Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng là một trong những thủ đoạn lừa đảo được các ngân hàng cảnh báo trong thời gian gần đây, tội phạm sử dụng “chiêu” này lừa cho vay nặng lãi hoặc đánh cắp thông tin khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Agribank cảnh báo đến người dân về các hình thức lừa đảo.
Chị Huỳnh Thị Mộng Tuyền- ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành cho biết, ngày 4.7, chị bất ngờ nhận được 5,2 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với một số nội dung đính kèm khó hiểu.
“Không biết đối tượng chuyển bằng giao dịch gì mà không hiển thị số tài khoản của họ. Ðặc biệt, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của tôi nhiều lần, ít nhất là 250.000 đồng và nhiều nhất là 3 triệu đồng”- chị Tuyền nói.
Những ngày sau, chị Tuyền liên tục nhận được những cuộc gọi lạ yêu cầu thanh toán tiền lãi 1 triệu đồng từ số tiền 250.000 đồng mà đối tượng đã chuyển cho chị vay. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, chị Tuyền liên hệ với ngân hàng nhờ hỗ trợ tra cứu toàn bộ lịch sử chuyển tiền, “đóng băng” 5,2 triệu đồng “trên trời rơi xuống”, đồng thời trình báo Công an xã Trường Ðông nhờ giải quyết.
“Tôi hay xem tin tức trên báo, đài và cũng có một số kiến thức về ngân hàng nên biết đây là một trong những trò lừa đảo. Ðặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương giãn cách xã hội, nhiều phương thức giao dịch trực tuyến được áp dụng. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã “đặt bẫy” các chủ tài khoản ngân hàng bằng cách cố ý chuyển tiền nhầm để lừa đảo, thậm chí là ép vay nặng lãi”, chị Tuyền chia sẻ.
Ông Trần Kiến Trúc- Trưởng Phòng Dịch vụ - Marketing, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tây Ninh (Agribank) cho biết, gần đây, một số đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn giả vờ “chuyển tiền nhầm” để chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng khiến không ít người dân vì nhẹ dạ cả tin nên dính bẫy.
Theo đó, khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu chuyển trả (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.
Trong một số trường hợp, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có người chuyển nhầm vào tài khoản, hướng dẫn họ thủ tục hoàn trả bằng cách ấn vào đường link và điền thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
“Khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình, tốt nhất không sử dụng số tiền đó, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc. Người dân có thể liên hệ với ngân hàng để thông báo hoặc có thể liên hệ với cơ quan Công an để giải quyết”- một cán bộ Agribank chia sẻ.
Ngoài ra, một số thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng phổ biến trong thời gian qua, như gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng đến khách hàng (tin nhắn này được nhận, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, yêu cầu họ ấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực.
Thực chất đây là đường link giả mạo để khách hàng tiết lộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đối tượng sử dụng website, zalo có logo ngân hàng, hình ảnh phòng giao dịch… thậm chí, hình ảnh của nhân viên ngân hàng để liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn, sau đó yêu cầu khách hàng nộp một khoản phí để được hưởng ưu đãi.
Không chỉ vậy, các đối tượng lập trang web giả mạo giống với thương hiệu của ngân hàng để tiếp nhận, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhằm thu thập thông tin, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng, phục vụ cho việc lừa đảo, gian lận.
Hay đối tượng đánh cắp tài khoản mạng xã hội facebook, zalo người quen của khách hàng và giả danh đang rơi vào hoàn cảnh khẩn cấp như nộp tiền phạt, chi phí y tế... cần khách hàng chuyển tiền gấp.
Một số trường hợp, đối tượng còn gửi thông tin tới khách hàng là được nhận tiền từ nước ngoài chuyển về qua kênh Western Union và hướng dẫn cách nhận bằng cách cung cấp mật khẩu, từ đó lợi dụng thông tin được cung cấp để chuyển tiền và chiếm đoạt...
Ðể hạn chế tối đa các rủi ro, Agribank lưu ý khách hàng nên đăng ký nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua tin nhắn SMS hoặc tin nhắn OTP do ngân hàng cung cấp để kịp thời cập nhật các thông tin thay đổi của tài khoản; đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán có tính bảo mật cao (tránh đặt ngày sinh, tên người thân, số điện thoại…), có thói quen thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi cảm thấy nghi ngờ.
Người dân nên đăng ký sử dụng phương thức xác thực Soft OTP khi thực hiện các giao dịch trực tuyến; không nên sử dụng các phần mềm lưu trữ mật khẩu, không dùng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng điện tử và đăng nhập vào các mạng xã hội.
Agribank cũng khuyến cáo mọi người tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, e-mail, kênh mạng xã hội mạo danh ngân hàng; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Bởi vì, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Trong trường hợp nghi ngờ giả mạo, lừa đảo, khách hàng vui lòng thông báo ngay đến số hotline của Agribank 1900558818 hoặc chi nhánh gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Luật sư Phan Văn Vĩnh, Ðoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, Ðiều 165 Bộ luật Dân sự 2015, chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau: chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản; người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan; người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp khác do pháp luật quy định. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Có thể hiểu, người bị coi là chiếm hữu, sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật là việc một người trên thực tế đang chiếm hữu, sử dụng tài sản người khác mà không có tư cách pháp lý để nắm giữ, quản lý, khai thác tài sản. Theo khoản 1, Ðiều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Nếu gặp trường hợp có sự “chuyển tiền nhầm” (do vô tình hay cố ý) nào đó, chủ tài khoản cần báo ngay cho ngân hàng nơi mình đăng ký mở thẻ để yêu cầu chuyển trả hoặc đóng băng số tiền chuyển nhầm”, luật sư Vĩnh nói.
Thiên Di