Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
Cần tăng cường giáo dục, nâng cao “sức đề kháng” cho lớp trẻ
Thứ hai: 15:03 ngày 22/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chào ông bạn làm báo. Tuần này đã bước sang hạ tuần tháng Tư rồi, chắc là ông lại chuẩn bị viết về đề tài kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chứ gì?!

-Vâng, Bàn Dân cũng như mọi con dân nước Việt, làm sao không cảm thấy bồi hồi xúc động khi nghĩ đến ngày lịch sử 30 tháng Tư, ngày chiến thắng cuối cùng quét sạch ngoại bang xâm lược, giành lấy độc lập tự do thực sự cho đất nước, cho dân tộc mình. Còn ông, ông đang nghĩ gì mà vừa dò hỏi chuyện, vừa quẹt quẹt rà rà trên màn hình cảm ứng điện thoại cầm tay suốt vậy? Có cái gì trong đó liên quan đến chuyện ông gặng hỏi Bàn Dân hay sao?

-Ðúng là tôi có chút băn khoăn khi thấy trên mạng có rất nhiều bài viết, đoạn phim nói về ngày 30 tháng Tư đủ mọi chiều hướng…

-Như vậy chắc chắn nỗi băn khoăn của ông là về cái chiều…đi ngược lại ý nghĩa lịch sử của ngày Ðại thắng mùa xuân 1975 chứ gì?

-Phải đó. Tôi băn khoăn lo ngại về chuyện đại đa số người thường xuyên truy cập internet, tham gia các mạng xã hội là lớp người trẻ, sinh sau ngày 30.4.1975, hiểu biết không đầy đủ ý nghĩa về ngày lịch sử ấy. Trong khi trên mạng thì đầy dẫy những nội dung xuyên tạc, gọi đó là “ngày quốc hận”, ngày dân Việt mất tự do, dân chủ, nhân quyền gì đủ thứ hết… Như vậy một bộ phận giới trẻ chưa đủ hiểu biết về lịch sử, về nhận thức chính trị làm sao phân biệt được đúng sai, có phải là dễ bị bọn xấu kích động, lôi cuốn hay sao?

-Ông lo lắng chuyện ấy cũng có phần đúng, nhưng Bàn Dân nghĩ tình hình chắc không đến nỗi bi quan, “đáng sợ” như ông nói đâu. Mọi thứ luận điệu xuyên tạc lịch sử của bọn phản động lưu vong không còn lừa phỉnh, gạt gẫm được ai nữa đâu, cho dù đó là những người trẻ sinh sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất…

-Không lo sao được ông, chiến tranh đã đi vào quá khứ, đã lùi xa quá rồi, còn cuộc sống hiện tại của một bộ phận không nhỏ giới trẻ thì có quá nhiều cám dỗ từ những tiện nghi hiện đại, nhất là những cái bị xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng trong “thế giới ảo”. Chúng làm sao đủ sức đề kháng trước những âm mưu kích động, phá hoại từ xa ấy được?!

-Bàn Dân không phủ nhận những nguy cơ có thật như ông nói. Nhưng ông cứ yên tâm, đừng quá lo xa đến thế. Dù sao lớp trẻ cũng không đến nỗi “u mê ám chướng” đến mức “buông mình” chạy theo “ảo ảnh” trên mạng đâu. Trong khi cả đất nước, toàn xã hội đều hết sức quan tâm đến việc chăm lo cho thế hệ trẻ. Tuyệt đại đa số các gia đình luôn gần gũi, hướng dẫn, dạy dỗ con em, chứ đâu phải hoàn toàn buông lỏng, bỏ mặc chúng bơ vơ, lăn lóc đâu. Và chính cuộc sống thực tế đã phản biện những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, mà Bàn Dân tin rằng lớp trẻ đủ khả năng nhận biết, phân biệt được.

-Nhưng mà tôi vẫn cảm thấy việc giáo dục chính trị, giáo dục công dân cho thế hệ trẻ hôm nay có vẻ như… chưa đến nơi đến chốn ông ạ.

-Ðiều ông quan tâm cũng có thể đúng, tuỳ… từng lúc, từng nơi. Nhưng Bàn Dân nghĩ nếu như ông thấy được điều đó, thì chắc những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ cũng thấy được điều đó, và chắc chắn sẽ có cách khắc phục, đẩy mạnh nó lên thôi ông ạ.

BÀN DÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh