Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cảnh báo mạo danh cán bộ, nhân viên y tế để lừa đảo
Thứ bảy: 10:09 ngày 02/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, một số cơ sở, cá nhân mạo dạnh nhân viên y tế, bác sĩ, đang công tác tại các bệnh viện gọi điện hỏi thăm sức khoẻ, tư vấn bệnh và bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Đối tượng gửi hình ảnh giới thiệu mua thuốc bổ sung canxi cho chị Yến Nhi tham khảo.

Chị Yến Nhi (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) cho biết, ngày 21.7 vừa qua, chị nhận được một cuộc điện thoại từ số 0785…388, người gọi xưng là nhân viên tư vấn ở Viện Dinh dưỡng quốc gia gọi hỏi thăm sức khoẻ của chị sau khi sinh em bé. “Người này hỏi thăm tôi rất nhiều về tình trạng em bé, vấn đề tiêm chủng cho con, sau đó giới thiệu một số thực phẩm chức năng bồi bổ cho mẹ sau khi sinh. Nhân viên tư vấn cho tôi cần mua thuốc bổ sung canxi, vitamin tổng hợp uống để phục hồi sức khoẻ. Cam kết thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chính hãng, nếu khách hàng mua ngay sẽ giảm 10%, được kiểm tra hàng trước khi nhận” - chị Nhi nói.

Với lời quảng cáo hấp hẫn, chị Nhi đồng ý mua 2 hộp thuốc canxi, 2 hộp vitamin tổng hợp với số tiền hơn 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi gọi điện hỏi thăm người thân làm ở một bệnh viện trong tỉnh, chị biết đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu mạo danh bác sĩ, dược sĩ, lương y, nhân viên y tế tư vấn bệnh và bán thực phẩm chức năng. Ngay sau đó, chị đã liên hệ huỷ đơn hàng thuốc đã đặt.

Còn chị Đ.N (ngụ huyện Châu Thành) cũng suýt bị lừa khi nhận được cuộc gọi giới thiệu mình tên Dương làm ở bộ phận chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé của Viện Dinh dưỡng quốc gia. “Nhân viên tư vấn tôi về cách chăm sóc em bé, các bệnh thường gặp ở trẻ, việc sử dụng thêm sữa công thức để giúp con phát triển toàn diện. Sau đó, đối tượng chào mời tôi mua dòng sữa Physiolac của Pháp giúp em bé hấp thu tốt, tăng cân, chiều cao, phát triển trí tuệ với mức giá nhiều ưu đãi. Để tạo lòng tin, người này còn kết bạn trên Zalo để tiện cho việc trao đổi thông tin và gửi link phòng khám để tôi đăng ký khám sức khoẻ miễn phí cho con” - chị N chia sẻ.

Sau khi truy cập theo đường link mà đối tượng gửi, chị N thấy trang website phòng khám có giao diện khá đơn giản, hình ảnh hoạt động, thông tin địa chỉ không cụ thể, rõ ràng. Biết đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu, chị N đã từ chối mua hàng.

Anh T.H.T (ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) cho biết, cách đây khoảng 5 tháng, anh nhận được cuộc điện thoại tư vấn sức khoẻ, bán thực phẩm chức năng, các gói dịch vụ chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé. Cảnh giác, anh T đã hỏi tên tuổi, chức vụ, đơn vị công tác của đối tượng để liên hệ thì người này lập tức cúp máy. “Không biết từ đâu các đối tượng này có thông tin và số điện thoại của tôi mà biết gia đình tôi đang chăm sóc con nhỏ” - anh T nói.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin, theo khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các video clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các video clip giới thiệu từng là các bệnh nhân dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có thể khỏi bệnh.

Trang website phòng khám mà đối tượng gửi cho chị N có giao diện khá đơn giản, thông tin không rõ ràng.

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khoẻ.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Bên cạnh đó, người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khoẻ. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hoá đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục