Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh mang lại những hiệu quả tích cực, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực, đời sống người dân từng bước được nâng cao; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thời gian tới.
Nhiều hiệu quả thiết thực
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Năm 2024 việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai doạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; cải thiện đời sống, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với mức sống trung bình của tỉnh.
Số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS năm 2024 còn 16/56 hộ so với năm 2021. Hệ thống giao thông ở vùng đồng bào DTTS cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35%-40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh triển khai thực hiện giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế đủ điều kiện được tham gia dự án, được hỗ trợ sinh kế, từ đó giúp họ có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đến nay, đã xây dựng và triển khai thực hiện 68 dự án, mô hình với 660 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án. Các đối tượng thụ hưởng được tham gia từ khâu xây dựng dự án đến tự chọn mua con giống, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu nên rất hài lòng với con giống, vật tư, trang thiết bị nhận được cũng như nội dung hỗ trợ của chương trình.
Các chính sách hỗ trợ đã giúp một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, giáo dục, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, bảo hiểm y tế, việc làm...
UBND huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện 42 dự án, mô hình cho 302 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án; tổ chức 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 620 người tham gia.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển KT-XH của địa phương. UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành nguồn lực chủ đạo cho xã về đích xây dựng nông thôn mới, đây là yếu tố thuận lợi cho tiến độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo UBND huyện Tân Châu, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia là “đòn bẩy” cho công tác giảm nghèo của huyện, do đó, ngay khi triển khai các chương trình, huyện đã lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn để thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời tháo gỡ, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình.
Khó khăn cần được tháo gỡ
Kết quả giải ngân 10 tháng đầu năm nguồn vốn sự nghiệp rất thấp (22,8% so với kế hoạch), đến hết năm 2024 giải ngân chỉ đạt 50,89% kế hoạch năm 2024, số vốn còn lại sẽ tiếp tục đề xuất Trung ương cho phép kéo dài sang năm 2025 và phấn đấu giải ngân hết vốn sự nghiệp trong năm 2025.
Giải ngân đến cuối năm 2024 đối với vốn sự nghiệp là 57,352 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch, trong đó NSTW giải ngân 54,835 tỷ đồng đạt 54,4% kế hoạch và ngân sách tỉnh giải ngân 2,517 tỷ dồng đạt 21,1 % kế hoạch.
Cụ thể, đối với Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình đã đầy đủ, bảo đảm để tỉnh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Công tác giải ngân của một số dự án vốn sự nghiệp còn chậm, tỉnh không chủ động được nguồn vốn sự nghiệp do Trung ương phân bổ nên mức vốn được giao chưa phù hợp khả năng thực hiện, giải ngân của địa phương. Ngoài ra, chưa có sự phối hợp, thông tin giữa các đơn vị, địa phương về các dự án đang thực hiện và các dự án chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.
Việc giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thấp do số đối tượng thụ hưởng chương trình rất ít. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, tỉnh Tây Ninh còn 2.083 hộ nghèo, hộ cận nghèo, phần lớn hộ nghèo thiếu lao động (hết tuổi lao động hoặc không khả năng lao dộng).
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai, vận động đến người dân tham gia học nghề nhưng đối tượng đăng ký học ít. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có người lao động hết tuổi lao động, có người còn trong tuổi lao động nhưng bệnh, khuyết tật nên không tham gia học nghề. Một số địa phương đã tổ chức khai giảng, số còn lại đang vận động đối tượng đăng ký học nghề nhưng chưa đủ số lượng để mở lớp đào tạo.
Đối với, chương trình nông thôn mới, tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Một số công trình hạ tầng chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp.
Ngoài ra, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo UBND tỉnh, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm 2025 và giai đoạn 2021-2025; chú trọng phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.
Mặt khác, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn theo quy định; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thế thao, dịch vụ y tế.
Nhi Trần