Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cận Tết, lo ATM hết tiền, giao dịch online nghẽn
Thứ bảy: 08:47 ngày 21/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày này, nhu cầu rút tiền tại các máy ATM và giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng tăng vọt.

Những ngày này, nhu cầu rút tiền tại các máy ATM và giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng tăng vọt. Năm nay, nhờ chuẩn bị kỹ nên hệ thống ATM chưa có biến động bất thường (như máy hết tiền, nuốt thẻ...). Tuy nhiên, giao dịch online có dấu hiệu bị quá tải tại nhiều ngân hàng khi tiền được chuyển với tốc độ “rùa bò”, thậm chí đi rồi còn quay trở lại.

Người dân Hà Nội rút tiền từ cây ATM dịp cuối năm. Ảnh: Như Ý

Giao dịch online - Tiền đi rồi tiền lại về

Đầu tuần này, vừa nhận được tiền thưởng Tết âm lịch, anh Cung đang công tác tại một doanh nghiệp lớn rất phấn khởi, bèn thực hiện giao dịch online chuyển ngay khoản thưởng Tết 50 triệu đồng từ tài khoản của anh tại Vietinbank sang một ngân hàng cổ phần cho bà xã. Thực hiện giao dịch online xong, anh phấn khởi báo ngay cho vợ.

 Tuy nhiên, chị Trà vợ anh không khỏi bối rối khi chờ qua hết một ngày sang đến trưa ngày thứ hai, tài khoản của chị vẫn chưa nhận được. Sốt ruột, cuối chiều, chị Trà phải nhờ người quen hỏi hộ. Sau vài lần điện thoại đi lại qua cả ngân hàng nơi tài khoản đi lẫn đến, thậm chí cho “check” (kiểm tra) qua hệ thống thanh toán chung mới biết tiền không đến được nơi là do tài khoản bên ngân hàng kia timeout nên đã quay về. Đến cuối giờ chiều ngày thứ ba, tiền mới quay lại tài khoản của anh Cung.

Cũng một tài khoản từ một ngân hàng khác chạy đến Vietcombank do bà chị tận trên Cao Bằng chuyển tiền 20 triệu cho cô em gái tên Dịu dưới Hà Nội. Sốt ruột khi sang đến chiều ngày thứ hai mà tiền vẫn chưa thấy có trong tài khoản Vietcombank, cô em gái cứ phải liên tục í ới chị kiểm tra. Cuối cùng thì thấy tiền đi sau hai ngày báo trừ đã quay trở lại tài khoản xuất phát của bà chị. “Bực mình, chị em bảo thôi để tao rút tiền mặt rồi chuyển qua xe xuống cho mày còn nhanh hơn”, Dịu kể.  

Sáng 20/1, chị Lê Nhung (Ba Đình, Hà Nội) ra cây ATM trên đường Điện Biên Phủ, cạnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự rút tiền. Với dự định rút 10 triệu đồng, chị chọn ATM Techcombank - nơi mở tài khoản. Tuy nhiên, hai máy ATM đều đóng cửa và có dán tờ thông báo ghi “ATM tạm ngừng hoạt động, mong quý khách thông cảm”. Sau này hỏi ra mới biết, hai cây ATM này dừng hoạt động vì lý do kỹ thuật.

Cùng ngày, tại cây ATM của Ngân hàng BIDV trên đường Cát Linh (Hà Nội), khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt. Một trong 2 cây ATM đang gặp sự cố, nhân viên ngân hàng đang kiểm tra, sửa chữa. Trò chuyện, một nhân viên bảo vệ cho biết đúng là hơn một tuần trở lại đây khách hàng rút tiền nhiều. Một ngày trước ATM hỏng, nên nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra gấp.

Rốt ráo lo ATM

“Dịp sát Tết, nỗi khổ của việc tiếp quỹ ATM là giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với lượng người lưu thông đột biến khiến việc tiếp quỹ, đưa tiền tới các máy ATM vô cùng vất vả, chậm trễ, gián đoạn”.

 

                Phó Thống đốc 

Đào Minh Tú

Lo sợ khi rút tiền từ ATM như năm trước, chị Bùi Khuyên, nhân viên Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) muốn tranh thủ rút tiền từ sớm. Tuy nhiên, phải mất mấy ngày liền cứ đến giờ tan ca, chị  lại ra xếp hàng ở cây ATM trước cổng khu công nghiệp chờ. “Do sát Tết công ty mới chuyển tiền thưởng vì sợ chuyển sớm, công nhân bỏ việc về quê nên cả tuần nay, ngày nào công nhân cũng phải xếp hàng ở ATM để rút lương. Không ít trường hợp đến lượt mình thì ATM hết tiền”, chị Khuyên phàn nàn.

Tại TPHCM, hiện có hơn 4.214 máy ATM, riêng tại các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp (KCX-KCN) có 194 máy của 10 ngân hàng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó GĐ NHNN chi nhánh TPHCM, từ đầu tháng 1, NHNN đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn TP phải có kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền mặt cho khách hàng, tăng cường đưa những loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông…

“Nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt cho các máy ATM trong dịp Tết, NHNN chi nhánh TPHCM đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thành lập các ban, tổ xử lý sự cố xảy ra về kỹ thuật; thành lập tổ tiếp quỹ kịp thời khi máy ATM hết tiền và bảo đảm hoạt động 24/24. Tuyệt đối không để máy ATM ngưng hoạt động do thiếu tiền. Đối với các doanh nghiệp trong KCX-KCN (Hepza), NHNN đã làm việc với Ban quản lý Hepza, có biện pháp chi viện bằng cách cử nhân viên ngân hàng đến tận nơi để chi trả tiền mặt cho những khu vực, đơn vị tập trung số lượng lớn công nhân, người lao động” – ông Minh nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Không ít doanh nghiệp vẫn muốn giữ chân người lao động bằng cách đến giáp Tết mới trả lương, thưởng. Trong khi hầu hết người lao động vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, nên ngay khi nhận lương, thưởng, họ sẽ tới các máy ATM để rút tiền. “Vào một thời điểm nào đó, lượng lớn người lao động đổ dồn ra ATM rút tiền và gây khó khăn cho hoạt động ATM là điều khó tránh khỏi”-  ông Tú nói.

 “Trực chiến” dịp tết

Một phó tổng giám đốc Vietcombank cho Tiền Phong hay: Từ 1 tháng nay, ngân hàng đã yêu cầu tất cả các chi nhánh tăng cường việc tổ chức trả lương thưởng trực tiếp qua bàn đặt tại nhà máy cho công nhân thay vì chỉ rót qua tài khoản. Đại diện Trung tâm thẻ Techcombank thì cho biết qua theo sát hệ thống 1.256 máy ATM của ngân hàng, đến giờ này tình hình có vẻ ổn hơn những năm trước. “Hệ thống trực tiếp quỹ của chúng tôi cũng hoạt động một cách tích cực nhất”, vị này nói.

Cận Tết, lo ATM hết tiền, giao dịch online nghẽn ảnh 1

Tại TPHCM, Trung tâm thẻ Sacombank đang tăng cường tiếp quỹ ATM ngoài giờ và cả ngày nghỉ. Với thời gian cao điểm Tết, đơn vị này có kế hoạch tiếp quỹ 3 lần/ngày, tại những KCX-KCN phải tiếp quỹ 6 - 7 lần/ngày. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, chúng tôi thống nhất với các doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng một lúc tại các điểm máy ATM, dẫn đến quá tải” - giám đốc một ngân hàng tại TPHCM nói.

Để giải quyết nhanh sự cố máy ATM, các ngân hàng như Vietcombank,Techcombank, ACB, Vietinbank... đã bố trí nhân viên trực đường dây nóng 24/24 giờ nhằm xử lý sự cố. Đại diện Vietinbank cho biết: Nhờ có hệ thống cảnh báo tình hình tồn quỹ nên qua điện thoại cán bộ phụ trách tại từng chi nhánh luôn kịp thời tiếp quỹ và xử lý sự cố. Tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, Vietinbank cũng dự phòng nhiều biện pháp ứng phó kịp thời khi các ATM bị quá tải như: sử dụng ATM lưu động, có nhân viên hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt...

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tính đến thời điểm này là hơn 106 triệu thẻ. Tính đến năm 2016, toàn thị trường đã có hơn 16,5 nghìn máy ATM và hơn 217 nghìn máy POS. Tuy nhiên, hiện vẫn có đến gần 90% số giao dịch của các chủ thẻ là rút tiền mặt. Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu rút tiền để chi tiêu càng lớn. Dự kiến, những ngày cận Tết, lượng giao dịch đạt khoảng 250-300 giao dịch/máy/ngày (tăng khoảng 40% so ngày thường), tương ứng lượng tiền giao dịch khoảng 250-300 triệu đồng/máy/ngày.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục