Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 8-2, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã khởi động chiến dịch toàn cầu mang tên notonukes.org nhằm cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng trên thế giới.
Biểu tượng chống gia tăng vũ khí hạt nhân của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Vượt xa các điều kiện bắt buộc
Trong một tuyên bố chung, ICRC và IFRC nhấn mạnh, một số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã vượt quá xa với các điều kiện bắt buộc về giải trừ vũ khí hạt nhân lâu dài và đang cố gắng làm giàu kho vũ khí hạt nhân của mình, phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân và đơn giản hóa việc sử dụng. Chính vì điều này, Hội Chữ thập đỏ đã kêu gọi ban hành lệnh cấm tất cả các vũ khí hạt nhân. Chủ tịch ICRC Peter Maurer kêu gọi: “Tại thời điểm căng thẳng quốc tế đang gia tăng này, tôi kêu gọi mọi người hành động với sự khẩn trương và quyết tâm để đưa kỷ nguyên vũ khí hạt nhân chấm dứt”.
Theo tờ Strait Times ngày 9-2, chiến dịch notonukes.org đã đăng tải môt video clip mô tả 2 người bạn trên bãi biển thảo luận về việc họ muốn sống hay chết nếu một quả bom hạt nhân phát nổ. Một người nói anh ta sẽ muốn sống, vì cuộc sống có quá nhiều điều đẹp đẽ, như dành thời gian cho gia đình, cảm nhận ánh mặt trời trên mặt và yêu thương mọi người. Người kia nói anh ta thích chết hơn, vì sau vụ đánh bom, không điều gì trong số đó có thể xảy ra. Video kết thúc với lời kêu gọi hành động: “Hãy quyết định tương lai của vũ khí hạt nhân trước khi chúng quyết định chúng ta”.
Chiến dịch notonukes.org còn nhằm mục đích chỉ ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc do vũ khí hạt nhân; đồng thời nhằm khuyến khích người dân trên thế giới hối thúc chính phủ nước mình ký và phê chuẩn Hiệp ước Liên hiệp quốc về cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Cho tới nay, TPNW đã được 70 quốc gia tham gia ký kết và 21 nước phê chuẩn.
Không ai nhường ai
Chiến dịch notonukes.org ra đời sau khi Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng với lý do Moscow đã vi phạm hiệp ước năm 1987 này. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định tương tự, coi đây là sự đáp trả tương ứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km). Tuy nhiên, vào tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Tháng 12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là ngày 2-2 vừa qua.
Cùng lúc này, một hiệp ước hạt nhân khác giữa Mỹ và Nga đang rơi vào nguy cơ mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 7-2 cho rằng việc Mỹ từ chối đàm phán gia hạn Hiệp ước New Start (hết hạn vào năm 2021) báo hiệu một ý định của Washington và cảnh báo thời gian sắp hết để cứu lấy hiệp ước này.
Hiệp ước New Start được ký vào năm 2010 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiệp ước này giới hạn mỗi quốc gia sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng 700 tên lửa và máy bay ném bom được triển khai. Theo quan chức này, Mỹ cho biết họ đã chuyển đổi 56 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Trident và 41 máy bay ném bom chiến lược B-52H mang vũ khí hạt nhân để sử dụng với vũ khí thông thường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho quân đội phát triển vũ khí mới sử dụng trên đất liền, nhưng nhấn mạnh rằng những vũ khí mới này sẽ không được triển khai tới lãnh thổ Nga tại châu Âu hoặc bất kỳ khu vực nào khác trừ khi Mỹ làm tương tự tại những nơi đó.
Nguồn SGGPO