Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025:
Cần thay đổi cách tiếp cận với tư duy mới
Thứ tư: 01:00 ngày 10/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Sáng 5.8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hội nghị còn được kết nối đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị triển khai khung cơ chế, chính sách và định hướng chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM và Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Đây là những nội dung trọng tâm, liên quan đến nhiều nội dung thành phần, cần có sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và được tập trung chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng của các tiêu chí NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 có 19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu; Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có 19 tiêu chí và 75 chỉ tiêu.

Riêng quy định về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Trung ương chỉ quy định khung đối với xã NTM kiểu mẫu, đồng thời phân cấp cho UBND cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương, chủ động ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hoá, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự…), nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, làm hình mẫu để các địa phương khác tham quan, học tập, triển khai nhân rộng.

Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng.

Đến tháng 7.2022, cả nước có 5.813/8.227 xã (đạt 70,7%) đạt chuẩn NTM (tăng 2,4% so với cuối năm 2021); có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 41 đơn vị so cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Các bộ, ngành, địa phương thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong giai đoạn mới.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, xây dựng NTM là một trong ba Chương trình MTQG được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết của Đại hội Đảng đã đề ra.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các văn bản hướng dẫn liên quan đã được hoàn thiện, đủ điều kiện tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. “Tuy nhiên, với khối lượng văn bản quá nhiều, chưa kể còn hai chương trình MTQG còn lại, có thể phát sinh cách hiểu và cách vận dụng khác nhau, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và kịp thời phản hồi một cách nhanh nhất để không làm ách tắc quá trình triển khai của các địa phương”- Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng nhận định các nguồn vốn sẽ không đủ để đạt mục tiêu của Chương trình vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hoá, xã hội ở nông thôn.

Đặc biệt, Chương trình chú trọng hình thành không gian thiết kế cộng đồng dân cư nông thôn gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó nâng cao năng lực, chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn là điều đặc biệt quan trọng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hoá vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương.

Thực tế, thời gian qua, rất nhiều địa phương về đích trước thời hạn là nhờ làm tốt công tác huy động nguồn lực ngoài ngân sách và sự tham gia của người dân, Bộ trưởng cho rằng, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực này và đồng hành, hỗ trợ sát sao cấp cơ sở ban hành Chương trình giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thể chế “cứng” mà còn chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hoá truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn.

Nói cách khác, Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hoá và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, nhưng sẽ bảo đảm NTM phát triển hài hoà, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…

Bộ trưởng lưu ý, cần thay đổi cách tiếp cận Chương trình với tư duy mới, chứ không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng và ngay cả hạ tầng cũng cần chú ý tính hài hoà, thân thiện với môi trường thiên nhiên, với không gian làng quê nông thôn. Để có được điều đó, lãnh đạo địa phương, nhất là cấp cơ sở cần sâu sát, tránh chạy theo xu hướng, tránh xung đột trong quá trình đô thị hoá và những giá trị của làng quê.

Nhấn mạnh Chương trình không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hình ảnh NTM cần dựa trên các giá trị truyền thống, đặc điểm vùng miền, đặc thù mỗi địa phương, từ đó, đa dạng về ý tưởng quy hoạch kiến trúc, cảnh quan nông thôn.

Nông thôn có đặc thù là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, do đó cần chú ý đan xen giữa các công trình và mảng xanh tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao thoa, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.

“Mong rằng, các địa phương sẽ có thêm sáng kiến để sau khi kết thúc Chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là ra thế giới, hình ảnh một di sản nông thôn tại địa bàn mình hơn là sao chép nơi khác, rập khuôn lẫn nhau. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giải thưởng hằng năm về quy hoạch và kiến trúc, cảnh quan nông thôn trong thời gian tới”- Bộ trưởng nói.

Với Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã biên giới, chiếm 77,5%; 8/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 1 xã biên giới, chiếm 11,3%; 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM, chiếm 11%. Bình quân tiêu chí xã đạt nông thôn mới trên toàn tỉnh là 17,8 tiêu chí.

Xuân Vũ

Tin cùng chuyên mục