Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều người cho rằng, mùa mưa hoặc lúc trời đang mưa to sẽ khó xảy ra cháy nên nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong mùa mưa.
Thực tế, đã có nhiều vụ cháy xảy ra trong mùa mưa. Người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mọi thời điểm.
Trong mùa mưa vẫn xảy ra cháy, nổ
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh, từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy. Trong đó, có 2 vụ cháy nhà dân do chập điện, 10 vụ cháy hệ thống điên (tại các trụ điện, đường dây, tủ điện,...) và 3 vụ cháy cơ sở, phương tiện giao thông do diện. Các vụ cháy nói trên không gây thiệt hại về người nhưng cũng gây thiệt hại về tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh tuyên truyền kiến thức PCCC cho nhân viên trạm xăng dầu.
Cụ thể, vào lúc 12 giờ trưa ngày 19.4, Trung tâm viễn thông VNPT Bến Cầu báo cháy tủ điện tại Trạm điện thoại di động Vinaphone (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu). Vụ cháy đã gây cháy các thiết bị truyền dẫn 2G, 3G, 4G, tủ nguồn ắc quy, máy lạnh và dây dẫn điện thoại Vinaphone của Trạm phát sóng di động BTS.
Rạng sáng ngày 7.5, tại một bãi đậu xe ô tô thuộc ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu đã xảy vụ cháy làm cháy hoàn toàn 3 chiếc ô tô đang đậu trong bãi, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. 9 giờ sáng 28.5 xảy ra vụ cháy xe ben tại địa chỉ: Ấp giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện tại ổ cầu chì bên phải ghế tài xế; hay vụ cháy lò dầu truyền nhiệt tại Công ty TNHH Wuyang Group Việt Nam, thuộc KCN Thành Thành Công (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) vào lúc 23 giờ ngày 3.6 làm thiệt hại tài sản hơn 75 triệu đồng…
Thiếu tá Ngô Phương Tâm- Đội trưởng Đội công tác Phòng cháy, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh cho biết, bước vào mùa mưa, nguy cơ cháy, nổ do chập điện, rò rỉ điện, do thiên tai, sét đánh,… càng dễ xảy ra. Do đó, người dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chủ động trong công tác PCCC, phải tuân theo quy định về PCCC để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Phòng cháy ngay từ cơ sở, tại nhà
Để đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ trong mùa mưa, Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH Công an tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Công an các địa phương tăng cường tuyên truyền PCCC bằng nhiều hình thức.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh tuyên truyền kiến thức PCCC cho học sinh.
Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với 55 cuộc tuyên truyền trực tiếp, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH và hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân, người lao động,…
Trong mùa dịch Covid- 19, để tăng cường công tác tuyên truyền cho hộ gia đình tại nhà, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với Chi đoàn PC07 thực hiện nhiều video, clip và đăng trên fanpage Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh nhằm khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tự cách ly.
Ngoài ra, Phòng còn phối hợp với Báo Tây Ninh và Đài Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh đăng phát 8 tin bài, phóng sự khuyến cáo về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với khu vui chơi, nơi tập trung đông người, các khu chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh,…
Thiếu tá Ngô Phương Tâm chia sẻ thêm: “Để tăng cường công tác PCCC cho người dân, Phòng luôn chú trọng thực hiện phương châm 4 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần luôn túc trực tại chỗ. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, để đảm bảo tính mạng cho bản thân, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức PCCC cần thiết để tự cứu mình, cứu người thân và tài sản nhanh nhất nếu có thể”.
Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy, chữa cháy của tỉnh kiểm tra hệ thống điện, hệ thống PCCC tại các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, khu dân cư.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh còn tăng cường tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã kiểm tra 182 lượt cơ sở trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung kiểm tra chuyên đề về PCCC đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh, gia công lĩnh vực dệt may, giày da.
Qua kiểm tra, đơn vị đã lập 182 biên bản kiểm tra, ban hành 2 kiến nghị khắc phục thiếu sót về quy định PCCC; phát hiện, lập biên bản và ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với 4 cơ sở.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cũng như kiểm tra, hậu kiểm công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và các khu chợ truyền thống, trung tâm thương mai, khu vui chơi để đảm bảo an toàn cho người dân; có kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, huần luyện kỹ năng PCCC cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân, công nhân... tại các đơn vị có nhiệm vụ PCCC trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trong thời gian học sinh nghỉ hè sắp tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh sẽ phối hợp với các đơn vị trường học, Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu nhi tiếp tục thực hiện, duy trì tổ chức chương trình “Một ngày làm chiến sĩ PCCC” nhằm hướng dẫn, trang bị kiến thức về các kỹ năng PCCC, dập tắt lửa, thoát hiểm... cho các em học sinh.
Theo Thiếu tá Ngô Phương Tâm, bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác PCCC của cơ quan chức năng, ý thức PCCC của người dân là rất quan trọng. Để đảm bảo an toàn, từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn; chủ các cơ sở sản xuất thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhân viên tuân thủ quy định an toàn về điện để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra do cháy chập điện trong mùa mưa bão.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh tổ chức Hội thao nghiệp vụ PCCC&CNCH.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân và các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm những nội dung như: trong nhà không nên cùng lúc bật nhiều thiết bị điện có công suất lớn, vì có thể dẫn đến hệ thống dây dẫn quá tải gây ra chập cháy; không sử dụng các phích cắm, ổ cắm bị vỡ vỏ nhựa; không cắm nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ cắm và không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện; không để các vật liệu dễ cháy gần hoặc phủ lên các thiết bị điện sinh nhiệt, các mối nối trên dây dẫn điện, các ổ cắm điện, cầu dao điện…, vì đây là những vị trí có nguy cơ cao về phát sinh tia lửa và nguồn điện gây ra đám cháy.
Khi ra khỏi nhà người dân nên tắt hết các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết, như vậy sẽ vừa đảm bảo tiết kiệm năng lượng điện và vừa hạn chế nguy cơ xuất hiện đám cháy do sự cố ở các thiết bị này...
Đặc biệt, các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình đặc biệt có yêu cầu lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét phải thực hiện việc kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét. Việc lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét phải đảm bảo theo các quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định khác của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC trước mùa mưa bão.
Nếu không may xảy ra cháy nổ, song song với việc chữa cháy, người dân cần phải nhanh chóng gọi cho Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH bằng số điện thoại 114.
Ngọc Bích