Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn mười ngày nay, hàng chục hộ dân ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu bồn chồn không yên như “ngồi trên đống lửa”, vì con đường bờ kênh AC2 dẫn vào 300 ha đất canh tác của bà con nơi đây đã bị chủ một công ty “cắt đứt” hoàn toàn.
Ông Thanh bên ruộng khóm bị chết khá nhiều do nước tràn vào.
CẮT ĐƯỜNG VÀO CÁNH ĐỒNG HÀNG TRĂM HA ĐẤT CANH TÁC
Khu vực đang xảy ra sự việc nêu trên là một phần địa bàn ấp Thuận Tây. Nơi đây là vùng đất chua phèn, trũng thấp, có nhiều vườn cây tràm nước, khoảng 20 ha đất trồng lúa và 35 ha đất chuyên canh cây khóm theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hàng chục năm nay, người dân làm ăn, sinh sống trong khu vực này đi vào ra đều bằng con đường bờ kênh AC2.
Đây là con đường đất sét dài khoảng 2km, chiều ngang khoảng 4m. Trên mặt đường, có đoạn trải lớp đá nhỏ để các phương tiện giao thông qua lại đỡ bị trơn trượt trong mùa mưa lũ. Hưởng ứng chủ trương phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, nhiều năm trước, có một số công ty, doanh nghiệp đến khu vực này hợp đồng thuê đất với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (BQL Khu kinh tế). Trong đó, có các đơn vị như Công ty TNHH Phi Long, Công ty TNHH An Phú v.v…
Công ty TNHH An Phú (Công ty An Phú) là đơn vị đã hợp đồng thuê diện tích đất trong đó con đường bờ kênh AC2. Sau khi Công ty An Phú thuê đất, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng thay đổi chính sách, chuyển đổi công năng, nên từ đó đến nay, đã hàng chục năm qua, phần đất Công ty TNHH An Phú hợp đồng thuê gần như bị bỏ hoang, không thấy triển khai thực hiện dự án phát triển kinh tế nào.
Thế rồi, chốn đồng bưng Thuận Tây đang yên lành, bỗng hơn 10 ngày nay trở nên dậy sóng, bởi Công ty TNHH An Phú cho xe cơ giới móc đất làm đứt ngang con đường bờ kênh AC2. Nơi bị móc đứt có chiều rộng 4m, sâu khoảng 3,5m, khiến hàng chục nông dân đang canh tác phía trong không thể vận chuyển phân bón, sản phẩm nông nghiệp vào ra qua con đường này được. Nhiều người dân ở khu vực này bức xúc phản ánh với chính quyền địa phương và đơn vị chủ quản Khu kinh tế, nhưng đến nay vấn đề chưa được giải quyết.
Đến hiện trường vào ngày 3.11, chúng tôi nhận thấy, chỗ bờ kênh bị móc thành hố đã được người dân địa phương bắc một cây cầu gỗ để tạm thời đi bộ qua lại, bên cạnh đó, đất sình bị móc lên còn ngổn ngang trên bờ kênh. Một số người dân vừa “đánh liều” bắc một cây cầu gỗ để qua lại, vẫn còn tập trung tại đầu bờ kênh để bảo vệ cây cầu mới đóng.
Ông Nguyễn Văn Đức, 61 tuổi, nhà ở gần đầu bờ kênh AC2 thuật lại: “Công ty An Phúc không làm gì cả mà móc đất lên bỏ giữa đường. Người dân ở đây xin cho làm một cây cầu để đi lại, công ty này cũng không cho. Nông dân ở khu vực phía trong không vào ra canh tác được gì cả, khiến những người làm thuê làm mướn ở Bến Cầu cũng thất nghiệp theo.
Chúng tôi mong cơ quan báo, đài lên tiếng phản ánh yêu cầu công ty này cho dân mượn đường đi”. “Đất của tôi cũng chưa được Công ty An Phú đền bù gì cả, nhưng vừa rồi công ty lại đến đòi móc mương ngang trước cửa nhà. Tôi đã báo với chính quyền địa phương và các ban, ngành rồi. Ông Đức cho biết thêm, trước tình hình không có đường vào ra, bà con nơi đây phải cùng nhau chặt cây bắc tạm một cây cầu để đem thức ăn, nước uống vào cho những người làm ruộng, nhưng nhân viên bảo vệ của công ty ấy cũng đến đây đòi đánh bà con.
Ông Nguyễn Văn Hận, 39 tuổi, người dân địa phương cho hay, ông thuê 3,5 ha đất nông nghiệp của người khác để trồng lúa đã được 7 năm nay. Diện tích đất ông thuê toạ lạc phía bên trong phần đất Công ty An Phú. Từ khi thuê đất đến nay, ông Hận cùng nhiều nông dân khác vẫn dùng đường bờ kênh AC2 làm lối đi chính để vào cánh đồng lao động và trở về nhà.
Đường bờ kênh AC2 là lối đi công cộng, hình thành từ trước khi Công ty An Phú thuê đất. Mấy ngày nay, công ty đến móc đứt ngang bờ kênh, khiến gia đình ông không vào ruộng được. “Hiện nay, tôi và nhiều bà con ở đây đang chuẩn bị dọn đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân, nhưng đường bờ kênh bị cắt đứt thế này, tôi không vận chuyển máy bơm nước và đưa xe máy cày vào ruộng được. Chúng tôi đã gặp lãnh đạo Công ty An Phú yêu cầu công ty trả lại bờ kênh cho dân, hoặc đặt cống thoát nước ngang bờ kênh, hoặc xây cầu bắc ngang để đi lại, nhưng công ty không chấp nhận”.
Thiệt hại nặng nhất là ông Dương Văn Thanh, 71 tuổi, chủ nông trại trồng khóm lớn nhất Tây Ninh hiện nay. Ông Thanh ở tỉnh Hậu Giang, lên đây thuê 35 ha đất của Công ty TNHH Phi Long để trồng khóm từ năm 2012 đến nay. Những năm qua, vườn khóm của ông đã cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản ở Long An. Sắp tới, khi Tây Ninh có nhà máy chế biến hoa quả, ông sẽ mở rộng diện tích để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy.
Ba năm gần đây, ông đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào cây khóm, nhưng chưa có hiệu quả vì bị nước ngập làm chết cây. Năm nay, ông hy vọng gỡ lại được phần nào số vốn lớn đã đổ xuống, nhưng bất ngờ, vào thời điểm nước lũ dâng cao vừa qua, Công ty An Phú cho đào đường bờ kênh AC2, khiến nước lụt tràn vào vườn khóm của ông, làm cây khóm bị ngập chết khoảng 30% tổng diện tích.
Buổi trưa cùng ngày, khi chúng tôi đến tìm hiểu tình hình, thấy vườn khóm của ông Thanh bị vàng úa rất nhiều. Dọc bên trong bờ đê lá khóm, trái khóm non bị nước ngập làm “sút cùi” trôi nổi, tấp vào trắng bờ. Một số nơi đất trũng, cây khóm bị nước ngập chết gần hết, ông Thanh phải thuê nhân công trồng giặm lại. Xung quanh vườn khóm ông cho đắp đê bao cao lên bằng cách tăng cường thêm hàng trăm bao đất, đồng thời đặt nhiều máy dầu, bơm nước từ trong ruộng khóm ra ngoài.
Một số cây khóm ở khu đất cao đang ra trái, chuẩn bị tới kỳ thu hoạch. Nhìn ruộng khóm, lão nông rầu rĩ nói: “Còn khoảng một tháng nữa là những trái khóm này sẽ chín, nhưng không có đường vận chuyển ra như thế này, chưa biết phải tính sao”.
CHƯA TÌM ĐƯỢC HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Trước tình hình này, ông Thanh đã gửi đơn kêu cứu đến chính quyền địa phương và ngành chức năng. Các cơ quan này đã mời lãnh đạo Công ty An Phú đến thương lượng, tìm hướng giải quyết, nhưng đến thời điểm ngày 4.11, các bên vẫn chưa tìm giải quyết được.
Ông Mai Văn Thuận- Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận cho biết: “Ngày 17.8, Công ty TNHH An Phú cho lực lượng bảo vệ và xe Kobe đến móc ngang bờ kênh. Giữa công ty và người dân địa phương xảy ra xô xát, tôi chỉ đạo cho đoàn thể ở xã, ấp kết hợp với BQL Khu kinh tế đến giải quyết. Tôi đề nghị Công ty An Phú cho người dân bắc tạm cây cầu qua lại, rồi đất đai thuộc về ai sẽ xác minh giải quyết sau. Nhờ vậy tình hình mới tạm ổn”.
Ông Thuận cho biết thêm, Công ty An Phú lấy lý do đào ngang bờ kênh để khai nước chống ngập úng trong phần đất của công ty, nhưng theo ông Thuận, lý do này không đúng, vì trên phần diện tích đất của công ty đã có đường thoát nước chống ngập úng. Ngày 1.11 vừa qua, UBND xã và BQL Khu kinh tế đã mời những người có liên quan đến giải quyết.
Ông Thanh thương lượng mua lại con đường bờ kênh này để làm lối vô ra vườn khóm, nhưng ông Quang- lãnh đạo Công ty An Phú trả lời rằng đã “bán phần đất có đường bờ kênh này lại cho người khác rồi”. Hỏi bán cho ai để ông Thanh tìm thương lượng, ông Quang bảo rằng “không đã nhớ bán cho ai” (!?). “Quan điểm của UBND xã là ông Thanh đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao đúng theo hướng chủ trương của tỉnh, vì vậy, lãnh đạo các ngành, các cấp nên sớm giải quyết vấn đề này để ông Thanh và nhiều nông dân khác có đường vô ra canh tác trên cánh đồng”, ông Thuận bày tỏ.
Ông Phạm Văn Sơn- Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cho biết: “Vừa qua, Ban quản lý đã mời lãnh đạo Công ty An Phú và những người có liên quan đến giải quyết. Chúng tôi yêu cầu Công ty An Phú cho người dân đi lại trên đường bờ kênh, nhưng công ty này cho rằng trong phần đất của công ty thuê không có quy hoạch mở đường nên kiên quyết không chịu.
Công ty An Phú cho hay phần đất nêu trên được công ty phân lô bán lại cho người khác. Nếu sắp tới người dân không tháo dỡ cây cầu, những người mua đất sẽ kiện công ty”. Theo ông Sơn, nếu người dân còn tiếp tục sản xuất trong phần đất của Công ty An Phú thì nên nghiên cứu tìm con đường khác để đi, chứ không nên đi ngang phần đất của Công ty An Phú. Trường hợp ông Thanh thuê đất của Công ty TNHH Phi Long để trồng khóm, công ty này phải có trách nhiệm tìm lối đi cho ông Thanh vận chuyển.
Hiện trường nơi Công ty An Phú móc đất cắt đường.
THAY LỜI KẾT
Được biết, Công ty An Phú đặt ở TP.Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu những vấn đề nêu trên có đúng theo những lời trình bày của người dân và chính quyền địa phương xã Lợi Thuận hay không, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo Công ty An Phú. Giám đốc công ty này trả lời rằng: “Về nguyên tắc, cơ quan quản lý Nhà nước đã làm việc với công ty rồi.
Người dân muốn giải quyết vấn đề này thì liên hệ với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, chứ công ty không tham gia gì thêm”. Và mặc dù chúng tôi thuật lại câu trả lời không thể hiện vai trò gì của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về việc “móc bờ kênh, chặt đứt đường” gây khó khăn cho nông dân kể trên, nhưng Giám đốc Công ty An Phú vẫn một mực “không tham gia gì thêm”.
Những diễn biến nêu trên cho thấy, việc tranh chấp đường bờ kênh ở ấp Thuận Tây còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Theo chúng tôi, để giải quyết tình hình căng thẳng này, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, cần có những động thái quyết liệt hơn nữa. Hiện nay, vụ khóm đang cận ngày thu hoạch, vụ lúa Đông Xuân cũng sắp tới ngày xuống giống, ngành chức năng không nên để tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Đại Dương - Hùng Dũng