Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương:
Cần xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá đúng cán bộ
Thứ ba: 23:56 ngày 12/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ông Trịnh Ngọc Phương, muốn đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức cần xây dựng bộ tiêu chí hết sức cụ thể để có kết quả sát với thực tế. Lấy định lượng làm thước đo, hạn chế định tính, đồng thời phải dựa vào sự hài lòng của người dân.

Cán bộ, công chức cấp xã giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ông Trịnh Ngọc Phương.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận được hàng chục câu hỏi của ĐBQH xung quanh câu chuyện tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tinh giản biên chế, quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ.

Qua nội dung chất vấn, có thể thấy, lĩnh vực này còn nhiều bất cập, thậm chí rất vô lý, cần điều chỉnh. Để làm rõ thêm một số nội dung liên quan, Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi ông Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh.

Phóng viên: Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thi tuyển một số vị trí, chức danh lãnh đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, số địa phương, bộ, ngành đăng ký còn ít. Theo ông, nguyên nhân do đâu? Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương thi tuyển chức danh lãnh đạo?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Trước hết, tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng do chưa được Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể. Thứ hai, Bộ chưa có quyết tâm chính trị cao.

Theo tôi, Bộ Nội vụ cho rằng đây là vấn đề đang thí điểm nên chưa đi sâu, nếu như Bộ có quyết tâm thì việc tham mưu cho Thủ tướng bằng một nghị định buộc phải thi tuyển chức danh từ cấp nào trở lên thì rất dễ dàng triển khai.

Riêng đối với bản thân tôi, thi tuyển chức danh lãnh đạo là việc làm tốt và cần phải làm ngay, như thế chúng ta mới tuyển chọn được người tài. Trước đây khi làm Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, Ban Thường vụ chúng tôi cũng đã cho thi tuyển chức danh cấp phó phòng.

Các chức danh khi sáp nhập đơn vị, chúng tôi cũng khảo sát trình độ cán bộ công chức giữa nhiệm kỳ nhằm đánh giá chất lượng, qua đó biết được năng lực của cán bộ để quy hoạch và bố trí.

 Phóng viên: Các số liệu thống kê cho thấy, việc đánh giá viên chức, công chức (liên quan đến công tác thi đua, xếp loại cuối năm) có vẻ như độ tin cậy còn thấp. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, năm 2018, toàn quốc chỉ có chưa đến 1% cán bộ, công chức bị xếp loại chưa hoàn thành nhiệm vụ. Từng là lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, ông có ý kiến gì về các con số được Bộ Nội vụ nêu ra?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Khi Bộ trưởng nói con số không tới 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, tôi không ngỡ ngàng lắm. Vì nếu thẳng thắn đánh giá con số này không chính xác thì lấy cơ sở nào? Bởi vì các cơ quan, đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ, rất ít nơi có người không hoàn thành. Tôi cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn khi nhìn nhận việc đánh giá tình hình thực thi công vụ của công chức, viên chức hiện nay còn chung chung, còn nể nang, cảm tính.

Thực tế cho thấy, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm còn nể nang do nhiều yếu tố. Chẳng hạn như ảnh hưởng tới kết quả thi đua chung của tập thể; muốn “động viên” cán bộ, công chức, viên chức; tác động của những người có ảnh hưởng… Vấn đề cốt lõi là phải loại bỏ được sự nể nang trong công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong quá trình thực hiện Nghị định 108.

Hiện nay, theo đánh giá của dư luận xã hội cũng như của nhiều cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Theo tôi, muốn đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức cần xây dựng bộ tiêu chí hết sức cụ thể để có kết quả sát với thực tế.

Lấy định lượng làm thước đo, hạn chế định tính, đồng thời phải dựa vào sự hài lòng của người dân. Lúc đó tôi hy vọng rằng sẽ có những con số sát với thực tiễn hơn. Khi chúng ta đánh giá một cách rõ ràng thì đó mới là động lực thực sự thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt hơn.

Phóng viên: Trở lại với công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… mặc dù đã có các quy định nhưng việc nhận xét, bình bầu, khen thưởng… cuối năm còn nhiều cảm tính. Sự cảm tính, duy tình ấy dẫn đến việc phân loại, xếp loại, đánh giá chưa khách quan. Theo Nghị định 108 của Chính phủ, để tinh giản một biên chế trong cơ quan phải kèm theo điều kiện, đó là 2 năm liền người này không hoàn thành nhiệm vụ. Có ý kiến nhìn nhận, chính quy định này khiến việc tinh giản biên chế gặp khó khăn. Ông tán thành ý kiến này không?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Tôi tán thành ý kiến này một phần. Nếu chúng ta không làm đúng thì dễ xảy ra tình trạng như phóng viên đặt ra. Tôi ví dụ khi Nhà nước khuyến khích về hưu sớm nhưng mặt khác, để được nghỉ hưu lại phải “có điều kiện”. Có ai cả đời lao động, cống hiến, khi chủ động về hưu sớm để góp phần tinh gọn bộ máy, đội ngũ cơ quan lại muốn trong hồ sơ của mình bị phê “không hoàn thành nhiệm vụ” bao giờ? Việc áp dụng tinh giản biên chế theo hướng cào bằng như hiện nay đã khiến nhiều đơn vị gặp khó, nhất là các đơn vị xã, phường, thị trấn.

Trước đây, các địa phương, với chủ trương nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở đã có thực hiện nhiều chính sách thu hút trí thức trẻ, sinh viên tăng cường… Nhưng sau thời gian được hưởng các chính sách thu hút lại không được xét tuyển biên chế, hầu hết những đối tượng này đều nghỉ việc vì thu nhập quá thấp. Chế độ phụ cấp hằng tháng của cán bộ không chuyên trách cao nhất là 1,7 mức lương cơ bản và thấp nhất là 1,46 mức lương cơ bản.

Nhiều cán bộ, công chức phải làm thêm để trang trải cuộc sống, chưa thật sự tập trung vào công việc chuyên môn được giao, đồng thời không có ý định gắn bó lâu dài. Đây cũng là đối tượng nghỉ việc nhiều nhất hiện nay ở cấp xã, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của địa phương. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đang được giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị với yêu cầu đến năm 2021 phải đạt tối thiểu 10% trên tổng số biên chế được giao.

Việc thực hiện như vậy sẽ nảy sinh vấn đề cần xem xét. Đó là, một số cơ quan, đơn vị chưa được giao đủ định mức theo quy định của Chính phủ (lực lượng giáo viên, kiểm lâm, y tế) nhưng nay lại phải tiếp tục tinh giản. Đây cũng là lý do để không ít cơ quan, đơn vị “biện minh” cho việc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, cần xem xét việc tính tỷ lệ phần trăm tinh giản biên chế- trên tổng số biên chế theo định mức hay theo tổng biên chế được giao? Đồng thời, quy định lại định mức biên chế ở một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Một vấn đề khác, đó là cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế.

Bởi trên thực tế, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị khác nhau, nhiều cơ quan, đơn vị phải triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh. Vì vậy, việc tinh giản biên chế không nên “cào bằng” mà cần xem xét cụ thể các đơn vị chưa được giao đủ biên chế theo định mức và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc các cơ quan, đơn vị được giao đảm nhiệm trong từng thời kỳ.

Tinh giản biên chế, thu gọn, sắp xếp lại bộ máy đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng, giữa các nghị quyết, nghị định và cả các bộ luật, luật lại có dấu hiệu mâu thuẫn, thiếu thống nhất cũng như cách thức triển khai thực hiện dẫn đến khó khăn. Đặc biệt, việc thực hiện tinh giản biên chế mà không gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì dù có đạt được lộ trình cũng không đạt được mục tiêu của Nghị định 108 nhằm hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính từ Trung ương tới địa phương gọn gàng, năng động, hiệu quả.

Phóng viên: Một trong những câu chuyện hiện nay trong vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng… là quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ. Đã có nhiều ý kiến của ứng viên (người trong cuộc) và cả ĐBQH nhìn nhận, quy định như lâu nay nặng tính hình thức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nói, để bổ nhiệm một cán bộ, công chức đòi hỏi phải có 7 cái văn bằng, chứng chỉ. Quy định này có từ năm 1993 và đã đến lúc cần sửa đổi. Cũng có ý kiến bình luận, ngoài bằng tốt nghiệp chuyên ngành của ứng viên, các loại chứng chỉ, về bản chất giống như một loại giấy phép con. Ông có ý kiến gì về câu chuyện này?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm của nhiều ĐBQH và kể cả những người trong cuộc về vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng… việc quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ chỉ là hình thức và giống như một loại giấy phép con. Tôi ví dụ một sinh viên với bằng tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ và tin học, nhưng khi tuyển viên chức, cán bộ, công chức vẫn đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Tôi cho rằng điều đó quá phi lý. Vì thế, tôi hoan nghênh việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận những bất cập kéo dài hàng chục năm trời về việc đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ. Theo tôi biết, thực tế hiện nay, nhiều người có hàng chục cái văn bằng chứng chỉ, nhưng có thực chất hay không thì khó mà biết được. Năng lực của người cán bộ, công chức không thể chỉ dựa vào đó.

Thế nên tôi thấy Bộ trưởng hứa năm 2020, việc đánh giá năng lực cán bộ sẽ đi vào thực chất, bỏ văn bằng chứng chỉ, đánh giá trực tiếp bằng năng lực làm việc thì rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, tôi ủng hộ  cán bộ công chức ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa không cần thiết phải có bằng cấp ngoại ngữ vì họ đã có tiếng dân tộc của mình. Vì vậy, tôi cũng như nhiều cử tri mong rằng Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ giữ đúng lới hứa.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh