Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quản lý sử dụng đất và phát triển đô thị ở huyện Hoà Thành:
Cần thêm nhân lực và kinh phí
Thứ tư: 06:04 ngày 30/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lực lượng của Phòng Tài nguyên và Môi trường Hòa Thành hiện chỉ có 6 người nên công việc làm không xuể, kinh phí để chỉnh trang đô thị cũng không đủ, vốn để chỉnh trang đô thị mỗi năm chỉ được hơn 30 tỷ đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành Nguyễn Nam Hưng cho biết.

Thị trấn huyện Hoà Thành nhìn từ trên cao. Ảnh Dương Vĩnh Tuyên

Ngày 24.8 vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức đợt giám sát tình hình quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn huyện Hoà Thành.

Quy hoạch sử dụng đất: chưa hợp lý

Hoà Thành chỉ có diện tích hơn 8 ngàn ha, nhỏ nhất tỉnh nhưng lại có số dân đông nhất tỉnh- hơn 145 ngàn người. Kinh tế của huyện phát triển chủ yếu theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Hiện nay, đất nông nghiệp chiếm hơn 5,7 ngàn ha, chiếm 69% diện tích đất tự nhiên. Đây là một tỷ lệ tương đối lớn, nên huyện cần chuyển dịch loại đất này phục vụ cho giai đoạn công nghiệp hoá.

Từ tháng 6.2010, huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng công tác lập quy hoạch, sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất chi tiết 5 năm kỳ đầu 2011-2015 chưa đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, số tiền khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá lớn. Biện pháp chế tài chưa nghiêm ngặt đối với những trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân cất nhà trên đất lúa nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, trong thời gian qua, huyện đã kiểm tra, phát hiện 15 vụ tự ý chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, và đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Hiện nay, thị trấn Hoà Thành đã được nâng cấp đạt đô thị loại IV, tiếp tục tập trung thực hiện chương trình phát triển đô thị để được nâng lên thị xã; các xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung dự kiến nâng cấp lên phường.

Do đó, lãnh đạo huyện Hoà Thành đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho huyện điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hằng năm, giai đoạn cuối 2016-2020 của quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn huyện. Trong trường hợp người sử dụng đất chưa có điều kiện nộp tiền chuyển đổi mục đích thì cho ghi nợ, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đúng mục đích, đúng hiện trạng.

Đối với các trường hợp hồ sơ quản lý đang là đất lúa nhưng đã chuyển đổi sang đất khác, đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển đổi để người dân yên tâm sử dụng đất. Hoà Thành cũng đề nghị tỉnh sớm xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định; đào tạo cán bộ chuyên môn có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cung cấp công nghệ, các phần mềm quản lý chuyên ngành.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát ở huyện Hoà Thành.

Trên cơ sở thực tế, Hoà Thành đưa ra định hướng, giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, như bố trí sử dụng đất trên địa bàn phải bảo đảm theo hướng sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Định hướng sử dụng đất phải đáp ứng đầy đủ các mục tiêu kinh tế, xã hội đặt ra.

Trong đó, chú trọng đến quỹ đất dự trữ cho việc mở rộng quy mô, hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, phát triển đô thị và nông thôn mới.

Bố trí sử dụng đất trên địa bàn theo hướng giảm diện tích đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thuỷ sản; ổn định diện tích đất di tích, đất rừng đặc dụng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất có mặt nước chuyên dùng và đất sông, suối; tăng diện tích đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất quốc phòng, an ninh, đất cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, đất sản xuất vật liệu xây dựng, đất di tích danh thắng, đất nghĩa trang, đất phát triển hạ tầng, đất đô thị và đất du lịch.      

Quản lý đô thị: thiếu người

Trong chương trình phát triển đô thị của tỉnh giai đoạn 2014-2020, thị trấn Hoà Thành là một trong ba thị trấn được tỉnh chọn tập trung đầu tư nâng cấp thành đô thị loại IV, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Từ nhiều năm qua, huyện thực hiện quy hoạch và cấp phép xây dựng theo quy hoạch chia lô được phê duyệt từ năm 1998 đến nay. Thế nhưng, do thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng theo quy hoạch chia lô tỷ lệ 1/500 nên còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân cư trong khu vực quy hoạch.

Đường giao thông của huyện Hoà Thành cần kinh phí để nâng cấp.

Hiện Hoà Thành đang trình Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Xây dựng thực hiện Đồ án quy hoạch chung đô thị Hoà Thành tỷ lệ 1/10.000 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Không gian trung tâm- nội thị gồm thị trấn Hoà Thành và các xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung. Khu đô thị trung tâm Hoà Thành phát triển theo mô hình đô thị ô bàn cờ và hướng tâm. Đô thị phát triển lan toả và giảm dần mật độ từ trung tâm thị trấn ra các xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung.

Trong đó, gồm trung tâm tổng hợp hành chính, văn hoá, thương mại, thể dục thể thao, trung tâm thương mại dịch vụ Long Hoa. Trung tâm du lịch hình thành ở phía Đông Toà thánh Cao Đài Tây Ninh hiện nay. Trung tâm du lịch tâm linh, văn hoá chùa Gò Kén- Thiền Lâm, gắn kết với khu sinh thái sông Vàm Cỏ Đông, khu vườn cây ăn trái.

Khu vực ngoại thị gồm các xã Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây và Long Thành Nam là khu phát triển tiểu thủ công nghiệp, kho tàng, dịch vụ, hạ tầng giao thông đầu mối đường thuỷ, đường bộ; là khu vực phát triển các loại hình kinh tế trang trại, nông nghiệp sạch, phát triển các loại hình du lịch v.v…

Nghiên cứu xây dựng chuyển đổi cụm công nghiệp Trường Hoà (xã Trường Hoà) sang khu nông nghiệp công nghệ cao để phù hợp với vùng nông nghiệp ba xã Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây.

Trung tâm thương mại Long Hoa.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý đô thị với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Nam Hưng cho biết, hiện nay, việc quản lý Nhà nước về phát triển đô thị trên địa bàn huyện như một người mặc áo đã chật. Đô thị ở Hoà Thành phát triển tương đương như ở TP. Tây Ninh, nhưng từ trước đến nay, huyện không có đội quản lý đô thị.

Đội trật tự thì không thể dẹp hết được tình trạng xây cất, lấn chiếm vi phạm về đô thị. Huyện đã đề nghị thành lập Phòng Quản lý đô thị, nhưng không được chấp nhận. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác, như lực lượng của Phòng Tài nguyên và Môi trường đang thiếu hụt.

“Hiện tại, cả Phòng chỉ có 6 người nên công việc làm không xuể”- ông Nguyễn Nam Hưng nhấn mạnh. Kinh phí để chỉnh trang đô thị cũng không đủ. Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành cho hay, vốn để chỉnh trang đô thị mỗi năm chỉ được hơn 30 tỷ đồng. Hoà Thành hiện có 500km đường giao thông cần nâng cấp, nhưng mới làm được khoảng 10% nên cần kinh phí rất lớn.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh