Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cảnh báo sốc phản vệ do côn trùng đốt
Thứ hai: 09:48 ngày 21/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp bị côn trùng đốt dẫn đến sốc phản vệ, phải nhập viện cấp cứu, có trường hợp tử vong.

Ong vò vẽ (ong mặt quỷ) là một trong những loài côn trùng có độc tính cao, người bị đốt rất dễ bị sốc phản vệ.

Sốc phản vệ có thể gây tử vong

Bác sĩ Lâm Duy Tân- Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, khoảng 2 giờ sáng 16.8, Khoa ICU tiếp nhận một bệnh nhân nữ ngụ thị trấn Dương Minh Châu trong tình trạng sốc phản vệ nặng do bị ong mặt quỷ (ong vò vẽ) đốt gần 200 nốt ở tay, đầu và lưng. Đây là trường hợp bị ong đốt nặng nhất từ trước đến nay.

Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, phổi, rối loạn đông máu, tổn thương cơ… Chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ độ III do ong vò vẽ đốt. Sau khi xử trí cấp cứu sốc phản vệ, bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp oxy 100%, sử dụng thuốc hỗ trợ vận mạch, nâng huyết áp, truyền dịch, bù máu, điều chỉnh rối loạn toan kiềm trong cơ thể, đồng thời hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh quyết định lọc máu để cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy.

“Thông thường, biến chứng của sốc phản vệ do nọc độc của ong kéo dài từ 24 đến 48 giờ. Trường hợp bệnh nhân Y diễn tiến rất nhanh, chỉ sau 12 giờ, các cơ quan đều bị suy và tổn thương. Sau 2 ngày lọc máu liên tục tại ICU, bệnh nhân diễn tiến theo chiều hướng nặng, suy gan tối cấp, cần hỗ trợ tuyến cao hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không qua khỏi và tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong sáng 18.8”- bác sĩ Tân cho biết.

Trước đó, khoảng đầu tháng 7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một bệnh nhi (5 tuổi) trong tình trạng có nhiều vết sưng nề, đau, sốt cao do bị ong đốt. Chẩn đoán bệnh nhi bị sốc phản vệ độ II. Sau vài ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhi ổn định và được ra viện.

Cần xử trí sớm

“Tất cả các loại côn trùng như kiến, muỗi, ong... đều có khả năng gây sốc phản vệ. Một số loài có độc tính cao thì càng chú ý và cần xử trí sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng”- bác sĩ Lâm Duy Tân nhấn mạnh.

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 4-5 trường hợp, đa số là trẻ em bị sốc phản vệ do côn trùng đốt, tuỳ theo mức độ của bệnh nhân mà các bác sĩ có phác đồ điều trị. Theo bác sĩ Tân, khi bị côn trùng có độc tố cao đốt, nếu không xử lý kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng, có thể tử vong, nhất là đối với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng kém.

“Người bị côn trùng đốt thường có biểu hiện bồn chồn, khó thở, hốt hoảng, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, truỵ mạch... Thời gian diễn biến của sốc phản vệ kéo dài từ vài giây đến 30 phút, tốc độ sốc càng nhanh thì tiên lượng càng xấu”- bác sĩ Tân cảnh báo thêm- “Ong vò vẽ, ong bắp cày thường là loài có độc tính cao.

Khi bị ong đốt từ 10 nốt trở lên hoặc xác định bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong (chưa rõ loại) đốt, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử trí sớm, phòng biến chứng nhiều, cấp tính, sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan, dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp”. 

Bác sĩ khuyến cáo, ngay sau khi bị ong đốt, nạn nhân cần nhanh chóng ra khỏi khu vực có nhiều ong, lấy ngòi chích ra khỏi vùng da bị đốt và tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra, thấm sâu hơn vào cơ thể. Đắp khăn lạnh hoặc túi chườm đá để giảm sưng và giảm đau vết thương; rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày và đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất.

Tâm Giang

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sốc phản vệ được phân thành 4 mức độ:

- Mức độ I (nhẹ): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

- Mức độ II (nặng): Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh. Khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, đau bụng, nôn, ỉa chảy, huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

- Mức độ III (nguy kịch): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như: rít thanh quản, phù thanh quản; Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; Rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn); Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

- Mức độ IV (ngừng tuần hoàn): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Tác hại nghiêm trọng của việc sốc phản vệ là hạ huyết áp và co thắt đường thở gây ra tình trạng thiếu hụt oxy cung cấp cho các tế bào. Tình trạng này không chỉ dẫn đến hiện tượng khó thở, làm tim ngừng đập mà còn kéo theo những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não, suy thận, sốc tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh