Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cảnh giác với doanh nghiệp 'quảng cáo nổ' trên Google
Thứ ba: 15:02 ngày 08/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày càng nhiều website đổ tiền quảng cáo thái quá để tìm khách trên công cụ tìm kiếm Google rồi sau đó chặt chém, chưa kể nhiều trang nhái các thương hiệu uy tín, thậm chí phát tán virút...

Con dao hai lưỡi.

Khi chiếc điện thoại thông minh của mình bị hỏng, chị Hồng Trang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lên mạng tìm kiếm nơi sửa chữa uy tín.

Tra Google để tìm kiếm, kết quả của cụm từ “sửa chữa điện thoại samsung” lại ra hàng loạt cửa hàng, dịch vụ sửa chữa khác nhau khiến chị Trang “hoa mắt”.

Nghĩ những trang web hiện lên đầu danh sách là uy tín, chị Trang thử đến một cửa hàng dạng này.

Cửa hàng báo lỗi lớn, giá sửa đến 2 triệu đồng, chị Trang cảnh giác, tìm đến trung tâm bảo hành chính hãng.

Kết quả: điện thoại chị Trang chỉ bị lỗi nhỏ, được sửa miễn phí dù không còn trong thời hạn bảo hành. Chị Trang cảnh báo bạn bè: cẩn thận những kết quả tìm kiếm trên đầu danh sách kết quả tìm kiếm của Google...

Có cả ngàn lĩnh vực và từ khóa tìm kiếm nên ngoài chị Trang, có rất nhiều người không để ý, chọn các website quảng cáo ở đầu danh sách tìm kiếm của Google và bị thiệt hại.

Thậm chí, nhiều đối tượng đã cố tình lập website lừa đảo, phát tán mã độc, gài bẫy, “chặt chém” và tìm cách tiếp cận người dùng thông qua công cụ tìm kiếm Google. 

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, đại diện Google chỉ cho biết: “Kết quả tìm kiếm được tạo tự động và theo thuật toán của Google, kết quả phản ánh những nội dung và thông tin sẵn có trên Internet.

Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để cải thiện thuật toán của mình và đánh giá cao những phản hồi/đóng góp về việc cải thiện kết quả tìm kiếm của chúng tôi”. Google cũng cho biết luôn có công cụ để người dùng báo cáo “những kết quả tìm kiếm có khả năng bị lạm dụng”.

Google vô can?

Tuy nhiên, theo ông Du Nguyễn - một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, thực tế khi báo cáo thông tin vi phạm sẽ phải cung cấp đầy đủ các thông tin mà Google yêu cầu, và “quá trình này có thể khiến một số doanh nghiệp bối rối hoặc nản lòng”.

Riêng với kết quả không phải trả phí để hiển thị, Google sẽ không xử lý vấn đề liên quan thương hiệu.

“Cũng khó cho Google để biết đâu là đơn vị lừa đảo, bởi vì nó diễn ra “offline” (ngoại tuyến)” - ông Du Nguyễn phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng Google có thể không phải là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp cho từng trường hợp, nhưng với tầm ảnh hưởng “khổng lồ”, có thể đòi hỏi trách nhiệm xã hội không nhỏ ở Google.

Theo bà Bùi Việt Hiền Nhi - phó ban truyền thông một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, Google cần tổ chức đánh dấu xác thực về uy tín của các website như cách Facebook đang làm.

 “Google có thể tạo khu vực riêng để người dùng đánh giá về các nội dung, website được mình chọn lọc” - bà Hiền Nhi nói.

Phải tự bảo vệ trên Google

Tuy nhiên, ông Du Nguyễn lo ngại việc doanh nghiệp gửi văn bản phản ứng chỉ là cách làm mang tính “đối phó” và dễ xảy ra sự cố bởi với những tổ chức, cá nhân cố tình, họ lập một trang web mới rất dễ dàng.

Để chủ động, theo ông Du Nguyễn, doanh nghiệp nên có kế hoạch bảo vệ thương hiệu trên Google để đảm bảo khi người dùng tra Google từ khóa thương hiệu của mình, website “chính chủ” của doanh nghiệp hoặc các “tài sản trực tuyến” khác (YouTube, Facebook fanpage...) phải nằm trong trang nhất kết quả tìm kiếm.

Về phía người dùng, các chuyên gia đều khuyến cáo nên để ý biểu tượng {QC} ở đầu kết quả tìm kiếm Google, là chỉ dấu cho thấy đó là trang hiển thị đầu danh sách tìm kiếm nhờ... quảng cáo.

Nhiều “chiêu” trên Google


Nhiều người chỉ dựa vào kết quả trên đầu danh sách tìm kiếm Google để chọn dịch vụ và đã bị “chặt chém”. Trong ảnh: tại một cửa hàng sửa điện thoại ở Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Các doanh nghiệp, cá nhân khai thác Google đang chủ yếu dùng hai hình thức để các website của mình hiển thị trên trang nhất Google, từ đó tăng khả năng người tiêu dùng lựa chọn. Đó là trả phí quảng cáo cho Google (AdWords) hoặc tùy kết quả tự nhiên.

Với AdWords, kết quả xuất hiện gần như tức thì nếu quảng cáo không vi phạm chính sách của Google. Với kết quả tự nhiên, các doanh nghiệp sẽ không phải trả phí.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang tự tìm cách tối ưu hóa website của mình để lên được trang nhất hoặc vị trí tốt trên kết quả tìm kiếm.

Việc này đã thành một nghề, gọi là “làm SEO” (Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm).

Đội SEO sẽ tối đa hóa tốc độ tải trang, tăng nội dung hấp dẫn, từ khóa phân bổ thông minh, và đặc biệt là tăng “điểm về độ uy tín”... để được hiển thị đầu danh sách tìm kiếm.

Cả hai hình thức trên doanh nghiệp đều mất chi phí, tùy theo nhu cầu.

Kết quả tìm kiếm Google mang tính thương mại

Đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong chi tiền quảng cáo của các doanh nghiệp tại “mảnh đất” của Google để trang web hiển thị ở đầu danh sách tìm kiếm, và đương nhiên Google hưởng lợi lớn.

Điều này đã làm các thông tin của Google, theo các chuyên gia, thực chất mang tính thương mại hóa cao và có yếu tố phục vụ lợi ích thương mại của đơn vị/doanh nghiệp chấp nhận bỏ tiền.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục