Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây khóm:
Cần sự liên kết chặt chẽ
Thứ hai: 22:35 ngày 07/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, cây khóm được chọn nhằm tăng thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nông dân tham quan mô hình trồng khóm của ông Dương Văn Thanh, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu.

Ông Dương Văn Thanh- chủ vườn khóm 35 ha tại xã Tiên Thuận (Bến Cầu) cho biết, cây khóm trồng từ 12-15 tháng thì cho trái. Mỗi ha khóm có chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng, dự kiến cho năng suất từ 20-25 tấn. Với giá bán khoảng 6.000 đồng/kg, ước tính mỗi năm 1 ha khóm cho thu nhập thấp nhất 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

Theo một cán bộ huyện Bến Cầu, thời gian gần đây, cây khóm được đánh giá mang lại lợi nhuận cao so với các cây trồng truyền thống trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, để người dân yên tâm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây khóm, hướng đến phát triển vùng nguyên liệu, huyện đề nghị nhà máy thu mua sản phẩm phải có chính sách thu mua với giá ổn định, có hợp đồng rõ ràng, tránh tình trạng “bỏ rơi” nông dân.

Ông Ðinh Hùng Dũng- Phó Giám đốc Công ty CP Lavifood cho biết, công ty đang xây dựng nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu. Nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất, đông lạnh, cô đặc; để chế biến các loại nước ép, sấy khô, sấy dẻo...

Hiện nay, 3 sản phẩm chủ lực của nhà máy sử dụng các nguyên liệu chính là xoài, chanh dây và khóm. Công ty cũng đã ký 1 hợp đồng trồng khóm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với diện tích 35 ha.

Nông dân muốn trồng khóm nên liên hệ với các trạm Khuyến nông huyện, đăng ký diện tích dự kiến trồng để các trạm thống kê gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên số liệu diện tích đăng ký, nhà máy sẽ nghiên cứu, làm việc với cơ quan chuyên môn để có kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ với người trồng. Ông Dũng cho biết thêm, hiện nhà máy đang cần một lượng khá lớn nguyên liệu xoài cát chu, xoài keo và xoài Úc nên công ty của ông cũng định hướng cho dân trồng xoài.

Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là chuyển đổi những cây trồng truyền thống có giá trị thấp như lúa, mía, mì sang những cây trồng có hiệu quả, trong đó có cây khóm.

Ðến tháng 9.2018, nhà máy Tanifood huyện Gò Dầu sẽ đi vào hoạt động. Ðể có nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất, ngành Nông nghiệp đang định hướng phát triển vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ cao. Nhà máy cũng phải có chính sách thu mua hợp lý để gắn bó lâu dài với người dân.

Cần lưu ý tránh trường hợp cung- cầu không cân đối, nông dân trồng khóm hoặc các loại cây khác như chanh dây và cây có múi không nên trồng tự phát mà phải có sự liên kết chặt chẽ với cơ quan chuyên môn.

Công suất chế biến của nhà máy thuộc Công ty Lavifood hiện là 250 tấn nguyên liệu/ngày, gồm chanh dây và khóm. Do đó, nếu người dân ồ ạt trồng khóm với diện tích “không kiểm soát được” sẽ dẫn tới nguy cơ không bán được nguyên liệu.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng thông báo, nông dân có nhu cầu cần liên lạc với Trung tâm Khuyến nông hoặc trạm Khuyến nông các huyện để được giới thiệu những loại giống có nguồn gốc, chất lượng bảo đảm với giá cả hợp lý.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức liên kết sản xuất, gồm liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hoá; liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua, tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ðồng thời, tỉnh sẽ hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất, tiêu thụ một loại nông sản để nông dân mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục