Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đường dây nóng Báo SGGP vừa nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc phản ánh chiêu lừa đảo mới. Phần đông người bị hại là phụ huynh có con đang du học ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Hòa, ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Chúng tôi có con đang du học ở Mỹ. Vợ chồng tôi thường xuyên trò chuyện với con qua các phần mềm ứng dụng trên điện thoại để kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe và động viên con. Gần đây, qua Facebook, con tôi nhắn tin là con nhận đổi ngoại tệ để lấy phí. Có một khách hàng đang cần đổi 5.000 USD, con tôi yêu cầu tôi gửi số tài khoản để cháu gửi tiền về.
Con tôi còn dặn kỹ: “5.000 USD quy ra tiền Việt là 127 triệu đồng. Ba chuyển cho khách 115 triệu đồng, còn 12 triệu tiền phí thì ba giữ giùm con!”. Tuy nhiên, khi vợ chồng tôi chuyển tiền vào số tài khoản “khách hàng” mà con nhắn tin thì không thấy con chuyển cho mình số tiền 5.000 USD”. Vài ngày sau, ông Hòa điện thoại cho người cô đang nuôi con của ông ở bên Mỹ thì mới biết con mình không có làm thêm dịch vụ chuyển tiền. Kiểm tra, ông mới biết trang Facebook nhắn tin cho ông là trang giả mạo trang Facebook của con ông.
Tương tự, bà T.T.P. (ngụ quận 6, TPHCM) cũng nhận được tin nhắn của con mình đang học ở Australia. Bà kể, qua phần mềm trò chuyện Messenger, con bà nhắn tin nói rằng có người bạn cần đổi tiền để chuyển về cho người nhà. Theo nội dung tin nhắn, bạn của con bà P. đổi ngoại tệ cho con bà để chuyển cho người nhà số tiền 79 triệu đồng, cộng với chi phí chuyển tiền 8 triệu đồng, tổng số tiền con bà nhận được ở Australia là 87 triệu đồng. May mắn hơn ông Hòa, bà P. không chuyển ngay 79 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp mà đi xác minh thông tin, từ đó mới biết trang Facebook của con mình đã bị hacker chiếm đoạt.
Theo những người bị hại của các vụ lừa đảo bằng phương thức trên, kẻ lừa đảo đã tạo tài khoản Facebook của con mình với ảnh đại diện, danh sách bạn bè, phần giới thiệu bản thân… Do vậy, người bị hại khó phát hiện trang Facebook của con, cháu mình đang du học ở nước ngoài bị giả mạo, nên dễ bị lừa thông qua việc mượn tiền, chuyển tiền.
Cha mẹ có con đang du học ở nước ngoài luôn muốn chia sẻ kịp thời với những khó khăn trong cuộc sống, học tập ở môi trường mới của con mình. Do vậy, khi nhận được tin nhắn hay điện thoại của con thì cha mẹ thường thực hiện ngay các yêu cầu của “con” mình. Ngoài ra, không ít phụ huynh “có tuổi”, sử dụng chưa thành thạo các phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động, chỉ “thò tay quẹt” theo yêu cầu, dễ bị sập bẫy lừa và bị chiếm đoạt tiền.
Nguồn SGGPO