Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải đề nghị Mỹ – một đồng minh lớn của cả 2 quốc gia này đứng ra hòa giải.
Những ngày qua, căng thẳng đã liên tục leo thang trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, liên quan đến các vấn đề bồi thường cho các lao động cưỡng bức trong thời chiến, hay những bất đồng trong vấn đề thương mại. Hiện Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải đề nghị Mỹ – một đồng minh lớn của cả 2 quốc gia này đứng ra hòa giải.
Từ trái sang: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Japan Times
Ngày 19/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại nước này, ông Nam Gwan Pyo, tới Bộ Ngoại giao để phản đối việc Hàn Quốc từ chối đề nghị của Tokyo tham gia Hội đồng trọng tài với sự tham gia của một nước thứ 3, nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước về lao động thời chiến.
“Những gì chính phủ Hàn Quốc đang làm bây giờ tương đương với việc phá vỡ trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai. Tôi tin rằng chúng ta cần phải thực hiện các bước đầy đủ. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu phán quyết của tòa án tối cao của Hàn Quốc làm tổn thương các công ty Nhật Bản”, Ngoại trưởng Kono tuyên bố.
Đến nay, Nhật Bản đã 3 lần đưa ra lời đề nghị Hàn Quốc tham gia Hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến, kể từ sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra 1 loạt phán quyết vào cuối năm 2018, yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân.
Hiện phía Nhật Bản luôn cho rằng, vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp “xong xuôi” trong Hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính, trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của Tòa án nước này, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản, gây ra căng thẳng leo thang.
Từ căng thẳng này, Nhật Bản ngày 4/7 vừa qua, đã viện dẫn lý do an ninh, để siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình. Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản có ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu này. Do đó, quyết định của Nhật Bản được xem là sẽ ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn công nghệ toàn cầu của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn được gọi là White Countries. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...
Trước các động thái từ phía Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Nhật Bản đang gây tổn hại cho nền kinh tế Hàn Quốc vì mục đích chính trị và nước này đang cân nhắc mọi kế hoạch để đáp trả.
Trong khi chính phủ Hàn Quốc dọa sẽ kiện Nhật Bản lên Tổ chức thương mại thế giới, thì người dân cũng đang tổ chức nhiều đợt tuần hành phản đối hành động của Nhật Bản. Hiện hàng loạt các cửa hàng, cửa hiệu tại Hàn Quốc đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.
Ông Cho Min Hyuk – Giám đốc siêu thị Prune cho biết: “Chúng tôi dự báo doanh thu sẽ giảm từ 10 đến 15%, nhưng bất chấp những tổn thất như vậy cho doanh nghiệp của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục tẩy chay hàng hóa Nhật Bản nhằm phản đối những hạn chế xuất khẩu bất công từ phía Tokyo”.
Nhiều người Hàn Quốc cũng đã chia sẻ lời kêu gọi hủy những tour du lịch tới Nhật Bản. Đỉnh điểm của phong trào phản đối Nhật Bản, hôm qua, 1 người đàn ông Hàn Quốc đã tự châm lửa thiêu mình trước cổng Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc, dẫn đến tử vong.
Trước những căng thẳng leo thang giữa 2 nước đồng minh tại Đông Bắc Á, hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/7 lần đầu tiên lên tiếng về khả năng đứng ra hòa giải:
“Thực tế, Tổng thống Hàn Quốc đã hỏi tôi rằng, liệu tôi có thể tham gia hòa giải không? Ông ấy đã nói với tôi việc hai bên có rất nhiều xích mích đang diễn ra liên quan đến thương mại, chủ yếu liên quan đến thương mại. Nhật Bản đang có những sản phẩm mà Hàn Quốc cần. Có lẽ nếu cả 2 đề nghị tôi đứng ra, tôi sẽ ở đó bởi tôi đều yêu quý cả 2 nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tôi hi vọng họ có thể tự giải quyết được căng thẳng hiện nay.”
Hiện phía Hàn Quốc cũng đã chính thức đề xuất Nhật Bản cùng tiến hành một phiên họp cấp chuyên viên vào ngày 24/7 tới sau khi cuộc thảo luận hôm 12/7 vừa qua giữa giới chức hai bên về căng thẳng thương mại gần đây chưa khơi thông được thế bế tắc.
Dự kiến, vấn đề thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ trong hai ngày 23-24/7 tới.
Nguồn VOV.1