Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành nhiều quyết định cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất độc hại trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, thực trạng thuốc BVTV bị cấm nhưng vẫn được bày bán, sử dụng tràn lan.
Nông dân huyện Châu Thành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa (ảnh minh hoạ)
Cung - cầu gặp nhau
Từ năm 2017 đến nay, Bộ NN&PTNT đã rà soát và loại ra khỏi danh mục thuốc BVTV đối với 14 hoạt chất thuốc BVTV, 1.706 tên thương phẩm và 1.265 hàm lượng hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Ðây là các loại thuốc BVTV có nguy cơ cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường. Trong đó có một số hoạt chất độc hại thường được sử dụng trong nông nghiệp như 2,4D, Paraquat, Glyphosate... Tuy nhiên, hiện nay các hoạt chất này vẫn được các cửa hàng bày bán và người dân thì vẫn vô tư sử dụng.
Theo lộ trình, ngày 8.2.2019 hoạt chất 2,4D và Paraquat bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Ðây là 2 hoạt chất 2,4D thường dùng để diệt cỏ chét, cỏ lác; còn Paraquat diệt cỏ trên cạn, trên đồi. Sau hơn 2 năm hoạt chất này bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV thì việc mua bán các loại thuốc này trên thị trường vẫn còn tồn tại.
Ðầu tháng 7, tại một cửa hàng thuốc BVTV huyện Dương Minh Châu, khi hỏi mua thuốc cỏ cháy, chúng tôi được người bán giới thiệu một chai thuốc có chứa hoạt chất Paraquat và quảng cáo “thuốc này xịt tới đâu cỏ chết tới đó”.
Theo ông Nguyễn Tiến Nam, nông dân tại xã Phước Minh, việc mua bán thuốc cỏ cháy - Paraquat vẫn khá dễ dàng, có cung ắt sẽ có cầu và ngược lại, nhưng đại lý cảnh giác hơn khi bán cho người dân và giá cao hơn trước. Ðến nay, thuốc cỏ cháy đã tăng giá gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện chưa có bất cứ loại thuốc BVTV nào có thể diệt cỏ hiệu quả như 2,4D và Paraquat nên nông dân vẫn dùng.
Từ ngày 13.2.2021, hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil là 2 hoạt chất được dùng trong nông nghiệp để trừ sâu, hoạt chất Glyphosate dùng để diệt cỏ đã chính thức bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có người dùng thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl để diệt mối. Anh Lý Văn, ngụ huyện Châu Thành cho biết, đây là loại thuốc hiệu quả nhất dùng để diệt mối nên dù có độc hại thì anh vẫn mua sử dụng.
Một chai thuốc BVTV chứa hoạt chất Paraquat.
Việc mua bán hoạt chất bị cấm này không chỉ ở các đại lý, cửa hàng lớn mà còn diễn ra ở một số cửa hàng tạp hoá nhỏ. Một người dân trồng rau tại xã Thái Bình (xin phép được giấu tên) cho biết, sau khi có thông tin hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl bị cấm sử dụng, lo ngại không có thuốc và giá tăng nên chị mua đến 20 chai để dự trữ và chia cho một số người quen khi cần.
Chị này cho biết: “Loại thuốc này bị cấm vì độc hại nhưng diệt cỏ rất tốt, phun buổi sáng thì buổi trưa cỏ chết liền, giá lại rẻ nên tôi vẫn sử dụng. Ðầu năm tôi mua một lúc 20 chai, đến nay chỉ còn hơn 5 chai thôi”.
Thuốc BVTV là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nó góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, việc mua bán, sử dụng thuốc BVTV đã bị loại khỏi danh mục được phép sử dụng sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cộng đồng và môi trường.
Khó xử lý
Mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ, trừ sâu có chứa các hoạt chất 2,4D, Paraquat, Chlorpyrifos Ethyl… đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có khả năng gây một số bệnh cho con người, làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí tử vong mà không có thuốc giải độc…
Thời gian qua, ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cũng như nhắc nhở người dân và đại lý không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV chứa các hoạt chất này. Mặc dù vậy, nhiều đại lý vẫn bày bán và người dân vẫn vô tư mua về sử dụng.
Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở đã thực hiện 10 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Theo đó, trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đã thực hiện 5 cuộc kiểm tra tại 1 công ty sản xuất và 64 cơ sở kinh doanh; lấy 140 mẫu phân bón, thuốc BVTV và 5 mẫu giống cây trồng gửi phân tích kiểm nghiệm chất lượng; xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp vi phạm về kinh doanh các sản phẩm ngoài danh mục cho phép sử dụng, với tổng số tiền 31.750.000 đồng.
Chai thuốc BVTV chứa hoạt chất bị cấm Chlorpyrifos Ethyl được dùng để trị sâu.
Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp- nhất là phân bón, thuốc BVTV và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thanh tra kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ hầu hết các đại lý thường không để thuốc BVTV chứa hoạt chất cấm bên ngoài hay trong kho hàng mà cất giấu trong nhà ở những vị trí khó phát hiện. Ðối với người sử dụng thuốc BVTV cấm cũng rất khó phát hiện và xử lý.
Ðể hạn chế việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV bị cấm, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc quản lý kinh doanh thuốc BVTV; tăng cường giám sát và vận động nhân dân không sử dụng thuốc BVTV bị cấm; phát hiện, tố giác các hành vi cấm trong kinh doanh thuốc BVTV.
Túc Ðồng