Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phòng chống tham nhũng:
Cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, không thể “giơ cao đánh khẽ”
Thứ ba: 08:25 ngày 07/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 6.11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo công tác năm 2017 của TAND tối cao, Viện VSND tối cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác của Chánh án TAND tối cao.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017. Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo.

Mở đầu trong phiên thảo luận, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) bày tỏ vấn đề mà đại biểu và cử tri nhiều địa phương băn khoăn lo lắng, là tình trạng buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý; về thực trạng người nghiện ma túy ngày càng gia tăng.

Đáng chú ý, tội phạm và tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng nông thôn, xâm nhập vào học đường; xuất hiện ma túy dạng tem giấy, lá khát, cỏ Mỹ, chứa chất gây nghiện được rao bán trên mạng khó kiểm soát và không xử lý được cả đối tượng bán và người mua.

Nhiều loại tội phạm liên quan đến người nghiện ma túy và do người nghiện ma túy gây ra. Công tác cai nghiện ma túy hiệu quả chưa cao, việc áp dụng những quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn vướng mắc như giám định cỏ Mỹ nếu không phải chất được quy định trong Nghị định 82 và Nghị định 126 (sửa đổi) thì không coi là ma túy, không xử lý được đối tượng mua, bán, nhưng thực chất nó đều là chất gây nghiện...

Về vấn đề phá rừng, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, tình trạng phá rừng vi phạm quy định về bảo vệ rừng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc và chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Có những vụ cơ quan tư pháp dường như bất lực trước tình trạng này. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để có hình thức xử lý thích đáng, nhằm chặn đứng tình trạng phá rừng.

Công tác cai nghiện ma túy hiệu quả chưa cao- Ảnh: Khám sức khoẻ cho người tham gia cai nghiện ma túy bằng methadone.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phản ánh hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính hỗ trợ sinh viên, học sinh vay tiền phát triển rầm rộ, nhưng công tác kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này hết sức lỏng lẻo. “Công ty tài chính hỗ trợ sinh viên cho vay một cách hết sức dễ dàng, không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần có một vài thứ giấy tờ khẳng định địa chỉ và con người ở đâu sẽ được vay tiền. Đây là cách gián tiếp để các cháu vi phạm tình trạng lô đề, cờ bạc, cá độ...”- đại biểu Phương nói.

Về vấn đề xử lý hành vi tham nhũng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện; khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được…

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về chất lượng hoạt động điều tra; làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Việc chấp hành pháp luật trong áp dụng biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam và các biện pháp khác; nguy cơ bỏ lọt tội phạm trong đình chỉ, tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra các vụ án. Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; công tác điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Về nâng cao chất lượng xét xử, tránh gây oan, sai trong một số vụ án cụ thể; nâng cao chất lượng thẩm phán; bảo đảm nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử; giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018; đánh giá đúng mức vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng…

Hôm nay (7.11), Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường; thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017...

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục