Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tràn lan các quảng cáo với nội dung hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Các đối tượng xấu đóng vai luật sư, nhân viên tư vấn pháp lý cung cấp dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa nhưng thực chất là để đưa nạn nhân “vào tròng” thêm một lần nữa.
Thông báo được tạo ra bởi đối tượng lừa đảo.
Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, đối tượng đăng bài quảng cáo trên các trang, hội nhóm Facebook với lời giới thiệu hấp dẫn như chuyên xử lý các vấn đề bị treo tiền trên sàn thương mại điện tử, chứng khoán, ứng dụng như Shopee, Telegram, Lazada, Zalo, TikTok, sàn chứng khoán. Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, an toàn, uy tín, hiệu quả, bảo đảm 100% hoàn vốn kèm hình ảnh nạn nhân bị lừa tiền đã được hỗ trợ lấy lại tiền để dụ dỗ các nạn nhân khác.
Chị Y.N (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) cho biết, theo lời quảng cáo giúp lấy lại số tiền bị treo, bị lừa trên không gian mạng của một trang Facebook có tên “Thông tin thu hồi vốn nhanh chóng”, chị nhắn tin thì được hướng dẫn liên hệ với nhân viên tư vấn pháp lý của công ty để giải đáp, hỗ trợ về khoản thu hồi vốn. Người này tự xưng là luật sư tên L.M.T chuyên hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người dân đang bị treo tiền trên các nên tảng mạng xã hội. “Qua trao đổi, người tự xưng luật sư yêu cầu tôi cung cấp số tiền mình bị chiếm dụng trên sàn giao dịch, họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra hồ sơ trên hệ thống”- chị N nói.
Họ yêu cầu chị N đóng mức phí gần 1,4 triệu đồng để công ty tiếp nhận, xác minh và làm các giấy tờ thủ tục pháp lý với bên có liên quan. Số tiền này sau khi hoàn thành sẽ được hoàn trả, trong đó có luôn số tiền gốc đang treo. Công ty thu phí dịch vụ sau khi giải ngân là 3% trên tổng số tiền thực nhận. Để lấy lòng tin của chị N, đối tượng còn gửi thêm ảnh của nhiều nạn nhân bị lừa tiền đã được hỗ trợ lấy lại tiền.
Trong vai người muốn lấy lại số tiền hơn 25 triệu đồng đã chuyển khoản do làm nhiệm vụ trên Shopee, chúng tôi liên hệ với một tài khoản có tên "Kênh hỗ trợ thu hồi vốn treo" thì lập tức nhận được trả lời hướng dẫn trao đổi với nhân viên tư vấn tên Vũ Thị Thuỷ để cung cấp thông tin cho việc hỗ trợ thu hồi vốn. Nhắn tin với người tư vấn viên tên Thuỷ, chúng tôi được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân gồm họ và tên, số điện thoại, số tài khoản và tên ngân hàng, số tiền đã bị treo để kiểm tra đối chiếu hệ thống xem hồ sơ còn trên hệ thống không và đưa ra cách xử lý.
Mặc dù chúng tôi cung cấp một số thông tin không chính xác, đối tượng vẫn tiếp nhận và ngay sau đó gửi lại một thông báo từ hệ thống, yêu cầu xác nhận lại thông tin. Nội dung tin nhắn nêu rõ trường hợp của bạn do chưa hoàn thành quy trình làm việc nên hệ thống đã bảo lưu hồ sơ và chưa thể xác nhận xử lý tất toán; ngoài ra, do bạn làm việc qua trung gian môi giới hệ thống nên hồ sơ chưa hoàn thiện. “Muốn giải ngân số tiền trên, công ty yêu cầu bạn cần hoàn thành mã lệnh uỷ quyền để hệ thống xác nhận rút hồ sơ và xử lý giải ngân sau 5-10 phút. Số tiền “mã lệnh” được yêu cầu nộp là 1.250.000 đồng để hệ thống xác minh và xử lý hồ sơ tất toán. Sau khi giải ngân, hệ thống sẽ thu thêm 1% tổng số tiền thực nhận”- nhân viên tư vấn tên Thuỷ cho biết.
Để giải ngân số tiền, đối tượng yêu cầu chị Y. N hoàn thành mã lệnh uỷ quyền để hệ thống xác nhận rút hồ sơ.
Trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Văn bản số 460/LĐLSVN-GSHTLS ngày 16.11.2023 phản ánh về tình trạng mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Theo đó, gần đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều đơn thư phản ánh tình trạng có một số đối tượng đã mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, website... để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tải sản của công dân và các tổ chức. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dân, sử dụng các tài khoản giả mạo để chạy quảng cáo, giới thiệu dịch vụ pháp lý của công ty luật liên quan tới việc hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên các nền tảng mạng xã hội, đầu tư chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, số lượng vụ việc mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo trên các trang mạng xã hội đang có dấu hiệu gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và hình ảnh của đội ngũ luật sư trong xã hội. Các hành vi của các đối tượng nêu trên là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Sau khi xem xét, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp quản lý, ngăn chặn các thông tin giả mạo, sai sự thật được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và thông tin, cảnh báo rộng rãi tới người dân để biết và phòng tránh. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có các biện pháp xác minh, làm rõ, xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội.
Đối tượng gửi thẻ luật sư cho chị Y. N nhằm lấy lòng tin.
Phóng viên cung cấp thông tin không chính xác nhưng đối tượng vẫn tiếp nhận và gửi lại thông báo từ hệ thống yêu cầu.
Theo Cục An toàn thông tin, thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam (trong đó, có hình thức lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa), nhắm vào các nhóm đối tượng như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng.
Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Thiên Di