Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP:
Cần tháo gỡ những bất cập
Thứ hai: 19:19 ngày 17/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðến nay, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 dần đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp còn khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm hơn.

PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP LÀ GÌ?

Theo Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp (LLTP) là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của toà án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị toà án tuyên bố phá sản.

Phiếu lý lịch tư pháp là loại phiếu do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp cấp. Phiếu cung cấp thông tin có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị toà án tuyên bố phá sản.

Theo quy định, phiếu LLTP gồm 2 loại: phiếu LLTP số 1 và phiếu LLTP số 2. Phiếu số 1 là phiếu ghi các án tích chưa được xoá và không ghi các án tích đã được xoá. Phiếu số 1 cấp cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

Phiếu LLTP số 2 là phiếu ghi đầy đủ các án tích, cả án tích chưa được xoá lẫn án tích đã được xoá; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã… Phiếu số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; cấp cho cá nhân biết nội dung về LLTP của mình.

LO NGẠI PHIẾU SỐ 2 BỊ LẠM DỤNG

Khác với phiếu LLTP số 1 (không bị giới hạn bởi mục đích cấp phiếu), phiếu LLTP số 2 được cấp cho cá nhân bị giới hạn bởi mục đích cấp. Trong Luật Lý lịch tư pháp, phiếu số 2 được cấp để cá nhân biết cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đang quản lý những thông tin nào; không nhằm phục vụ yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp lý trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng. Ðại diện Sở Tư pháp cho hay, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài lạm dụng quy định, yêu cầu người dân cung cấp phiếu LLTT số 2 khi xin thị thực nhập cảnh hoặc làm thủ tục khác tại cơ quan đại diện.

Một số cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp cũng yêu cầu cá nhân nộp phiếu LLTP số 2 để xin giấy phép an ninh hàng không, chứng khoán, xin việc làm… Tình trạng này gây quá tải không cần thiết cho các cơ quan có trách nhiệm cấp phiếu, đẩy cái khó cho người dân. Theo thống kê, tính từ ngày 1.1 - 31.10.2018, Sở Tư pháp đã cấp 5.219 lượt hồ sơ, trong đó có hơn 1.500 lượt hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2.

“Việc lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 không chỉ gây khó khăn cho cá nhân khi tái hoà nhập cộng đồng, thậm chí mất cơ hội đi du học, xin việc làm, xuất cảnh, định cư ở nước ngoài...” - anh Khanh, ngụ huyện Châu Thành bày tỏ.

Ðại diện Sở Tư pháp cho biết, hiện tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Việc lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu LLTP số 2 ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự. Ngoài ra, vấn đề này còn gây ảnh hưởng đến chủ trương tái hoà nhập cộng đồng đối với người đã từng bị kết án, đặc biệt là người đã được xoá án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý.

Ðể giải quyết tình trạng lạm dụng phiếu LLTP số 2, Sở Tư pháp cho rằng, cần phải sửa đổi quy định của Luật Lý lịch tư pháp trong việc tiếp cận, sử dụng phiếu LLTP số 2. Theo đó, cần quy định chặt chẽ hơn về hình thức, đối tượng được quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

Thực hiện Quyết định số 19/QÐ-TTg ngày 8.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1418 ngày 8.6.2016 về kế hoạch triển khai đăng ký cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Việc cấp phiếu LLTP qua đường bưu điện giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực LLTP, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp phiếu.

“Phương thức cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính giúp hạn chế tình trạng quá tải, tiết kiệm thời gian, công sức cho cá nhân, tổ chức. Ðặc biệt là những trường hợp người Việt Nam đang học tập, công tác ở nước ngoài, tỉnh khác hoặc người không có điều kiện trực tiếp đến Sở Tư pháp làm thủ tục đề nghị cấp phiếu. Sau khi có phiếu mẫu, người dân sẽ kê khai tại nhà, gửi qua bưu điện; khi có kết quả, nhân viên Bưu điện sẽ trả phiếu về tận nhà”, chị N.T.H, ngụ huyện Hoà Thành cho biết.

Ðây là phương thức mới, nhiều người còn chưa quen. Hầu hết mọi người có tâm lý nộp và nhận kết quả trực tiếp cho “chắc ăn” nên số lượng người thực hiện theo phương thức này chưa nhiều. Ngoài ra, theo quy định, việc trả phiếu LLTP số 2 chỉ được giao tận tay cho người yêu cầu cấp phiếu, không được giao cho người uỷ quyền nhận.

Nhiều trường hợp, người yêu cầu cấp phiếu không ở nhà, nhân viên Bưu điện phải đi lại nhiều lần. Hay tình trạng người dân gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, nhưng có sai sót, phải chuyển lại. Ðây cũng là nguyên nhân, nhất là người dân sống khu vực xa trung tâm, chưa mặn mà với dịch vụ cấp phiếu LLTP qua hệ thống bưu chính.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục