ” đi điều chỉnh. Hiện ông đang chờ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Biên cấp giấy mới.
Điều mà ông Nguy hết sức băn khoăn là, quá trình điều chỉnh và cấp “giấy đỏ” quá lâu. Ông nộp hồ sơ từ tháng 2.2020 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khoảng thời gian này, nếu gia đình có việc cần sử dụng giấy CNQSDĐ, như phải thế chấp vay ngân hàng hoặc xảy ra tranh chấp, gia đình ông biết lấy gì để thực hiện quyền của mình.
Một hộ dân ngụ cùng ấp Thạnh Tây cho hay, vài chục năm nay, người dân tại đây quen với việc mua bán đất bằng thoả thuận miệng, cao lắm cũng chỉ có giấy viết tay, hai bên ký tên. Việc xác định vị trí, ranh giới đất chủ yếu là chỉ đâu, lấy đó.
Một mảnh đất được chia nhỏ, bán cho nhiều người không thông qua chính quyền địa phương nên khi đi làm “giấy đỏ”, nảy sinh tình trạng chồng lấn ranh giới. “Thật ra thì đất ai người ấy đều biết cả, chỉ có điều khi thể hiện trên giấy thì trùng thửa, chồng lấn ranh, lộn thửa. Việc này chẳng ảnh hưởng gì đến quá trình sử dụng đất của mỗi người.
Thế nhưng, nếu người dân có nhu cầu thế chấp vay vốn ngân hàng thì sẽ gặp rắc rối hoặc trong trường hợp tài sản bị phát mãi, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có ranh giới bị chồng lấn”.
Ông Trần Trọng Nhân- cán bộ Địa chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường xã Thạnh Tây cho biết, đến nay, chính quyền xã xác định có khoảng 6 trường hợp có giấy CNQSDĐ bị cấp lộn thửa, chồng lấn ranh giới giữa các hộ sử dụng đất. UBND xã đang tiến hành đo đạc và bổ sung hồ sơ trình Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện điều chỉnh.
Theo ông Nhân, tình trạng này có thể còn nhiều, những trường hợp phát hiện là do các hộ dân có việc mang “giấy đỏ” đến UBND xã đối chiếu mới biết được. Ông Nhân cho biết thêm, việc phát hiện điều chỉnh giấy CNQSDĐ của người dân không khó vì dữ liệu bản đồ được cập nhật trên máy tính. Khó là ở chỗ, việc điều chỉnh cần sự hợp tác của các hộ giáp ranh với hộ bị chồng lấn. Ngoài ra, một số hộ đang thế chấp “giấy đỏ” cho ngân hàng để vay vốn, nên không thể điều chỉnh được.
Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tây cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp “giấy đỏ” lộn thửa, chồng lấn ranh giới, trong đó có một phần do yếu tố “lịch sử để lại” cùng với trình độ nghiệp vụ cán bộ các thời kỳ trước còn yếu, chưa có điều kiện tiếp cận với hệ thống quản lý đất đai số hoá như hiện nay.
Việc này, UBND xã cũng đã có ý kiến với Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Biên. Bên cạnh đó, xã đang thực hiện việc đo đạc chính quy tất cả diện tích đất tại địa phương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Đây sẽ là bước tiến giúp địa phương thống kê lại toàn bộ diện tích đất trên địa bàn. Đồng thời, giúp điều chỉnh tất cả các trường hợp cấp nhầm thửa, chồng lấn ranh giới giữa các hộ sử dụng đất.
Bà Đặng Tuyết Mai- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, tháng 10.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn thực hiện xử lý việc cấp giấy chứng nhận trùng thửa, lộn thửa, sai vị trí đất để giúp các Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn cho người dân. Nhờ hướng dẫn này, rất nhiều trường hợp đã được điều chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, để điều chỉnh những sai sót do “lịch sử để lại” không chỉ có sự quan tâm của cơ quan chức năng mà cần phải có sự hợp tác của người dân. Đã có nhiều trường hợp người dân không hiểu được quyền lợi của mình, khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp giấy CNQSDĐ, họ lại không hợp tác, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh đất của những hộ còn lại.
Hiện nay, Tân Biên đang triển khai đo đạc lại bản đồ sử dụng đất chính quy trên toàn huyện, Sau khi hoàn thành, sẽ tiến hành cấp đổi đồng loạt giấy CNQSDĐ cho người dân toàn huyện. Khi đó, tình trạng đất bị trùng thửa, lộn thửa, sai vị trí sẽ được cơ bản giải quyết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1993 đến 2000, việc đăng ký cấp giấy lần đầu trên địa bàn huyện được tiến hành đại trà, cán bộ phụ trách là những người công tác tại ấp nên thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thêm vào đó, bản đồ 299 phục vụ cấp giấy đất là không ảnh, tỷ lệ nhỏ, địa hình, địa vật không rõ ràng rất khó xác định vị trí đất. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cán bộ kê khai đăng ký sai vị trí thửa đất cho người dân, dẫn đến việc cấp giấy CNQSDĐ sai vị trí, trùng thửa đất của người khác trên thực địa.
Ở những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều người nơi khác đến xâm canh rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy tay” qua nhiều chủ mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước dẫn đến việc hồ sơ địa chính là người này đăng ký nhưng người khác sử dụng.
Có 4 hệ thống bản đồ phục vụ công tác cấp giấy gồm: bản đồ lập theo Chỉ thị 299 (BĐ 299); bản đồ lập theo Chỉ thị 10 (BĐ CT10); bản đồ đo lưới 2000 (BĐ 2000) và bản đồ đo lưới toạ độ chính quy năm 2010 (BĐ 2010). Do sử dụng nhiều hệ thống bản đồ để cấp giấy nhưng không có điều kiện về trang thiết bị kiểm tra (áp bản đồ) nên trước đây có một số trường hợp, một thửa đất cấp nhiều giấy chứng nhận.
MINH DƯƠNG - THẾ NHÂN