Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần xem lại quy định về thư viện để phát triển văn hóa đọc
Thứ tư: 22:01 ngày 13/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 13-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Thảo luận về dự án Luật Thư viện, các đại biểu đều cho rằng hiện nay hệ thống thư viện, nhất là thư viện công cộng, hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân. Hệ thống thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới... Những bất cập này đặt ra yêu cầu phải sớm có chính sách khắc phục.

“Sách bán theo cân”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.  

Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thỏa mãn được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, thư viện chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo trong công tác.  

Báo cáo thẩm tra Tờ trình số 49/TTr - CP của Chính phủ về Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) Phan Thanh Bình cho rằng: Ở nước ta, hệ thống thư viện nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.

Dẫn chứng thực tế của ngành thư viện hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển cho biết: Trước đây, có thời điểm thư viện phát triển rất mạnh bởi nó gắn với văn hóa đọc. Nhưng những năm gần đây văn hóa đọc không đã không còn như trước nên hoạt động thư viện không được như mong muốn. Tình trạng sách của các thư viện mang ra bày bán ở vỉa hè rất nhiều, sách cũ bán sách theo cân.

Những người tìm mua sách thanh lọc ở các cửa hàng sách cũ, vỉa hè khá đắt, có cuốn lên tới cả triệu đồng. “Đây là lượng tài sản lớn của nhà nước thất thoát lãng phí khá nghiêm trọng, thất thoát tri thức, cho nên cần qui định về quản lý thư viện sao cho chặt chẽ”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch QH, khi ông đến các nước châu Âu, họ thường đưa đoàn đến tham quan các thư viện. Qua đó cho thấy trình độ dân trí, văn hóa đọc của các nước rất sâu. “Họ không khoe GDP của nước đó phát triển như thế nào mà họ giới thiệu thư viện”, ông Phùng Quốc Hiện ví dụ.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra rằng, thư viện là nơi quản lý giữ gìn sách, cũng như thư phòng là phòng đọc sách. Không những thế, thư viện còn là nơi nghiên cứu khoa học, là nơi lưu giữ thông tin, là nơi hướng dẫn cung cấp cho độc giả kiến thức văn hóa đọc, cho nên cần đầu tư quan tâm tới thư viện nhiều hơn.

Cần phân định rõ về thư viện công lập và ngoài công lập

Dự thảo Luật có một điều quy định một số chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, chưa xác định rõ về ưu tiên trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động thư viện, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Ông Phan Thanh Bình cho rằng phát triển sự nghiệp thư viện là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông từ các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu; phát triển văn hóa đọc nhất là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên; cung cấp dịch vụ thư viện cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, đồng bào dân tộc, người khuyết tật và đồng bào ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các nội dung hoạt động khác như: Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu quý hiếm nên được phối hợp với công tác lưu trữ, bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động thư viện nên được phối hợp với công tác giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện và dịch vụ phục vụ hoạt động thư viện. Trong dự thảo Luật cũng có đưa phân loại thư viện theo hình thức sở hữu gồm công lập và ngoài công lập, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cách phân loại này thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên, chưa bao quát và chưa rõ về mô hình tổ chức của các loại hình thư viện. Theo xu hướng chung trên thế giới, thư viện được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ. Cách phân loại này sẽ giúp cho việc hình thành mạng lưới thư viện, xác định rõ hơn tính đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của từng thư viện để có chính sách đầu tư hiệu quả. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết có nhiều hình thức để phân loại. Chẳng hạn, phân loại theo mục đích sử dụng hay theo cấp độ quan trọng. Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) có 1 kho sách với khoảng 1.000 quyển sách, tuy số lượng không nhiều, nhưng vô cùng quan trọng, phải bảo mật trong, ngoài, nhiều lần khóa. Ban soạn thảo cần điểm danh cho hết các hình thức phân loại nhưng trong Luật quản lý nội dung nào thì tập trung vào vấn đề đó. Ông Dũng cũng cho rằng cần xem lại định nghĩa hoạt động thư viện là không vì lợi nhuận. Các thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, hoạt động phi lợi nhuận nhưng phải thu lệ phí để bảo tồn. Còn quy định chung chung "đã là thư viện thì phi lợi nhuận" thì chưa chắc phù hợp.

Ông Phan Xuân Dũng lấy ví dụ về Google và Facebook - “kho” cung cấp thông tin tư liệu trực tuyến, và các nền tảng này đã thu hút được rất nhiều tiền từ quảng cáo, riêng Facebook mỗi năm thu của Việt Nam 200 triệu USD nhờ quảng cáo, thì không thể định nghĩa là hoạt động phi lợi nhuận được.  

Bên cạnh đó, cần xem lại quy định về xếp hạng thư viện. Dự thảo quy định xếp hạng thư viện dựa trên các tiêu chí về quy mô, cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu, tiện ích thư viện, hiệu quả hoạt động, cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện là chưa cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng, khó khả thi. Thực tế 12 năm qua cho thấy, việc xếp hạng thư viện thực hiện theo Thông tư 67/2006/TT-BVHTT còn nhiều bất cập do xếp hạng thư viện dựa trên tiêu chí hành chính làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư, hiệu quả hoạt động của thư viện và do chính sách đối với cán bộ lãnh đạo thư viện công cộng chưa hợp lý khi dựa vào kết quả xếp hạng thư viện. Đến nay, Thông tư 67 vẫn chưa được tổng kết.

“Cách xếp hạng thư viện không phụ thuộc vào to hay nhỏ mà phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng trong thực tiễn”, ông Phan Xuân Dũng nói. Các thư viện có quan hệ hữu cơ, tác động tương hỗ lẫn nhau vì có nhiệm vụ chia sẻ thông tin, phát huy giá trị vốn tài liệu, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân. Do đó, mạng lưới thư viện là nội dung cần được làm rõ để làm cơ sở xác định thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, nội dung này chưa rõ, khó xác định được mối quan hệ, sự ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình thư viện, giữa các thư viện trong cùng loại hình.  

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm việc xác định rõ trách nhiệm của thư viện trọng điểm và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các bộ, ngành đối với xây dựng thư viện.

Nguồn Báo Tin Tức

Tin cùng chuyên mục