Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Thứ ba: 19:12 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, làm nhiều người, trong đó có cả các em nhỏ phải nhập viện điều trị. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào mùa hè là do thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn - những nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tiếp xảy ra 5 vụ với gần 500 người ngộ độc thực phẩm. Trong số 5 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, vụ 369 người ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh, thành phố Nha Trang đã xác định nguyên nhân do vi khuẩn Salmonella gây nên; 4 vụ còn lại xảy ra tại các trường học trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Sơn và thành phố Nha Trang.

Điểm chung của các vụ ngộ độc này là các em học sinh đều sử dụng thức ăn được bán quanh trường, không rõ nguồn gốc. Đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra, tìm hiểu nguyên nhân.

Học sinh cấp cứu sau khi ăn thức ăn bán trước cổng trường ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TL).

Không chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, các vụ việc có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tập thể cũng xảy ra tại khá nhiều địa phương trên cả nước, nhất là từ khi thời tiết chuyển sang mùa nắng nóng. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ tháng 4 - 8 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm. Do đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến, dịch vụ nấu ăn trên cả nước.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào mùa hè là do thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn - những nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Trong mùa hè, điều kiện thời tiết cũng thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng,…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ cũng như quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu, thực phẩm chưa đúng cách.

Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch… cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào các dịp đầu hè.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Thực tế cho thấy, ngộ độc thực phẩm luôn là nguy cơ hiện hữu nếu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không tuân thủ đúng những quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ở phạm vi gia đình, mỗi người dân cần chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu và bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, mọi người nên thường xuyên kiểm tra hạn dùng của thực phẩm khi bảo quản và kiểm tra kỹ tình trạng của thực phẩm trước khi sử dụng; nguyên liệu thực phẩm phải được lựa chọn tươi, ngon, đảm bảo về nguồn gốc; tránh sử dụng thực phẩm đã hết hạn hoặc có dấu hiệu hỏng.

Mọi người cần thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. (Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh).

Cần lưu ý bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh bảo đảm an toàn. Trong tủ lạnh, thức ăn chín, thực phẩm đã chế biến nên được lưu giữ tầng trên, thời gian lưu giữ tối đa 2 - 3 ngày. Các sản phẩm tươi sống chưa chế biến như trứng, rau, củ thì nên để tầng dưới hay dưới cùng, thời gian lưu giữ 5 - 7 ngày. Thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau, củ,…) cần được sơ chế (cắt gốc, rửa sạch), bao gói, có thể dán nhãn từng loại để phân loại sử dụng chúng rồi mới đưa vào bảo quản ngăn mát (bảo quản tối đa 3 - 4 ngày) hay đông lạnh (bảo quản được đến 3 - 4 tháng).

Bên cạnh đó, các gia đình nên ăn ngay khi thức ăn vừa được chế biến, nấu chín; nếu không thể ăn ngay thì các loại thức ăn này được che đậy kỹ và chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài. Nhiệt độ bảo quản thức ăn đã chế biến, nấu chín để ăn ngay nếu giữ nóng phải từ 70 độ C để có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh có trong thực phẩm hay được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 5 độ C để ngăn sự phát triển vi khuẩn. Thực phẩm tươi sống dễ hỏng như cá, thịt, hải sản nên được giữ ở nhiệt độ khoảng 2 - 3 độ C.

Thực hiện rã đông thực phẩm đông lạnh an toàn; việc rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh. Không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông, việc làm này sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... Lau dọn bếp, các dụng cụ làm bếp bảo đảm sạch sẽ, an toàn./.

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh