Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyền thông chính sách:
Cần xác định đúng vị trí, vai trò và đầu tư xứng tầm
Thứ hai: 10:43 ngày 29/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Phát biểu trong một hội nghị về truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, xây dựng chính sách pháp luật phải hướng đến người dân và người dân phải được tham gia từ quá trình xây dựng cho đến tổ chức thực hiện với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Chuyển đổi số là bước tiến quan trọng, đưa công tác truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng lên tầm cao mới 
(Ảnh: Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh)

Truyền thông chính sách chính là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang “hơi thở cuộc sống” vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Phải chủ động, chuyên nghiệp hoá hơn nữa

Truyền thông chính sách được hiểu là quá trình chuyển tải thông tin về cơ chế, chính sách pháp luật của Chính phủ, các cơ quan hành chính các cấp đến người dân để người dân nắm được nội dung cốt lõi của chính sách, tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chính sách và thực thi chính sách sau khi chính sách có hiệu lực. Đây là kênh thông tin hai chiều.

Truyền thông chính sách giúp người dân hiểu, tham gia góp ý trong quá trình xây dựng chính sách hoặc góp ý sửa đổi để chính sách hoàn thiện, phù hợp hơn và đồng thuận, hợp tác trong quá trình thực thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống, từ đó mở ra những nguồn lực, động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện lấy ý kiến góp ý của đối tượng tác động và người dân về chính sách sắp ban hành. Nội dung truyền thông phải làm rõ sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, phạm vi đối tượng điều chỉnh, nội dung chính của chính sách dự kiến ban hành, tác động đến quyền, lợi ích của người dân như thế nào. Về hình thức truyền thông, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (các cơ quan báo, đài, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin nội bộ của các cơ quan, các ngành…).

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 407/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (gọi tắt là Đề án 407) và Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh ngày càng quan tâm hơn đến công tác truyền thông chính sách, đa dạng hoá hình thức, phương thức truyền thông qua báo chí, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền miệng, pa-nô, sân khấu hoá- đặc biệt là trên nền tảng số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị chủ động thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành, các chính sách tác động lớn đến đông đảo người dân thông qua các nhóm, fanpage trên mạng xã hội, cổng thông tin điện tử; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.

Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng và duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ hoạt động truyền thông chính sách. 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh trong thời hạn ít nhất 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Đánh giá về kết quả truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Huỳnh Thanh Nam- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, thực hiện công khai, minh bạch, với nhiều cách làm phong phú, đa dạng hình thức, phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, sự đồng thuận xã hội. Tăng cường thông tin chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số là bước tiến quan trọng, đưa công tác truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng lên tầm cao mới”.

Với vai trò là một trong những “binh chủng” chủ lực trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tích cực thực hiện truyền thông chính sách thông qua các tin, bài, phóng sự, bản tin thời sự chính luận hằng ngày. Hai cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền về pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, vì chủ quyền an ninh biên giới, tiếng nói cử tri. Đài PT-TH tỉnh xây dựng các chương trình mới thể loại kịch truyền thanh, tiểu phẩm để lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật một cách nhẹ nhàng, dễ áp dụng vào cuộc sống; Báo Tây Ninh xây dựng chương trình “Tư vấn pháp luật” với sự tham gia tư vấn của các luật sư. 

Đoàn viên Sở TT&TT tuyên truyền để người dân biết, sử dụng ứng dụng Tây Ninh Smart.

Tuy nhiên trong bối cảnh bùng nổ thông tin, truyền thông chính sách cần phải chuyên nghiệp hoá và hiệu quả hơn nữa. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Thanh Nam thẳng thắn nhận định: “Mặc dù truyền thông chính sách thời gian qua đạt kết quả tích cực nhưng hiệu quả nhìn chung chưa được như mong muốn”.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu và thực hiện đúng chính sách pháp luật; chưa tiếp cận đầy đủ thông tin chính sách. Đây cũng là một trong những “điểm trừ” gây sụt giảm thứ hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, cụ thể tiêu chí “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch” của tỉnh thuộc nhóm thấp.

Là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sau 2 triển khai thực hiện Đề án 407 của Chính phủ, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều nắm, triển khai thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác truyền thông chính sách, chưa xem đây là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình mà vẫn coi đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, của các cơ quan báo, đài. Vẫn còn một số chính sách chưa được truyền thông hiệu quả, kịp thời nên dẫn tới chưa thực thi tốt trên thực tế.

Đơn cử như Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên y tế tỉnh Tây Ninh ban hành năm 2022 nhưng quá trình thực hiện gặp khó khăn về kinh phí, đối tượng thụ hưởng. Chính sách này phải qua hai lần điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn, mới thực sự đi vào cuộc sống.

Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, sở dĩ gặp khó khăn trên là do quá trình xây dựng chính sách chuẩn bị chưa tốt công tác truyền thông; các đối tượng chịu tác động cũng chưa quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đầy đủ. Trong thời gian tới, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự thảo nghị quyết HĐND cần thực hiện tốt hơn công tác truyền thông chính sách, nhất là quá trình lấy ý kiến đối tượng thụ hưởng và nhân dân để kịp thời hoàn thiện chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, chỉ khi làm tốt việc này thì nghị quyết ban hành mới có tính khả thi cao.

Riêng đối với vấn đề nguồn kinh phí truyền thông chính sách, sau 2 năm thực hiện Đề án 407, đã được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn. Tại kỳ họp thứ 14 vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết “Quy định nội dung chi, mức chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Theo đó, mức chi đã được nâng lên phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.

 “Để chính sách đi vào cuộc sống và có tính khả thi, vai trò truyền thông chính sách rất quan trọng. Truyền thông chính sách cần được hiểu đúng vị trí, vai trò, đầu tư xứng tầm. Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Về phía cử tri, người dân, chúng tôi mong cử tri, người dân sẽ tham gia tích cực hơn trong quá trình đóng góp ý kiến cho các chính sách mới, nhất là những chính sách tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích của mình”- Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh